21/02/2022 10:43 GMT+7

Hy vọng ở Trường Hy Vọng

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Những cháu bé đầu tiên mồ côi vì dịch COVID-19 ở mọi miền đất nước đã được đón về nuôi dạy ở một ngôi nhà yêu thương đặt tại Đà Nẵng với tên gọi Trường Hy Vọng.

Hy vọng ở Trường Hy Vọng - Ảnh 1.

Một buổi sinh hoạt của thầy trò Trường Hy Vọng. Những học sinh đầu tiên đã được đón về học tập, sinh hoạt tại trường từ ngày 6-2 - Ảnh: FPT

Suốt nhiều tháng trước, người của Tập đoàn FPT đã len lỏi khắp các hẻm nhỏ từ TP.HCM cho đến các địa phương khác để tìm và đón các em về. Trường sẽ chăm sóc và đào tạo 1.000 trẻ mồ côi.

Nhật ký đón con

Trong những ngày COVID-19 căng thẳng, có một nhóm người của Trường Hy Vọng (Hope School) đã đi vào tâm dịch, mà nói như anh Hoàng Quốc Quyền - giám đốc dự án Hope School, là "đi từng ngõ, gõ từng nhà". 

Nhật ký hành trình gần 90 ngày đón con về Trường Hy Vọng của anh Quyền cùng các cộng sự đã ghi lại những câu chuyện chân thực nhất.

Ngày thứ nhất - 28-11-2021, gặp N. (15h10):

Nhà đầu tiên trong hành trình đón con về mái ấm của chúng tôi là của N.. Con sinh năm 2008, học lớp 8. Để vào nhà N. phải đi qua những khúc cua trong con hẻm nhỏ xíu mà chúng tôi không thể nào tìm được, phải chờ mẹ N. ra tận nơi đón vào nhà. Một con hẻm siêu siêu nhỏ, hai người đi gặp nhau thì phải nghiêng người mới đỡ va vào nhau...

Tôi đến hôm nay là đúng 100 ngày mất của bố N., gửi chút quà của những người FPT và thắp nén hương cho người không may mắn trong chúng ta đã ra đi vì đại dịch. Hai mẹ con N. sống trong một căn nhà 2 tầng, mỗi tầng khoảng 10m2 và chúng tôi phải đứng nói chuyện vì không có ghế để ngồi. 

Chào mẹ con N., tôi nghĩ: bằng những tấm lòng tử tế, bằng tình yêu và sự sẻ chia, N. sẽ lớn lên và sẽ đi qua những mất mát, buồn thương để đối đáp lại cuộc đời này cùng bằng tình yêu và sự chia sẻ.

Gặp V. (16h37):

Chúng tôi đi bộ khoảng 800m đến số nhà 675 nhưng được ghi thêm đủ 26 chữ cái (675A, 675B, 675C... đến 675Z). Nhà V. ở số 675J. Bố V. ra đi, để lại 3 con và người vợ sinh năm 1984.

Nỗi đau, sự mất mát của đại dịch đi qua hằn rõ trên khuôn mặt, đôi mắt và bàn tay của người phụ nữ ở lại. Tôi chỉ biết tin rằng mẹ V. sẽ đi qua nó bằng lòng nhân ái, chia sẻ của cộng đồng, sự chung tay của những con người nhà FPT. Tôi cũng tin V. và hai em của V. sẽ bước những bước mạnh mẽ, yêu thương để thực hiện khát vọng trên con đường phía trước.

Sáng 29-11, gặp N.:

Vết đau còn hằn rõ trên khuôn mặt mẹ em bởi nỗi đau quá lớn, đến mức khiến tôi nghẹn ngào vì không nghĩ nổi chị sẽ đi qua nó như thế nào. Chỉ một tuần, cả nhà chị có 7 người nhiễm COVID-19. 

Và chỉ trong 1 tuần đó, chồng chị rồi bố chồng chị, em chồng chị đã ra đi. Khi đó, chị và hai con, chị gái chồng cũng đang chắt chiu từng hơi thở để vượt qua cơn hành hạ của bệnh dịch. Phải đi vào tận cùng của nỗi đau mới thấy sự tàn phá ghê gớm của COVID-19...

Cách trả ơn đời

5h sáng mùng 5 Tết, anh Quyền lên máy bay vào TP.HCM, chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để ngày hôm sau đón các con về Đà Nẵng. Ngày mùng 6, lần lượt chuyến bay đầu tiên cất cánh lúc 7h, sau đó các chuyến 8h, 9h, 13h, 14h, và 15h là chuyến cuối cùng đưa các con về Đà Nẵng.

34 cháu bé đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau và lên nhiều chuyến bay nhưng cùng đến ngôi nhà lớn - Trường Hy Vọng. Và hiện ngôi nhà hy vọng đang chuẩn bị đón 200 con nữa.

Theo anh Quyền, sau khi đón các con về, Trường Hy Vọng sẽ nuôi dạy các con từ lớp 1 đến lớp 12. Trường có các bảo mẫu, quản sinh, giáo viên... cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất để chăm lo cho các con thật tốt.

Hằng ngày, các con sẽ dậy sớm cùng tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn uống, đến lớp, sinh hoạt chung, tham gia học tập trong các câu lạc bộ năng khiếu, thể thao... Cuối tuần các con sẽ tham gia hoạt động cộng đồng, như tuần vừa qua các bạn đã tham gia nhặt gần 3 tạ rác ở bãi biển Đà Nẵng.

"Thầy cô luôn nhắc các em đó là cách để trả ơn đời, những tấm lòng yêu thương, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất" - anh Quyền tâm sự.

Ngôi trường của tình yêu thương

Ông Trương Gia Bình - chủ tịch FPT, chủ tịch sáng lập Trường Hy Vọng - đã gửi thư chào đón những học sinh của trường. Trong thư có đoạn:

"Các con yêu quý!

... Trường Hy Vọng ra đời để làm dịu đi nỗi đau mất cha, mất mẹ, để chia vơi đi bất hạnh mồ côi. Tên trường chính là mong mỏi lớn nhất của người đã khuất: các con được sống tốt và hạnh phúc. Bằng yêu thương, các thầy cô sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ để các con nên người.

Hơn thế nữa, trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các con theo đuổi đam mê của mình trong khoa học hay công nghệ, nghệ thuật hay thể thao, kinh tế hay xã hội. Trường sẽ mời những người thành đạt trên nhiều lĩnh vực để tìm kiếm, hướng dẫn và phát triển tài năng của các con...

Trường Hy Vọng là ngôi trường của tình yêu thương. Đó là tình yêu thương của các thầy cô; tình yêu thương của anh, chị, em học sinh trong trường - những người cùng cảnh ngộ như các con; của những người trong quỹ Hy Vọng và những người trong đại gia đình FPT và cả những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng.

Vào các dịp nghỉ lễ, trường sẽ đưa các con về sống trong tình yêu thương của gia đình các con...".

Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho FPT tiếp nhận chăm sóc các em tại Trường Hy Vọng Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho FPT tiếp nhận chăm sóc các em tại Trường Hy Vọng

TTO - Thăm các em mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng bày tỏ sự xúc động trước hoàn cảnh các em và nói sẽ tạo điều kiện cho Tập đoàn FPT hoàn thiện các thủ tục tiếp nhận chăm sóc các em tại Trường Hy Vọng.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên