29/04/2022 10:49 GMT+7

Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ, dân nghèo nhiều nước khổ sở vì thiếu dầu ăn giá rẻ

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, Indonesia, đã quyết định cấm xuất khẩu tất cả các loại dầu cọ trong nỗ lực ổn định giá và giảm căng thẳng xã hội trong nước. Điều này lại tạo ra căng thẳng ở các nước nghèo trên thế giới.

Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ, dân nghèo nhiều nước khổ sở vì thiếu dầu ăn giá rẻ - Ảnh 1.

Thu hoạch trái cọ dầu ở tỉnh Riau của Indonesia - Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố cuối ngày 27-4, Chính phủ Indonesia khẳng định lệnh cấm xuất khẩu sẽ áp dụng với toàn bộ các loại hạt có dầu, chứ không riêng dầu cọ và các dầu thực vật khác có thể ăn được như thông báo một ngày trước đó.

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto nhấn mạnh toàn bộ các sản phẩm, bao gồm dầu cọ thô thuộc diện cấm xuất khẩu. Quân đội Indonesia trước đó khẳng định sẽ điều các tàu chiến tuần tra, ngăn chặn việc tuồn dầu cọ ra các tàu nước ngoài.

Giá dầu cọ đã liên tục leo lên mức cao mới khi các chủ hàng lo ngại số dầu cọ mà họ đã thanh toán sẽ không được chuyển lên tàu trước khi lệnh cấm của Indonesia có hiệu lực từ ngày 28-4.

Vì sao cấm?

Tổng thống Joko Widodo cho biết việc cung cấp dầu ăn cho 270 triệu cư dân Indonesia là "ưu tiên cao nhất" của chính phủ ông. Nhà lãnh đạo Indonesia gọi việc người dân của ông thiếu dầu ăn là điều "trớ trêu" khi đây là nước xuất khẩu dầu cọ số 1 thế giới.

Indonesia sản xuất khoảng 60% lượng dầu cọ của thế giới, trong đó khoảng 1/3 được tiêu thụ bởi thị trường nội địa. Ấn Độ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Pakistan là một trong những thị trường xuất khẩu chính.

Ngoài lý do truyền thống ẩm thực, dầu cọ còn được nhiều nước thu nhập thấp ưa chuộng vì giá rẻ. Đây từng là loại dầu ăn thực vật rẻ nhất trên thế giới và là 1 trong 4 loại dầu ăn chính tại Ấn Độ, nơi giá các mặt hàng này được xem là giá chuẩn của thế giới.

Tình trạng thiếu dầu ăn trong nước cũng như giá cả tăng vọt sau COVID-19 đem đến nhiều nguy cơ bất ổn tiềm ẩn ở Indonesia. Người dân ở một số thành phố hiện đã phải xếp hàng hàng giờ trước các trung tâm phân phối để mua các mặt hàng thiết yếu được nhà nước trợ giá.

Indonesia, nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, cũng là quốc gia đông dân nhất khu vực, lo ngại tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm và chi phí sinh hoạt gia tăng có thể gây ra căng thẳng xã hội.

Theo các cuộc thăm dò gần đây, sự bất bình của công chúng đối với việc giá lương thực tăng đã đẩy tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Widodo đi xuống và dẫn đến các cuộc biểu tình ở một số thành phố.

Trước nguy cơ này, Jakarta buộc phải cấm xuất khẩu tất cả các loại hạt có dầu để ổn định tình hình trong nước. Indonesia dự định nối lại xuất khẩu khi giá dầu ăn ở thị trường nội địa giảm xuống còn 14.000 rupiah/lít (0,97 USD/lít) thay vì 26.000 rupiah/lít (1,8 USD/lít) như những ngày gần đây.

Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ, dân nghèo nhiều nước khổ sở vì thiếu dầu ăn giá rẻ - Ảnh 2.

Một xe hàng rong xài dầu cọ ở Bờ Biển Ngà - Ảnh: REUTERS

Người nghèo lo lắng

Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia được dự báo sẽ đẩy giá mặt hàng này và các nhu yếu phẩm lên cao. Giá dầu ăn và lương thực trước đó đã tăng vì những lo ngại quanh chiến sự Ukraine, theo Hãng tin Reuters.

Ngay cả trước khi nổ ra giao tranh ở Ukraine, lạm phát đã đẩy giá thực phẩm tăng hơn 23% trong năm ngoái, tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ, theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO).

Sản lượng dầu đậu nành từ Argentina và dầu cải từ Canada đã giảm do thời tiết khắc nghiệt cùng nguồn cung không ổn định từ Indonesia do COVID-19 khiến dầu hướng dương trở thành niềm hy vọng của nhiều nước.

Tuy nhiên sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, nơi chiếm khoảng 60% dầu hướng dương của thế giới, hy vọng này đã vụt tắt. Với lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn dầu cọ của Indonesia, giá dầu ăn thế giới được dự báo sẽ còn tăng hơn nữa.

"Những người nghèo nhất ở các nước lớn hoặc các nước ở châu Phi chắc chắn sẽ phải chịu gánh nặng chi phí này", ông James Fry, người sáng lập Công ty tư vấn hàng hóa nông nghiệp LMC International, nói với Reuters.

Gần hai chục quốc gia châu Phi trồng cọ dầu trên diện tích khoảng 6 triệu ha đất nhưng sản lượng không đủ để đáp ứng nhu cầu của lục địa.

Từ 28/4, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn Từ 28/4, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn

Bộ Công Thương cho biết, kể từ ngày 28/4/2022, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu toàn bộ dầu cọ thô (CPO) và dầu ăn với thời hạn cấm không xác định.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên