Vừa qua, 920 triệu đồng nguồn vốn từ chương trình "Tiếp sức nhà nông" đã đến tay 40 hộ dân 2 xã Mỹ Thạnh Tây và Mỹ Thạnh Bắc (huyện Đức Huệ, Long An). Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam phối hợp cùng Hội Nông dân và Tỉnh Đoàn Long An tổ chức.
Mong có tiền từ nuôi ếch
Mỗi hộ dân sẽ được nhận 20 triệu đồng vốn vay không lãi suất trong 2 năm và 3 triệu đồng chi phí hỗ trợ thức ăn chăn nuôi để có hướng làm ăn, đủ sức nuôi con ăn học. Bên cạnh đó, các hộ dân này cũng sẽ được hỗ trợ miễn phí kỹ thuật chăn nuôi từ Công ty cổ phần GREENFEED.
Đến Trung tâm Văn hóa huyện Đức Huệ để nhận chương trình từ rất sớm, nhưng em Châu Huỳnh Nhã Chân (lớp 2 Trường tiểu học Mỹ Thạnh Bắc) đi với ông bà ngoại.
Từ ngày cha mẹ chia tay, Chân phần lớn ở với ông bà ngoại. Bởi mẹ em làm công nhân may trong khu công nghiệp ở Trảng Bàng, Tây Ninh, ngày ngày sáng sớm đi đến tối mịt mới về. Ngay cả hôm nhận vốn "Tiếp sức nhà nông", mẹ em cũng phải tăng ca để kiếm thêm thu nhập.
"Ông bà ngoại gần bảy mươi hết rồi nhưng may vẫn còn sức khỏe để nuôi cháu, một mình mẹ cháu xoay xở không nổi", bà ngoại Mai Thị Xê của Chân tâm sự.
Được mấy sào đất, nhưng mùa này nước nổi lênh láng không làm ăn gì được. Lúc trước, ông bà Xê còn được mấy con bò, nhưng nhiều đợt thiếu thốn kẹt tiền cứ phải bán dần.
Những năm gần đây, người dân Đức Huệ phát triển phong trào nuôi ếch nhiều nơi. Hàng xóm người người nuôi ếch, ông bà Xê thích lắm nhưng tiền đâu để mua con giống, mua thức ăn… Nghĩ đến đó thôi, ông bà đành chịu.
"Với số vốn này, chúng tôi đã có thể đầu tư nuôi ếch rồi. Chung quanh nuôi nhiều, bữa giờ đã đi hỏi han, tìm hiểu kỹ lắm rồi", bà Xê cười vui khi nói về chuyện làm ăn tới.
Ngồi gần đó, anh Trần Minh Sang, cha của em Nguyễn Tường Vy (lớp 7 Trường trung học cơ sở Mỹ Thạnh Bắc) cũng vui chung với ông bà Xê.
Nhà anh Sang có hơn 7 sào đất, trừ mùa nước nổi ra, mỗi năm vẫn có thể trồng hai vụ hoa màu. Nhưng quần quật với vườn khổ qua, dưa leo vẫn không đủ để cho hai con ăn học sung túc.
"Trước vợ tôi làm công nhân may, nhưng từ đợt dịch COVID-19 nghỉ luôn đến nay. Đứa con lớn học xong ngành điện lạnh ở TP.HCM, vừa qua mới được tuyển đi nghĩa vụ quân sự, xem như đang tạm ổn. Nhưng vài bữa nếu ra quân cũng phải tính vốn đầu tư cho con làm ăn với nghề mà nó đã học", anh Sang kể.
Theo anh Sang, 1.000 con ếch nếu nuôi trong vòng 3 tháng phải đầu tư con giống, thức ăn hết khoảng 15 triệu đồng. Nếu được giá, khi bán trừ chi phí đầu tư có thể lời 15-20 triệu đồng.
"Tui đã chuẩn bị sẵn để nuôi hết rồi. Lần này nhận tiền vốn được cho vay về là mua con giống vào thả thôi", anh Sang hồ hởi.
Địa phương ủng hộ và hướng dẫn bà con nuôi ếch
40 hộ nhận trao vốn từ chương trình "Tiếp sức nhà nông" lần này đa số đều cho biết sẽ nuôi ếch.
Được mời lên giao lưu tại chương trình, chị Nguyễn Thị Kim Hoa, ấp 5, xã Mỹ Thạnh Bắc, ẵm đứa con nhỏ nhất mới hơn một tuổi, nghẹn ngào khi được hỏi về những khó khăn mà mình phải trải qua.
Phải được người dẫn chương trình động viên mấy lần, chị Hoa mới có thể nói về những dự định nuôi ếch của mình.
Hôm nay là một trong những ngày vui hiếm hoi của chị, vì được hỗ trợ vốn để đầu tư cho tương lai. Những niềm vui ít ỏi còn lại mà chị từng có, là những lần con gái Phạm Ngọc Ánh (lớp 7) và con trai Phan Thế Hào (lớp 4) về báo với mẹ thành tích học tập xuất sắc của các em.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tại chương trình, bà Đinh Thị Phương Khanh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - cho biết hiện tại mô hình nuôi ếch đang được ưa chuộng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, với nhiều tổ hợp tác nuôi ếch được thành lập.
"Ngành nông nghiệp tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn mô hình nuôi ếch cho bà con, nhiều người cũng đã thành công, làm giàu từ việc nuôi ếch.
Bà con chỉ cần thường xuyên quan tâm việc nuôi, kết hợp chặt chẽ với cán bộ nông nghiệp địa phương để đảm bảo về mặt kỹ thuật sẽ dễ bề thành công. Hiện giá ếch được thu mua trên địa bàn cũng khá cao, đảm bảo được lợi nhuận", bà Khanh cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận