18/06/2019 11:54 GMT+7

Huyền thoại gò Rồng Ấp 'ám chỉ' vua Lý Công Uẩn là con thiền sư Vạn Hạnh

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Trong kịch bản vở Huyền thoại gò Rồng Ấp , chi tiết 'ám chỉ' vua Lý Công Uẩn chính là con của thiền sư Vạn Hạnh đã được đưa vào.

Huyền thoại gò Rồng Ấp ám chỉ vua Lý Công Uẩn là con thiền sư Vạn Hạnh - Ảnh 1.

NSND Lệ Ngọc và đạo diễn Triệu Trung Kiên chia sẻ tại buổi họp báo - Ảnh: Sân khấu Lệ Ngọc

Đây là kịch bản của ông - tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - được sân khấu Lệ Ngọc chính thức thông báo đưa vào dàn dựng ngày 17-6 tại Hà Nội.

Chuyện kịch kể về một người con gái ở xóm Long Châu, hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp tên là Phạm Thị Ngà, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu - nơi sư Vạn Hạnh trụ trì.

Khi cha mẹ của Thị Ngà qua đời, hai anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn thương tình đem phần mộ hai ông bà đến táng ở gò Rồng Ấp, nơi được tương truyền là có huyệt đất thiêng.

Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ Nường, vô tình lúc ấy thiền sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng trời đất giao hòa, âm dương giao cảm, nên khi trở về Thị Ngà thấy trong mình khác lạ.

Bà mang thai, vượt bao hiểm nguy, gian khó sinh con và chết trong cuộc sinh nở. Đứa trẻ 36 năm sau trở thành vị vua khai quốc của triều Lý - vua Lý Công Uẩn...

Nói về chi tiết có thể gây tranh cãi về nguồn cội của Lý Công Uẩn với Tuổi Trẻ, NSND Lệ Ngọc - chủ nhiệm CLB sân khấu Lệ Ngọc - cho biết bà không e ngại chuyện "nhạy cảm" này bởi đây là một tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử, chứ không phải một cuốn sách sử.

Còn tác giả Nguyễn Thế Kỷ giải thích trong các huyền thoại, câu chuyện kể dân gian, các nhân vật xuất chúng thường được ra đời theo một cách phi thường, chứ không "trần tục" như người thường. Và theo ông, chuyện ẩn dụ Lý Công Uẩn là con của nhà sư có trong nhiều câu chuyện dân gian, chứ không phải do ông "tự nghĩ ra".

Ông Kỷ cũng dự đoán chuyện này có thể khiến vở kịch "nhận búa rìu dư luận" nên ông chỉ đưa ra một câu chuyện mang màu sắc huyền tích, chứ không nói cụ thể.

Một điểm đáng chú ý nữa, Huyền thoại gò Rồng Ấp là kịch nói nhưng sân khấu Lệ Ngọc mời đạo diễn sân khấu cải lương Triệu Trung Kiên dàn dựng. NSND Lệ Ngọc giải thích đây là vở kịch khai thác đề tài lịch sử, đậm chất dân gian của người Việt cổ, nên bà muốn giao cho một đạo diễn có am hiểu lịch sử và giàu sức sáng tạo.

Vở kịch dự kiến ra mắt công chúng trong nước ngày 20-7, sau đó sẽ được mang đi dự Tuần lễ sân khấu Trung Quốc - ASEAN diễn ra tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc vào tháng 9 tới.

NSND Lệ Ngọc cũng tiết lộ vài lãnh đạo của Bộ Ngoại giao đang bàn bạc cùng sân khấu Lệ Ngọc xúc tiến đưa vở diễn này tới phục vụ bà con kiều bào ở Liên bang Nga, Cộng hòa Czech và một số nước Đông Âu.

Phim Thái tổ Lý Công Uẩn: Tôi sẽ đề nghị ngưng sản xuất, nếu...

TT - Sáng 2-4, Hà Nội lại vừa có thêm một cuộc họp đột xuất với Hãng Phim truyện VN về số phận bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn. Tuổi Trẻ đã gặp gỡ ông Phạm Quang Long - giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Hà Nội, cơ quan được TP ủy quyền ký hợp đồng đặt hàng Hãng Phim truyện VN sản xuất bộ phim này.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên