31/01/2015 09:33 GMT+7

​Huynh đệ tương tàn

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Lỗi lầm trong một phút nóng giận khiến người đàn ông ấy phải trả giá bằng sự sống của chính em trai mình.

Lỗi lầm ấy cũng tước đi mọi hi vọng của người phụ nữ luôn đứng sau lưng dõi theo bị cáo...

Bị cáo là Nguyễn Văn Sáu (43 tuổi, ngụ tại huyện Phúc Thọ), phạm tội giết người, bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử phạt 12 năm tù ngày 29-1.

Anh giết em

Gia đình Nguyễn Văn Sáu có bảy anh chị em. Người anh đầu hi sinh trong chiến tranh. Các anh em khác đều lần lượt được bố mẹ dựng vợ gả chồng, cho đất đai để ra ở riêng. Sáu chưa lập gia đình. Bố mẹ mất, Sáu sinh sống trên phần đất rộng hơn 100m2 của bố mẹ để lại.

Trong lòng Sáu vẫn ấm ức vì trước khi mất, bố mẹ đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất Sáu đang ở cho em trai là Nguyễn Văn Lịch giữ.

Sự việc xảy ra vào chiều 13-7-2014, khi Sáu và em trai đi ăn giỗ ở nhà anh rể về. Sáu sang nhà em trai mượn sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với dự định hôm sau ra UBND xã tách khẩu, làm sổ đỏ mới. Người em trả lời chỉ giữ sổ hộ khẩu chứ không có sổ đỏ. Sáu cầm sổ hộ khẩu về nhà. Ít phút sau, em trai sang với vẻ bực bội.

Sáu bảo: “Tao có lấy hay xin cái gì của mày đâu mà mày này nọ với tao”. Người em không nói gì, lao đến đấm vào đầu anh trai rồi tiếp tục lấy một thùng tôn cạnh bể nước để đánh anh trai.

Bực tức với thái độ của em, Sáu chạy vào bếp ăn lấy một con dao rồi đâm vào vùng ngực trái của em. Lưỡi dao của anh vừa rút ra khỏi ngực thì người em loạng choạng ngã, rồi chết khi đi cấp cứu.

Ám ảnh

Ngồi trước vành móng ngựa trong giờ nghị án, bằng vẻ chân chất bị cáo kể vì ham chơi nên năm nay 43 tuổi vẫn chưa lập gia đình. Nhắc đến em, bị cáo cúi đầu bảo: “Ở trại giam, tôi vẫn mơ thấy em trai về. Nó mắng tôi. Cứ nhớ tới cái ngày ấy là không sao ngủ nổi. Nghĩ đến hai đứa cháu mà thấy day dứt, hối hận quá...”.

Tại phiên tòa xét xử Sáu, vợ bị hại ngồi hàng ghế dự khán đầu tiên trong phòng xử, hai bên là hai đứa con trai đeo khăn tang, mặc đồng phục trường tiểu học. Thỉnh thoảng chúng lại đưa đôi mắt ngơ ngác, hết nhìn bác ruột ngồi trên vành móng ngựa rồi nhìn mẹ thở khó nhọc từng hồi.

Khi trả lời tòa, vợ bị hại bảo: “Trước khi qua đời, bố mẹ gửi vợ chồng tôi giữ sổ đỏ mảnh đất mà anh Sáu đang ở. Ý định của bố mẹ muốn cho anh Sáu mảnh đất đó. Bố mẹ muốn vợ chồng tôi giữ hộ khi nào anh Sáu có vợ con thì đưa cho anh ấy. Giờ anh ấy có một mình, sợ anh ấy bán đi hoặc cầm cố cho ai. Mấy lần anh ấy đến đòi mà vợ chồng tôi không dám đưa, nào ngờ xảy ra cơ sự này...”.

Nhắc đến bị hại, bị cáo một hai đều dùng từ “em trai”. Nghe bị cáo trả lời, vị hội thẩm nói: “Anh em trong một nhà phải biết nhường nhịn nhau. Khi nhỏ bố mẹ dạy có miếng ngon thì anh phải nhường em. Em đang lúc nóng, bị cáo nên chạy đi để tránh nóng giận mất khôn. Sự việc có gì ghê gớm đâu, hơn thua với em thì được gì?”.

Trước lời chất vấn ấy, bị cáo bảo: “Em trai đánh bị cáo, bị cáo không đỡ được. Bị cáo chỉ vung dao thôi, chứ bị cáo không đâm em trai. Ở cơ quan điều tra, cán bộ thấy bị cáo không nói được gì nên họ cứ ghi đại là “tôi đâm em trai tôi một nhát”, thật ra bị cáo có đâm đâu...”.

Vị đại diện viện kiểm sát cho rằng bị cáo không thành khẩn. Ông nói: “Ở trại giam, chính tay tôi là người tống đạt bản cáo trạng cho bị cáo, cho bị cáo đọc kỹ rồi mới ký nhận. Vậy mà giờ bị cáo nói nhận cáo trạng không đọc, không biết nội dung. Nếu bị cáo chỉ vung dao thì sao vết đâm lại mạnh như vậy?”.

Đáp lại lời đại diện viện kiểm sát, bị cáo nói: “Ở trong trại giam bị cáo sống như người vô hồn, không nghĩ ngợi được gì”.

Nghe những lời này của bị cáo, vị hội thẩm nói: “Sao bị cáo lại vô hồn, sao lại không nghĩ được gì? Bây giờ mà không nghĩ thì bao giờ bị cáo mới biết suy nghĩ? Việc em trai có lỗi đến đâu tòa sẽ xem xét, nhưng việc bị cáo dùng dao đâm chết em mình là không thể chấp nhận được. Ai đời anh lại đi đâm chết em trai. Gia đình ly tán, mất hết tương lai hạnh phúc...”.

Nỗi niềm của người vợ hờ

Lúc nghị án, có người bế một đứa trẻ đặt vào tay bị cáo. Bị cáo vừa bế định thơm lên má thì đứa trẻ khóc thét. Mọi người vội vàng bế đứa trẻ ra ngoài.

Lúc đó, bị cáo mới ngại ngùng thừa nhận dù chưa có vợ nhưng có ba đứa con với hai người phụ nữ, một người quê Vĩnh Phúc, còn một người cùng quê với bị cáo. Con lớn của bị cáo năm nay 16 tuổi, con út là đứa trẻ 2 tuổi này.

Mẹ của hai đứa trẻ ấy là người phụ nữ đen đúa, khắc khổ ngồi bên ngoài phòng xử từ lúc bắt đầu phiên tòa. Lúc xe tù chở bị cáo đi, chị cũng vội vàng đuổi theo bị cáo. Chị năm nay vừa tròn 40 tuổi. Cách đây 20 năm, chị và bị cáo gặp rồi yêu nhau. Chị lỡ làng, mang thai rồi sinh đứa con gái đầu lòng. Rồi Sáu rời quê hương đi bôn ba khắp nơi, có con với người phụ nữ khác, chị vẫn chờ Sáu trở về.

“Khổ, nó tốt tính lắm! Khi bố mẹ còn sống có bảo chúng nó về sống với nhau nhưng thằng Sáu không chịu, cứ thích vui chơi nên giờ ra nông nỗi này” - người anh trai thứ hai của bị cáo nói.

Cách đây mấy năm, chị tằn tiện mua được miếng đất rồi xây nhà ra ở riêng. Bị cáo lại về với chị. Hai người qua lại rồi sinh thêm đứa con trai. Bị cáo làm nghề chạy xe ôm, cứ đến với mẹ con chị vài ngày rồi đi, đi rồi lại về.

Buổi xét xử hôm ấy, chị cứ ngồi một góc ngoài hành lang, đôi mắt lén lút nhìn những người thân của bị cáo. Ánh mắt ấy chất chứa tủi hờn của người phụ nữ có chồng nhưng không danh chính ngôn thuận. Nghe mọi người hỏi han, chị đỏ mặt bảo: “Tôi chưa phải vợ anh ấy đâu, gọi vậy ngại lắm!”.

Bị cáo bị tòa tuyên phạt 12 năm tù về tội giết người. Chị kể đứa con gái 16 tuổi sau khi nghe mức án của bố thì thốt lên: “12 năm tù, biết bao giờ con mới lại được gặp bố”. Chị động viên con: “Thôi thì mẹ con mình cùng cố gắng đợi ngày bố ra tù”. Và rồi chị lại đợi bị cáo, như chị đã đợi suốt 20 năm qua...

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên