13/03/2012 09:01 GMT+7

Huynh đệ tương tàn

THANH LIÊM
THANH LIÊM

TT - Người Pháp tự hào có hai ngân hàng lớn đang nằm trong nhóm các ngân hàng hàng đầu thế giới là BNP Paribas và Société générale (SG).

Kỳ 1:

m09iF0FD.jpgPhóng to
Claude Bébéar nay chỉ còn là chủ tịch danh dự của Axa nhưng vẫn còn nằm trong hội đồng quản trị nhiều tập đoàn lớn khác - Ảnh: AFP

Tướng quân trong bóng tối

Vụ tranh chấp diễn ra hơn bảy tháng trong năm 1999. Lần đó SG và Ngân hàng Paribas đã công khai đạt được thỏa thuận sáp nhập thì BNP nhảy vào cuộc. Ác hơn, “kẻ phá đám” BNP không chỉ nhảy vào sau mà còn chơi ngang ngược khi chào mua cả Paribas lẫn... SG. Vậy mà cuối cùng SG lại trắng tay trước kẻ phá đám. Đó là chuyện hiếm khi xảy ra trong giới ngân hàng ở Pháp, nhất là giữa những anh vốn có lịch sử tồn tại lâu năm và mối giao hảo thân tình (lúc đó có tin đã có những cuộc tiếp xúc nghiêm túc giữa BNP và SG nhằm chuẩn bị cho việc sáp nhập).

Nhưng trong đợt tranh chấp căng thẳng đó, từ tòa án đến sàn chứng khoán, từ các chiến dịch quảng cáo cho đến các vụ tiết lộ thông tin động trời cho giới truyền thông, người ta nói rằng kẻ thắng cuộc không phải là BNP khi “hớt tay trên” được Paribas mà chính là... Claude Bébéar. Vụ việc hoàn toàn do sự giật dây của “tướng quân trong bóng tối” Claude Bébéar, chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm Axa, người được nhật báo tài chính Mỹ Wall Street Journal đặt cho hỗn danh là “bố già”. Ông này được mệnh danh là nhân vật chủ chốt của chủ nghĩa tư bản Pháp cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 này. Một người thân cận của Claude dám đúc kết thế này: “Ở Pháp người ta không dám làm gì mà không có sự chuẩn thuận của Claude. Nói chung là chẳng ai dám chống lại ông ấy”.

Khi mọi sự đã vãn, người ta ngồi đúc kết lại mới thấy bàn tay đạo diễn của Claude Bébéar! Từ ngày 8-10-1998, nhân dịp công bố kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm của Tập đoàn Axa, Claude đã tranh thủ tuyên bố: “Chiến lược của Paribas sẽ không được thị trường chấp nhận. Rõ là có vấn đề ở đây”. Claude có quyền tuyên bố như trên vì ông có cổ phần kha khá trong Paribas và khi ông nói đến hai chữ “vấn đề” thì quả là có vấn đề thật, và điều đó chẳng khác gì sự cảnh báo cho ban lãnh đạo của Paribas! Lúc đó, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chính trị xã hội tại Nga, trị giá của Ngân hàng Paribas giảm mất 2/3.

Khi tuyên bố như thế, Claude đồng thời cũng đã có kế hoạch: Paribas cần được BNP chống lưng để tránh bị ngân hàng nước ngoài thôn tính. Mà ông ta chọn BNP vì ở tập đoàn này ông ta cũng là... cổ đông hàng đầu. Claude tính toán kịch bản dù biết rằng các chuyên gia của BNP và SG, trước đó, đã nhiều lần ngồi làm việc cho khả năng sáp nhập. Và nếu chuyện thương lượng thành công thì cả hai chẳng cần đến Paribas làm gì.

André Lévy-Lang, chủ tịch của Paribas, cũng hoàn toàn ý thức được tình cảnh trớ trêu trên. Ông ta cũng không dám coi nhẹ những lời cảnh báo của “bố già” vì đúng 32 tháng trước, chính “bố già” đã cứu cái ghế chủ tịch cho ông ta khi đứng ra bảo vệ cho... chiến lược của André Lévy-Lang vốn đang bị cổ đông và nhân viên thuộc quyền công kích dữ dội. Vào tháng 2-1996 đó, chính Claude tuyên bố mạnh mẽ: “Tôi chưa từng nghe thấy, và tôi tin chắc mình đâu bị điếc, về chuyện xem lại chiến lược mà André Lévy-Lang đang tiến hành”. Chỉ mỗi câu đó là mọi người để cho André tiếp tục điều hành cho đến lời cảnh báo cũng về chính chiến lược đó vào tháng 10-1998 của “bố già”.

Thương trường như chiến trường

Có điều sau lần cảnh báo này, André tự chọn đối tác cho mình vì muốn chứng tỏ tính độc lập. Ông ta cho rằng SG phù hợp để mình “trao thân gửi phận” hơn và ngày 1-2-1999 thì công bố sự lựa chọn. “Bố già” bị bất ngờ khi mọi chuyện không theo kịch bản ông dự định. Trong vụ sáp nhập này (nếu xảy ra) thì vị thế của ông chỉ ngang bằng với của Tập đoàn bảo hiểm Đức Allianz, vốn cũng là cổ đông của Paribas. Đó là điều Claude không hề mong muốn.

Bởi vậy khi Michel Pébereau, tổng giám đốc của BNP, gọi đến, trong tháng 2-1999 để trình bày về kế hoạch phản pháo (hẳn cũng vì tức giận trước việc SG lẳng lặng đi đêm với Paribas) thì Claude gật đầu ngay tức thì. Ông thậm chí còn điều động hai nhân vật thân cận và giỏi giang của mình qua trợ lực cho Michel lên kế hoạch hoàn chỉnh. Có thể nói trong vụ này, Claude không phải là người đưa ra ý tưởng về chuyện “đột kích” nhưng như mọi khi, ông vẫn là người giật dây và... đắc lợi. Một chủ ngân hàng bình luận: “Michel sẽ chẳng bao giờ dám tấn công đột kích như thế nếu không có sự cổ xúy của Claude”. Và ngày 9-3, BNP nhảy xổ vào cuộc.

Để chuẩn bị cho cuộc chiến không khoan nhượng đó, cả hai bên, BNP một bên và SG và Paribas một bên, đã huy động nhân lực lẫn vật lực như thời chiến. Các nhà phân tích tài chính, cố vấn ngân hàng, chuyên gia quan hệ đầu tư, luật sư, chuyên viên truyền thông... được tập trung kiểu bế quan tỏa cảng để vắt óc đối phó đối phương. Raphaëlle Rabatelle - lãnh đạo ban truyền thông của Paribas - nhớ lại: “Những ngày đầu (của cuộc khủng hoảng), cái nhà hàng ở lầu sáu của tòa nhà chúng tôi vốn chỉ phục vụ được 20 khách phải huy động lực lượng để lo ăn trưa và tối cho cả trăm người. Rồi người ta phải chọn cách phục vụ bữa ăn sẵn, bánh ngọt và trà, cà phê uống vô tư cho những con người đang căng thẳng”.

Đến ngày 13-3-1999, tức bốn ngày sau thông báo “đột kích” của BNP, bên SG-Paribas phải tức tốc lập ngay bản doanh mới cho ban chống khủng hoảng tại trụ sở ở đại lộ Kléber. Sau giờ làm việc chính thức tại trụ sở của mỗi bên, các lãnh đạo của SG và Paribas lại nhóm họp lúc 18g ở đại lộ Kléber cùng khoảng 40 thành viên khác trong ban chống khủng hoảng. Một thành viên trong ban kể lại: “Có lúc chúng tôi chỉ họp hai lần mỗi tuần nhưng đến đợt đặt giá thì đúng là họp điên cuồng”.

Trong cuộc họp, họ thẩm định tình hình rồi quyết định các giải pháp ứng phó. Ban thông tin được đặt ở tòa nhà khác, gồm khoảng 15 người, gần như túc trực ngày đêm. Nhóm này phải họp hai lần mỗi ngày. Mỗi sáng lúc 8g30 là buổi điểm qua báo chí, xem báo nào ủng hộ BNP thì phải tìm cách gửi thông điệp ngay. Buổi họp tối diễn ra sau buổi làm việc của ban chống khủng hoảng, tức là lúc ban thông tin đã có được chỉ thị và phải tìm cách chuyển hóa các chỉ thị đó thành thông tin gửi cho giới truyền thông đang đói tin tức. Một nhà quan sát bình luận: “Lần đó là một trong những cuộc chiến chứng khoán bạo liệt nhất tôi biết tại Pháp”.

Ở bên BNP, không khí cũng căng thẳng tương tự những cuộc họp hằng ngày kéo dài suốt bảy tháng. Ông chủ Michel Pébereau vốn thức dậy sớm. Từ 7g sáng ông đã có mặt ở văn phòng trên đại lộ Italiens để đốt điếu xìgà đầu tiên. Đúng 7g30, ở phòng họp cách văn phòng chủ tịch đã có khoảng 20 người chờ đợi cho phiên họp đầu ngày.

BNP có một con át chủ bài là Jacques Mayoux - phó chủ tịch của Goldman Sachs châu Âu, một trong hai cố vấn ngân hàng của BNP. SG dĩ nhiên vừa sợ vừa tức vì Jacques Mayoux vốn là cựu chủ tịch của SG! Jacques Mayoux đã tham gia đến 70% số cuộc họp của bên BNP từ khi bắt đầu nổ ra cuộc “đột kích”. Sau cuộc họp này là cuộc họp kín giữa Pébereau và các lãnh đạo bên đối tác chiến lược - Ngân hàng Goldman Sachs và Ngân hàng Lazard.

Ban thông tin của BNP cũng hoạt động khá hiệu quả dưới sự chỉ đạo của những nhân vật tài giỏi như Stéphane Fouks - một người được cho là có tài ăn nói và Antoine Sire - một nhà văn. Mỗi khi bên SG-Paribas tung ra thông tin thì bên này cũng phản pháo ngay lập tức cho báo chí.

Cuối cùng, đến ngày 14-8-1999, BNP tuyên bố mua được Paribas. Trận chiến chấm dứt nhưng cuộc chiến BNP và SG vẫn kéo dài đến tận hôm nay với những lần tin đồn thôn tính lẫn nhau giữa hai bên, dù vẫn còn bất thành...

_______________________

Kỳ tới: Thợ săn và con mồi

THANH LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên