Mới đây, tối 4-5, chỉ trong vòng một tiếng rưỡi mở bán trên hệ thống Ticketbox, khoảng 14.000 vé cho 23 suất diễn vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn) đã được bán hết sạch.
Để khán giả thương mình phải mua vé chợ đen thật đau lòng
Đây là chương trình Ngày xửa ngày xưa số 34 do sân khấu Idecaf thực hiện, vé vừa được mở bán là cho 23 suất diễn từ ngày 27-5 đến 25-6.
Vở tập trung sự tham gia của gần 90% diễn viên của sân khấu với những tên tuổi như: Thành Lộc, Hữu Châu, Lê Khánh, Bạch Long, Hoàng Trinh, Hương Giang, Mỹ Duyên, Đình Toàn, Quang Thảo, Tuấn Khôi, Tuấn Khải…
Thêm nữa, Ngày xửa ngày xưa lần này có sự trở lại của nghệ sĩ Thanh Thủy sau hơn chục năm chị rời Idecaf.
Tuy nhiên, không lâu sau đó rất nhiều khán giả lên các diễn đàn phàn nàn quá khó để săn vé Ngày xửa ngày xưa, đặc biệt có tình trạng phe vé.
Giá vé chợ đen bị đẩy lên cao chót vót. Có nơi rao đến vài triệu một vé mà nhiều người vì quá mê Ngày xửa ngày xưa nên vẫn cắn răng mua. Rất nhiều khán giả bức xúc, thậm chí đặt nghi vấn về những khuất tất.
Tuổi Trẻ Online liên lạc với ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc sân khấu kịch Idecaf, ông thở dài nói:
"Được khán giả yêu thương là một hạnh phúc quá lớn với sân khấu và anh em nghệ sĩ. Trước tình trạng phe vé đẩy vé chợ đen lên quá cao chúng tôi thật sự rất đau lòng và thương cho khán giả của mình".
Ông Tuấn chia sẻ, kể từ năm ngoái sân khấu Idecaf đã áp dụng đưa phần lớn các vé Ngày xửa ngày xưa lên bán trên hệ thống mạng Ticketbox.
Trước đó, khi sân khấu bán vé trực tiếp tại phòng vé vì số lượng người mua quá đông phải áp dụng lấy số theo thứ tự để mua.
Rồi nhận thấy việc đó làm mất thời gian khán giả, mọi người phải chờ đợi xếp hàng để mua quá cực nên sân khấu phải chuyển cách bán vé.
Ông Trầm Thanh Thảo - người quản lý việc bán vé ở sân khấu Idecaf - cho biết thời điểm đó ngay phòng vé nhà hát Bến Thành đã có mấy phe vé ngồi túc trực.
Vì biết sân khấu khống chế một người mua vé nhiều nên họ thuê người vào mua, rồi lấy vé đó bán chợ đen.
"Mình cũng có liên hệ công an nhưng họ nói đó là quan hệ dân sự, thuận mua vừa bán nên không can thiệp được" - ông Thảo cho biết.
Ngày xửa ngày xưa sẽ còn diễn nhiều suất, mong khán giả đừng nóng ruột
Trước nghi vấn vé chợ đen một phần từ sân khấu Idecaf tuồn ra, ông Huỳnh Anh Tuấn khẳng định không hề có chuyện đó.
Ông chia sẻ mỗi suất sân khấu chỉ dành một ít vé trong nội bộ cho anh em nghệ sĩ, các mối quan hệ đối tác của sân khấu.
"Những vé đó chúng tôi đều lưu mã vé, nếu có tình trạng xảy ra xin mọi người cứ báo cho chúng tôi biết. Chúng tôi sẽ tra ra nguồn từ đâu và nhắc nhở ngay từ người mua vé trong nội bộ" - ông Tuấn nói.
Ông Thảo cho biết thêm, cũng có tình trạng nghệ sĩ hay đối tác mua vé nội bộ tặng người thân, nhưng người thân lỡ bận không đi được bán lại. Thế là tấm vé lại lọt vào tay phe vé nên rất khó xử. Và tình trạng vé chợ đen từ vé nội bộ là không nhiều.
Ông Tuấn thì phân tích thật ra điều quan trọng là khán giả yêu mến, muốn xem nên nhu cầu cao. Mà có cầu ắt có cung. Ông nhắn nhủ khán giả hãy nói không với vé chợ đen. Vì nếu không ai mua thì phe vé sẽ không có cơ hội bán và hét giá trên trời.
Ông khẳng định: "Vì biết khán giả quá yêu thích nên chúng tôi đã bàn bạc với anh em nghệ sĩ. Như năm ngoái vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá đã kéo dài đến 55 suất diễn từ năm ngoái đến gần hè năm nay.
Tôi và Thành Lộc đã trao đổi, còn khán giả muốn coi thì mình cố gắng sắp xếp diễn. Năm nay ngoài 23 suất đã bán vé, chúng tôi đang lên kế hoạch bán tiếp 20 suất trong tháng 7.
Nếu nghệ sĩ Thành Lộc và các anh em sắp xếp được trong tháng 8, chúng tôi dự kiến diễn thêm 15 suất nữa. Nghĩa là suất diễn còn dài, mong khán giả yêu quý đừng nóng ruột mà phải bỏ số tiền lớn mua vé cao".
Tại sao Ngày xửa ngày xưa được yêu mến?
Kịch thiếu nhi đã được hình thành ở sân khấu Idecaf năm 1997 từ ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và những người tâm huyết với kịch thiếu nhi như nghệ sĩ Thành Lộc, đạo diễn Đoàn Khoa, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc…
Năm 2000 thấy nhà hát Hòa Bình có chương trình ca múa nhạc Tuổi thần tiên dành cho thiếu nhi, những nghệ sĩ này lại cùng hợp sức làm một chương trình kịch thiếu nhi thật hoành tráng diễn tại nhà hát Bến Thành với mong muốn: "Để con nít coi cho sướng!", tháng 6-2000 chương trình Ngày xửa ngày xưa số đầu tiên ra đời với vở Tấm Cám.
23 năm qua, đến nay chương trình đã đi đến số 34 sắp ra mắt khán giả hè này.
Sở dĩ Ngày xửa ngày xưa quá hot vì cả thành phố chỉ có Idecaf kiên trì làm Ngày xửa ngày xưa và kéo dài được mỗi đợt diễn ít nhất 25 suất trở lên vào các dịp hè, Trung thu…
Rất nhiều sân khấu khác cũng tham gia "đường đua" kịch thiếu nhi nhưng ít nhiều bỏ cuộc hoặc chỉ diễn được vài buổi.
Người trong nghề phân tích Ngày xửa ngày xưa tạo nên "thương hiệu" và được khán giả chờ đợi mỗi mùa hè vì sân khấu có kinh nghiệm làm kịch thiếu nhi hơn 20 năm qua.
Sân khấu có một lực lượng nghệ sĩ mê kịch thiếu nhi và quen với diễn kịch thiếu nhi có khả năng đa dạng vừa diễn, múa, hát…
Các nghệ sĩ từng chia sẻ mỗi suất diễn có khi họ phải thay áo thun lót bên trong đến 2, 3 lần vì diễn kịch cho thiếu nhi cực kỳ vất vả, mồ hôi như tắm.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn còn sở hữu đội rối Nụ cười, có lực lượng thiết kế, may phục trang riêng…
Tất cả những điều đó khiến chi phí đầu tư cho mỗi chương trình không bị đội lên quá nhiều. Trong khi các sân khấu khác muốn làm phải đi thuê mướn rất tốn kém, một vở thiếu nhi đầu tư hoành tráng có thể tốn đến 500 - 600 triệu mà số suất diễn không thể bù lại được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận