18/12/2013 10:24 GMT+7

Ì ạch đấu thầu trợ giá xe buýt

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Nhiều năm liền TP.HCM phải thực hiện trợ giá xe buýt với số tiền liên tục tăng cao. Tuy nhiên, việc đấu thầu các tuyến xe buýt có trợ giá lại được thực hiện khá ì ạch. Các doanh nghiệp không mặn mà với chuyện này. Vì sao?

sjTtuZtd.jpgPhóng to
Hành khách đón xe buýt tuyến Bến Thành - bến xe miền Tây - Ảnh: Hữu Khoa

Ông Lê Trung Tính - nguyên trưởng phòng quản lý vận tải và công nghiệp Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết năm 2007, lần đầu tiên Sở Giao thông vận tải TP đã tổ chức đấu thầu năm tuyến xe buýt có trợ giá. Hiệu quả là ngân sách TP giảm trợ giá bình quân khoảng 860 triệu đồng/tuyến/năm.

Rõ ràng phương thức đấu thầu có những tiến bộ hẳn so với phương thức khoán tỉ lệ trợ giá (đặt hàng) do thông qua đấu thầu xe buýt là thủ tục trợ giá xe buýt được làm công khai, minh bạch hơn so với đặt hàng.

10 năm đấu thầu được hơn chục tuyến

Không phải đến bây giờ TP mới tính đến việc đấu thầu xe buýt. Ngay từ năm 2003, UBND TP.HCM ban hành quy định tổ chức quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn TP.HCM.

Trong đó yêu cầu đến năm 2004 tổ chức thí điểm và tiến đến thực hiện phổ biến trong năm 2005 cơ chế đấu thầu khai thác tuyến.

Tiếp đó, năm 2010 UBND TP ban hành quyết định thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng khai thác tuyến xe buýt theo kế hoạch của Sở Giao thông vận tải. Đồng thời, UBND TP quy định các tuyến xe buýt mới mở phải thực hiện đấu thầu trợ giá xe buýt.

Tuy nhiên, ông Dương Hồng Thanh - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết thời gian qua Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng có tổ chức những cuộc đấu thầu nhưng chưa đạt yêu cầu. Có tuyến đấu thầu chỉ có một nhà thầu tham dự hoặc có tuyến không có nhà thầu nào tham dự.

Theo các chuyên gia giao thông, việc tổ chức đấu thầu trợ giá là mở rộng cửa thị trường kinh doanh xe buýt cho tất cả thành phần kinh tế tham gia.

Điều này có nghĩa tạo thêm các nhân tố mới trong việc vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt và tạo ra sự đổi mới trong công tác phục vụ hành khách đi xe buýt.

Thế nhưng thực tế gần mười năm qua chỉ có hơn một chục tuyến xe buýt được đưa ra đấu thầu. Việc đấu thầu một số tuyến xe buýt không đạt yêu cầu cao vì cơ quan quản lý tuyến phải liên tục điều chỉnh tăng giá gói thầu cho đơn vị trúng thầu.

Nguyên nhân là do Nhà nước điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu hằng năm, giá nhiên liệu xăng dầu liên tục tăng, tình trạng thi công đào đường phải điều chỉnh tuyến xe buýt chạy đường vòng xa hơn...

Việc đấu thầu cũng trở nên bão hòa vì các doanh nghiệp lớn như Công ty xe khách Sài Gòn, Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP có số lượng lớn xe buýt nên các đơn vị nhỏ có ít xe buýt không đủ sức đấu thầu cạnh tranh. Các doanh nghiệp lớn có khả năng tham gia thị trường xe buýt như Phương Trang, Mai Linh... lại không tham gia.

Cần lộ trình

Theo ông Phùng Đăng Hải - tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM, thời gian qua cơ quan quản lý tuyến có tổ chức đấu thầu tuyến xe buýt trợ giá nhưng nhiều đơn vị vận tải vẫn không mặn mà. Lý do: thời gian nhận thầu tuyến xe buýt ba năm là quá ngắn, không kịp thu hồi vốn.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Lâm Văn Phấn - chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng - cho rằng thời gian tối thiểu nhận thầu tuyến xe buýt phải là bảy năm.

Việc chuyển từ cơ chế đặt hàng trợ giá sang đấu thầu xe buýt cần có lộ trình để không gây xáo trộn trong hoạt động vận tải bằng xe buýt, một doanh nghiệp xe buýt đề nghị. Các doanh nghiệp đề nghị nên tổ chức đấu thầu ở những tuyến xe sắp mở như đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Kiệt, đường Mai Chí Thọ...

Trước hết là tổ chức đấu thầu trợ giá trên những tuyến xe buýt có hợp đồng đưa rước học sinh vì có số lượng hành khách đi lại ổn định.

Các doanh nghiệp hợp tác xã cũng bày tỏ lo ngại việc đấu thầu xe buýt sẽ có nhiều bất lợi do đa số hợp tác xã có lượng xe ít và không được hưởng nhiều ưu đãi như Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn - doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nghiệp nhà nước này được Nhà nước đầu tư hàng trăm xe mới, có nhiều bến bãi và kinh doanh nhiều lĩnh vực sẽ dễ dàng bỏ giá thầu thấp thì các doanh nghiệp hợp tác xã nhỏ không cạnh tranh lại. Các doanh nghiệp cho rằng Nhà nước cần ban hành quy chế đấu thầu xe buýt công bằng để các doanh nghiệp tham gia.

Tiền trợ giá xe buýt luôn tăng cao

Sau hơn mười năm trợ giá xe buýt (2002-2013), tiền trợ giá ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước. Dù báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết lượng hành khách đi tăng, nhưng chưa có tuyến xe buýt nào có lượng hành khách đi nhiều nhất đạt hiệu quả là không còn trợ giá. Các doanh nghiệp vận tải cho rằng hiện nay cơ chế đặt hàng trợ giá xe buýt theo kiểu “xin cho” không xác định đúng số lượng hành khách đi xe buýt. Có một số doanh nghiệp nhận hợp đồng đặt hàng với khoản tiền trợ giá quá hời so với lượng khách đi xe buýt nên cho xé vé khống nhằm chứng minh lượng khách đi đầy đủ như hợp đồng đặt hàng.

Đến nay, ngành giao thông vận tải TP chưa tổ chức đấu thầu cho tuyến xe buýt có số lượng hành khách đi lại nhiều nhất. Điều này cho thấy trong tương lai dài tiền trợ giá cho xe buýt vẫn chưa có điểm dừng.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên