Du khách tham quan suối cá thần Cẩm Lương - Ảnh: Y.Trinh |
Ngoài suối cá Cẩm Lương, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa còn có suối cá Mó Đóng thuộc thôn Dùng, xã Cẩm Liên.
Gần đây người dân đã phát hiện thêm suối cá thứ ba ở thôn Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước.
Với đàn cá lên đến hàng ngàn con, ba suối cá này đã trở thành điểm du lịch, ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh người dân địa phương. Họ gọi đây là suối cá thần.
Chiếc cầu treo bắc ngang dòng sông Mã đưa chúng tôi đến suối cá ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
Dù gần giữa trưa nhưng trời còn mù mây và không khí se lạnh, tạo sự thích thú cho những tốp khách du lịch tới lui không ngớt.
Suối cá thần Cẩm Lương
Đi qua những dãy nhà bán đồ lưu niệm của đồng bào Mường, suối cá Cẩm Lương hiện ra có hình dấu ngã ôm lấy chân núi. Suối rộng chừng 3m, dài hơn 100m, nước suối chỉ đến bắp chân và trông rõ lòng suối trong veo.
Ông Phạm Hùng Hậu (50 tuổi, trưởng Ban quản lý khu du lịch suối cá Cẩm Lương) dẫn chúng tôi đi một vòng suối.
Vừa ngắm đàn cá tụ lại dưới một gốc cây lớn, ông vừa kể: “Người dân ở đây gọi cá này là cá dốc, phần đầu giống cá chép nhưng thân lại giống cá trắm sông. Theo một số tài liệu khoa học, loài cá này có tên là Spinibarbichthys denticulatus, có tên trong Sách đỏ”.
Ngoài ra nơi này còn có cá chài, cá mại thân mình nhiều hoa văn.
Thật vậy, nếu ngồi sát mép suối, người ta có thể trông rõ từng chiếc vây và vẻ đẹp của loài cá này. Chúng thoải mái đùa giỡn, lộ rõ phần bụng và lưng màu đen pha sắc vàng óng ánh, môi và vây màu đỏ. Cá rất dạn người, không tản đi dù trên bờ hầu như lúc nào cũng có người đứng ngắm.
Nhiều khách đi thành từng đoàn, tranh thủ dùng điện thoại chụp hình cá để về cho người thân xem. Ông Hậu nói có ngày nơi này đón hàng trăm lượt khách, bãi giữ xe phía ngoài không đủ chỗ, có khi tối mịt vẫn còn khách đến thăm suối.
“Thấy người ta ở xa vất vả đến đây, dù 18g khu du lịch đã hết làm việc nhưng chúng tôi cũng để khách vào suối cá” - ông nói.
Nhìn dòng người loay hoay bên suối cá, ông Trương Hùng Dũng (65 tuổi) nheo nheo đôi mắt kể rằng gia đình ông đã mấy đời gắn với suối cá này: “Hồi tôi còn nhỏ, ở đây chỉ có trên dưới 20 nóc nhà. Suối chảy dài ra tuốt đằng xa chứ không ngắn như bây giờ. Xưa chỗ này hoang vu lắm, tụi tui đi lấy nước phải đi 2-3 người vì sợ thú dữ. Lúc đó cá nhiều vô kể, có thể lội xuống ôm cá đùa giỡn”.
Tiếp lời ông Dũng, ông Bùi Văn Kiện (61 tuổi) kể: “Cá ở đây có từ thời đẻ đất đẻ nước rồi. Lúc tôi 9-10 tuổi, hai bên suối cá là bờ cỏ, chỉ có một cái cầu gỗ nhỏ để đi qua suối. Lạ một điều là suối không bao giờ có nước đục, không khí quanh suối lúc nào cũng mát dù là mùa nào đi nữa”.
Ông Dũng và ông Kiện nhận nhiệm vụ trông coi ngôi chùa bên bờ suối theo quy định của những người cao tuổi trong thôn. Hai ông cũng không nhớ được chùa có từ bao giờ, hai bên chùa là hai ngôi miếu thờ thần rắn và thần cá.
Về sự xuất hiện loài cá thần, người lớn tuổi trong thôn ai cũng có thể kể cho khách nghe một cách say sưa. Chúng tôi ghé vào ngôi nhà sàn gần suối của ông Phạm Đình Thưởng (77 tuổi).
Tuổi đã thuộc vào hàng cao nhất nhì trong thôn nhưng ông Thưởng vẫn rất minh mẫn. Nhấp ngụm trà, ông nói liền một hơi: “Cha mẹ tôi làm ruộng, nhà tôi 3-4 đời sống ở đây rồi. Lúc nhỏ ngày nào tôi cũng ra suối cá, mẹ với các cô còn đem quần áo ra suối giặt giũ. Mà lạ là tôi chưa bao giờ nhìn thấy xác cá dù đàn cá rất đông”.
Theo lời ông Thưởng, người Mường sinh sống quanh đây lý giải nguồn gốc suối cá từ một huyền tích. Ngày xưa, nơi này thường xuyên hạn hán. Có hai vợ chồng hiếm muộn, ngày ngày ra suối bắt tôm cá sống qua ngày.
“Một hôm, bà vớt được một quả trứng lạ nhưng thả lại xuống suối. Hôm sau lại thấy, bà mang về nhà cho gà ấp. Nào ngờ trứng nở ra một con rắn, cứ quanh quẩn trong nhà” - ông Thưởng kể.
Từ khi có rắn, hạn hán không còn, đồng ruộng tốt tươi, người dân rất biết ơn. Bỗng một ngày, người ta thấy xác rắn bên bờ suối. Người dân cho rằng rắn đã chiến đấu với thủy quái để bảo vệ mùa màng, nên lập đền thờ.
Giọng ông trở nên huyền bí: “Từ đó, suối này có đàn cá hàng ngàn con ngày đêm về canh gác nơi đền rắn. Người dân tin rằng đền thờ thần rắn và đàn cá mang lại sự bình yên no ấm cho dân làng. Bà con luôn gìn giữ loài cá thiêng, không bao giờ bắt cá hoặc làm gì tổn hại đến suối”.
Những huyền tích khác
Nếu suối cá Cẩm Lương gắn với hoạt động du lịch nhộn nhịp, hai suối cá còn lại ở thôn Dùng (xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy) và suối cá Chiềng Ban (xã Văn Nho, huyện Bá Thước) có phần vắng vẻ hơn.
Nằm hiền hòa bên con đường làng rợp bóng cây, suối cá thôn Dùng chỉ dài khoảng 30m và hình dáng như một cái hồ nhỏ. Người dân cũng xây một ngôi miếu cạnh suối để thờ thần cá.
Về nguồn gốc suối cá, ông Phạm Văn Lưu (50 tuổi, trưởng thôn) kể: “Ngày trước trong làng có vợ chồng ông quan giàu có nhưng chỉ có mỗi một cô con gái đặt tên là nàng Ánh.
Ông bà không để nàng đi làm đồng mà ở nhà dệt vải và trông coi suối cá. Một hôm mưa to, nàng đang dệt vải thì đánh rơi hột cúc.
Dưới nhà sàn, từ đâu có một đôi gà trắng chạy đến mổ hột cúc chạy đi. Nàng đuổi theo đến dòng suối, bỗng đâu trời nổi gió, nước dâng cuốn nàng mất hút. Sau đó, cô gái hiện ra trong giấc ngủ dặn ông bà cắm cây nêu đánh dấu ruộng của mình.
Hôm sau, ông bà thấy ruộng đã được cày bừa. Nhớ lại tiếng động như cá quẫy đêm qua, ông bà cho rằng cá đã cày ruộng giúp nên từ đó lập miếu thờ gần suối”. Cho đến giờ, người dân trong thôn nếu có trông thấy cá chết (rất hiếm), họ tự động đem cá quấn vải đi chôn như đối với một con người.
Ngược lên suối cá Chiềng Ban ở xã Văn Nho (huyện Bá Thước) cách thôn Dùng chừng 20km, chúng tôi gặp ông Trịnh Văn Hồng - chủ tịch UBND xã Văn Nho.
Ông Hồng nói hang Chiềng Ban không chỉ có loài cá thần mà còn gắn với nhiều câu chuyện cách mạng. Hai nhà yêu nước Tống Duy Tân và Hà Văn Nho đã từng làm việc, trú ẩn khi hoạt động cách mạng tại đây.
Sau này tên Văn Nho cũng đã được đặt tên cho chính xã này. Vào ngày 18-11 dương lịch hằng năm, xã tổ chức lễ lớn để tưởng nhớ ông Hà Văn Nho và cũng là dịp các bô lão trong làng lên hang cá khấn vái để cầu điều tốt lành cho dân làng.
Rồi ông Hồng kể tiếp có năm vào mùa mưa nước tràn đập nhưng cá vẫn không đi. “Cũng không biết được lý do. Có những con cá bị nước trôi mạnh quá đẩy ra ngoài đồng thì mấy ngày sau người dân thấy chúng ngửa bụng lên, vậy là chúng tôi lại đem chôn” - ông nói.
Đã nhiều lần khách tham quan nhìn thấy hai “cụ cá” to lớn, có người chắp tay khấn vái nhưng có nhiều người bỏ chạy do hoảng sợ tưởng là “thủy quái”. Còn đối với người dân, họ tin rằng khi loài cá lớn này xuất hiện là dấu hiệu báo sự may mắn, mưa thuận gió hòa.
Quy hoạch ba suối cá thần Ông Phạm Duy Phương - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thanh Hóa - cho biết việc quy hoạch tổng thể ba suối cá thần ở huyện Cẩm Thủy và Bá Thước sẽ được thực hiện trong thời gian tới. “Các hang cá này có tiềm năng du lịch rất lớn, không chỉ vì nơi đây có loài cá được cho là cá thần mà còn do phong cảnh khá đẹp. Sau khi phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, chúng tôi sẽ có quy hoạch cụ thể để gửi UBND tỉnh phê duyệt” - ông Phương nói. |
__________
Kỳ tới: Trong hang động ngàn năm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận