Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đọc tuyên bố phản đối Trung Quốc hôm 21-3 tại Jakarta - Ảnh: Reuters |
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh trên biển Đông đang có những căng thẳng, nhất là sau khi Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo trái phép trên biển và tuyên bố chủ quyền phi lý gần hết biển Đông, gây quan ngại đối với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, theo Reuters, Indonesia lại là nước không có tranh chấp ở biển Đông. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói bà đã gặp các đại diện đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta sau khi xảy ra vụ việc liên quan đến một tàu tuần duyên, một tàu cá của Trung Quốc và một tàu tuần tra của Indonesia ở vùng biển Natuna cuối tuần qua
Một quan chức Indonesia nói chính quyền nước này khi ấy đang định bắt tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia.
Tám thuyền viên của Trung Quốc bị bắt giữ nhưng tàu tuần duyên Trung Quốc đã có hành vi ngăn chặn phía Indonesia giữ tàu cá.
Phía Trung Quốc nói tàu cá này “đang hoạt động trên ngư trường truyền thống của Trung Quốc” và yêu cầu Indonesia thả người.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần hết biển Đông nhưng theo Reuters, cả Bắc Kinh và Jakarta đều không tranh chấp chủ quyền quần đảo Natuna và vùng biển xung quanh. Cả hai bên đều nhất trí quần đảo và vùng biển này thuộc tỉnh Riau của Indonesia.
Tuy nhiên, nhiều vụ việc căng thẳng từng xảy ra. Tháng 3-2013, các tàu vũ trang của Trung Quốc đã đối đầu với tàu tuần tra của Indonesia và yêu cầu thả ngư dân Trung Quốc xâm phạm vùng biển Natuna. Vì quan ngại đến sự an toàn, thuyền trưởng tàu Indonesia buộc phải đồng ý.
Vụ việc tương tự cũng xảy ra năm 2010.
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Indonesia nói nước này không có kế hoạch tăng cường quân sự ở quần đảo Natuna sau vụ việc vừa qua.
Đáp lại lời phản đối của phía Jakarta, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định tàu Trung Quốc không xâm phạm lãnh hải của Indonesia.
Trong một tuyên bố mạnh mẽ, Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti nói nước này cảm thấy nỗ lực duy trì hòa bình ở biển Đông như đang bị phá và có thể sẽ đem vụ tranh cãi mới nhất này ra tòa án quốc tế.
“Trong nhiều năm qua, Indonesia đã theo đuổi và thúc đẩy hòa bình ở biển Đông. Vụ việc vừa qua khiến chúng tôi cảm thấy các nỗ lực của chúng tôi bị gián đoạn và phá bĩnh” - Bà Susi nói với báo giới sau cuộc gặp với các đại diện của đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận