Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vui mừng sau chiến thắng ở quốc hội - Ảnh: REUTERS
Với 153/300 phiếu thuận, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua thỏa thuận đổi tên với Macedonia ngày 25-1, sau những cuộc tranh luận "nảy lửa" trong nghị trường. Đây được xem là một chiến thắng lịch sử nữa của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
Theo quy định giữa hai bên, thỏa thuận cần nhận được sự phê chuẩn của quốc hội Hy Lạp và Macedonia. Quốc hội Macedonia đã thông qua thỏa thuận hôm 11-1.
Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại hai nước trước khi thỏa thuận đổi tên được phê chuẩn. Một số nghị sĩ tuyên bố ủng hộ thỏa thuận lịch sử đã bị đe dọa, nhà cửa bị phá hoại, theo hãng thông tấn AFP.
"Ngày hôm nay chúng ta đã viết nên một trang sử mới cho bán đảo Balkan. Những thù ghét, căm giận xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc, tranh chấp và xung đột sẽ bị thay thế bởi tình bạn, hòa bình và hợp tác" - thủ tướng Hy Lạp viết trên Twitter ngay sau phiên bỏ phiếu.
"Với thỏa thuận này, Hy Lạp đã giành lại lịch sử, biểu tượng và truyền thống của nó" - ông Tsipras nhấn mạnh trước quốc hội. "Macedonia sẽ trở thành một người bạn, một đồng minh cho những hợp tác, hòa bình và an ninh của khu vực".
"Chúc mừng người bạn của tôi Alexis Tsipras" - Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev viết trên Twitter cá nhân.
Macedonia tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư vào năm 1991 nhưng ngay lập tức bị dội gáo nước lạnh bởi Hy Lạp khi nước này tuyên bố không công nhận cái-gọi-là CH Macedonia.
Bên cạnh việc tuyên bố tên gọi Macedonia là một phần của di sản và bản sắc Hy Lạp, chính quyền Athens lo ngại Skopje có thể nuôi dưỡng tham vọng lãnh thổ đối với khu vực Macedonia của Hy Lạp, theo hãng thông tấn AFP.
Năm 1993, với tên gọi tạm thời Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ (FYROM), Macedonia được kết nạp vào Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận