Phóng to |
Những người biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội Iceland - Ảnh: rnw.nl |
Hãng tin AFP dẫn lời cảnh sát Iceland nói khoảng 3.500 người biểu tình đã tụ tập bên ngoài trụ sở Quốc hội Iceland trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở nước này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, để yêu cầu chính phủ giữ cam kết của họ trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 về việc sẽ tổ chức trưng cầu ý dân liên quan tới vấn đề thành viên EU của Iceland.
Chính phủ mới của Iceland đã ngừng vô thời hạn các cuộc thảo luận về việc hội nhập với EU từ tháng 9-2013 sau một lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2013. Cuối tuần trước, chính phủ công bố một dự thảo luật nhằm “rút lại đơn xin gia nhập EU” mà đảo quốc này đã nộp năm 2010.
Tuy nhiên, các đảng đối lập nói đã không có đủ thời gian tranh luận về vấn đề trọng đại nói trên của quốc gia, nên dự luật bị tạm hoãn và dự kiến sẽ được trình lại trong những ngày tới. Động thái mới của chính quyền gặp phải sự phản đối quyết liệt từ những người Iceland ở cả hai phía ủng hộ và chống EU. Họ cho rằng Bộ trưởng ngoại giao Gunnar Bragi Sveinsson đã không tôn trọng những cam kết trước đó.
“Chúng ta chỉ nên rút khỏi các cuộc thảo luận về việc gia nhập (EU) khi phần đông người dân muốn như thế”, AFP dẫn lời Natan Kolbeinsson, một người biểu tình. Trong khi đó, cựu bộ trưởng ngoại giao Ossur Skarphedinsson của Đảng Dân chủ xã hội Samlingsfronten, người đã vận động để Iceland nộp đơn gia nhập EU, nói việc rút đơn sẽ chỉ có thể thực hiện nếu “họ bước qua xác tôi”.
Iceland mắc kẹt trong các mâu thuẫn với EU vài năm qua xung quanh vấn đề hạn ngạch đánh cá - ngành công nghiệp chủ đạo ở nước này. Khi chính phủ hiện thời thắng cử hồi tháng 5, với cam kết chính là giảm mức nợ quốc gia, họ cũng hứa sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc rút lui khỏi các cuộc thương lượng gia nhập EU.
Mâu thuẫn thêm lớn vào tháng 9-2013 khi EU đe dọa trừng phạt nếu Iceland không giảm hạn ngạch đánh bắt cá thu và Iceland tuyên bố ngừng mọi cuộc thương lượng vô thời hạn. Dù phần đông cử tri phản đối việc gia nhập EU, theo các cuộc thăm dò dư luận, một số người hi vọng tư cách thành viên tổ chức này sẽ giúp Iceland ổn định lại nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận