06/10/2003 18:06 GMT+7

"Im lặng bất ổn" và nghệ thuật phá vỡ - tái tạo của J.M. Coetzee

(Theo VnE - ĐINH BÁ ANH dịch )
(Theo VnE - ĐINH BÁ ANH dịch )

Để bạn hiểu thêm về nhà văn J.M. Coetzee vừa đoạt giải Nobel, chỉ được biết đến qua bản dịch Ruồng bỏ (Disgrace), chúng tôi xin trích giới thiệu bài viết có tựa Đường đến lò sát sinh của Paul Ingeenday - nhà phê bình văn học Đức nổi tiếng (đăng trên nhật báo Frankfurter Allgemeine).

oIo1VeEv.jpgPhóng to
Sách đoạt giải Booker năm 1999
Để bạn hiểu thêm về nhà văn J.M. Coetzee vừa đoạt giải Nobel, chỉ được biết đến qua bản dịch Ruồng bỏ (Disgrace), chúng tôi xin trích giới thiệu bài viết có tựa Đường đến lò sát sinh của Paul Ingeenday - nhà phê bình văn học Đức nổi tiếng (đăng trên nhật báo Frankfurter Allgemeine).

Hiếm khi Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển giải thích cho quyết định của mình một cách phi chính thống như ở lần công bố giải Nobel Văn học năm nay cho nhà văn lớn của Nam Phi J.M. Coetzee. Thực ra họ chỉ làm đúng bổn phận của mình, đó là ưu tiên thứ nghệ thuật vượt trội trước những thứ nghệ thuật bình dân, tròn trịa và đa cảm khác.

Văn học có thể thay đổi xã hội không? Không thấy nhắc tới. Nhưng ít ra nó cũng làm con người sống tốt hơn chứ? Viện Hàn lâm im lặng. Và điều đáng nói ở đây là giải Nobel được trao cho Nam Phi.

IZ2eljOt.jpg

Các tác phẩm chính của J.M. Coetzee: In the Heart of the Country (Giữa lòng đất nước, giải Booker 1977), Waiting for the Barbarians (Canh chờ bọn mọi rợ), The Life & Times of Michael K (Cuộc đời và thời đại của Michael K), Dusklands (Miền đất của hoàng hôn), Disgrace (Điếm nhục, giải Booker 1999) - đã được dịch ra tiếng Việt với tựa là "Ruồng bỏ".

Những tiểu thuyết của vị giáo sư văn học sáu ba tuổi đến từ Cape Town được khen ngợi là có “cấu trúc rắn chắc, đối thoại nén chặt và vẻ điêu luyện trong phân tích”, “một nhà hoài nghi triệt để”, người “không nhân nhượng khi phê bình chủ nghĩa duy lý tàn nhẫn và thói đạo đức giả của văn minh phương Tây”. Và “Sự trung thực trí thức của ông phá vỡ tất cả những tín điều của thói úy lạo, và cách ly mình với trò hề rẻ tiền của lòng hối hận và sự xác tín”.

Sau V.S. Naipaul và Imre Kertesz, đây là lần thứ ba liên tiếp, giải Nobel văn học được trao vào tay những nhà hoài nghi triệt để, mà sự xuất hiện của họ trước công chúng chắc chắn chẳng hứa hẹn một sự kiện gì có tính “văn dĩ tải đạo” cả. (Ý nói các nhà văn này (Naipaul, Kertesz và Coetzee) đều khước từ dòng văn học chủ trương “văn dĩ tải đạo”, tiếng Đức: Erbauungsliteratur - ND).

Coetzee mang đến sự bất ổn

Coetzee không mang đến sự an ủi, mà là sự bất ổn, và cái bất ổn lớn nhất trong những tác phẩm với phong cách kiệm lời và bút pháp điệu nghệ của ông là: câu chữ - công cụ duy nhất để đối thoại với thế giới tồi tệ - có nguy cơ tự phá vỡ trước đe dọa của sự hoài nghi vào chủ nghĩa duy lý và sự hoài nghi vào xác tín đạo đức.

“Cái giường của tôi, cái cửa sổ của tôi, cái cửa phòng của tôi, những bức tường của tôi, căn phòng của tôi”, một người đàn ông đã cầu nguyện như vậy trong tác phẩm đầu tay Miền đất của hoàng hôn (1974) của Coetzee để mong có được chút niềm tin vào thực tại mà anh ta có thể bấu víu vào đó, trong khi nhiệm vụ của anh ta ở VN là giết người bằng những cách hiện đại nhất.

Tiểu thuyết Giữa lòng đất nước (1977), được đan chia thành 266 phân đoạn, gồm những ghi chép của một cô gái già chán chường trong một trang trại Bure (hậu duệ của những người gốc Đức và Hà Lan di cư sang Nam Phi - ND) bị cách ly với thế giới bên ngoài, độc giả bị cuốn vào cuộc độc thoại gấp gáp về nỗi sợ, sự chán ngấy đời sống và những khát khao thầm kín, mà nguyên tắc duy nhất của nó là nguyên tắc thẩm mỹ.

Thẩm mỹ chiến thắng chính trị

Nhà phê bình văn học Paul Ingendaay sinh năm 1961 ở Cologne (Đức), nghiên cứu môn ngữ văn Anh và ngữ văn Tây Ban Nha ở Colone, Dublin và Munich. Năm 1997, nhận giải thưởng Alfred-Kerr về phê bình văn học.Từ năm 1998, Ingendaay là phóng viên văn hóa của nhật báo Frankfurter Allgmeine ở Madrid.

Một đầu óc văn học xuất chúng như Coetzee không bao giờ từ bỏ nguyên tắc này. Ở ông, thẩm mỹ có chỗ đứng cao hơn chính trị hoặc thiện ý. Căn cốt trí thức của ông được thể hiện ở chỗ ngại trả lời phỏng vấn báo chí và từ chối việc giản lược những cuốn sách để làm thức ăn trích dẫn cho truyền hình. Nhà ngữ văn - bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1969 ở Đại học Quốc gia New York với đề tài về phong cách tản văn của Beckett - này đã học được ở tính hiện đại văn học chiến lược tinh giản, mã hóa và phúng dụ.

Nam Phi không cung cấp cho ông nền tảng để đi đến chủ nghĩa tự nhiên cường thực, mà là chất liệu để giải mã, để mê hoặc độc giả dấn sâu mãi vào một hệ thống chỉ dẫn huyền bí.

Có vẻ như Coetzee muốn chống lại mọi hình thức đạo đức hóa - cái cách mà thể chế kỳ thị chủng tộc (Chỉ thể chế Nam Phi trước thời Mandela - ND) muốn khuếch trương cho danh tiếng của nhà trí thức cấp tiến, muốn nghiền nát nó, bằng cách biến những nhân vật của mình thành những điểm phơi bày của mâu thuẫn hơn là những sứ giả (của đạo đức - ND): Họ không thể chèo lái các sự kiện, mà phải chấp nhận rằng chúng xảy ra với họ...

Điều tác giả im lặng tác động mạnh đến ý thức người đọc

Chính điều Coetzee im lặng lại tác động mạnh đến ý thức người đọc. Một cách tàn nhẫn, ông bắt độc giả phải đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan và phải lựa chọn giữa hai cái cùng tồi tệ.

So sánh cái không thể so sánh, đó là tinh thần của tiểu thuyết Disgrace, cuốn sách đã giúp tác giả của nó đứng vào danh sách những người có sách bán chạy nhất thế giới và lần thứ hai đoạt giải Booker (1999). Quyển sách kể chuyện một giáo sư văn học bị đẩy tới tỉnh lẻ vì quan hệ tình dục với một nữ sinh viên; chuyện con gái ông ta bị cưỡng hiếp bởi ba tên da đen ngay tại trang trại của mình, và không những từ chối báo cảnh sát mà còn giữ nuôi đứa con. Một sự bắt đầu mới? Không hẳn, mà có lẽ chỉ là một cái gì đó rất khiêm tốn thôi - một cố gắng giải phóng những cái đầu của chúng ta ra khỏi đống cũ kỹ những quan niệm của châu Âu.

Phá vỡ và tái tạo

xprpxsiV.jpgPhóng to
Cuộc sống động vật
Chúng ta đừng quên những con vật xuất hiện khắp nơi trong tác phẩm của Coetzee, mà ông còn viết riêng một cuốn sách về chúng (Cuộc sống động vật, 2000). Nếu trong tiểu thuyết Disgrace, ta thấy những con chó bị gây mê và bị đẩy vào cái chết công nghiệp, thì cậu bé, hóa thân của Coetzee trong cuốn tự thuật cùng tên (1997), đã tự vấn về nỗi nhẫn nhục của những con cừu khi bị dẫn tới lò sát sinh. Cậu muốn nói thầm vào tai chúng, cảnh báo về mối hiểm họa đang chờ đợi chúng. “Nhưng rồi cậu phát hiện trong những con mắt vàng của chúng điều gì đó khiến cậu câm lặng”.

Đó là sự tỉnh mộng, sự thấu biết. Những tình huống kiểu này thỉnh thoảng cũng xuất hiện trong cuốn tự thuật tiếp theo của Coetzee, Tháng năm tuổi trẻ (2002), một tự thuật chân thật đến đau đớn - nếu từng có một tự thuật như vậy. Cái tự thể giằng xé này - có lẽ không ai ghen tị với Coetzee về nó - nhắc độc giả chúng ta nhớ rằng, nghệ thuật nghiêm túc là gì: Phá vỡ và tái tạo.

Nguồn: Wege, die zur Schlachtbank führen, Frankfurter Allgemeine Zeitung, Số 230, trang 37, 04/10/2003

(Theo VnE - ĐINH BÁ ANH dịch )
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    nh\u00e0 v\u0103n J.M. Coetzee v\u1eeba \u0111o\u1ea1t gi\u1ea3i Nobel, ch\u1ec9 \u0111\u01b0\u1ee3c bi\u1ebft \u0111\u1ebfn qua b\u1ea3n d\u1ecbch Ru\u1ed3ng b\u1ecf (Disgrace), ch\u00fang t\u00f4i xin tr\u00edch gi\u1edbi thi\u1ec7u b\u00e0i vi\u1ebft c\u00f3 t\u1ef1a \u0110\u01b0\u1eddng \u0111\u1ebfn l\u00f2 s\u00e1t sinh c\u1ee7a Paul Ingeenday - nh\u00e0 ph\u00ea b\u00ecnh v\u0103n h\u1ecdc \u0110\u1ee9c n\u1ed5i ti\u1ebfng (\u0111\u0103ng tr\u00ean nh\u1eadt b\u00e1o Frankfurter Allgemeine)." />