TTCT - Khi Jonathan Ive, người thiết kế sản phẩm mang tính biểu tượng của Apple, tuyên bố sẽ nghỉ việc vào cuối năm nay, các trang tin lập tức tràn ngập bài viết với những cụm từ “chấm dứt một thời đại” hay “huyền thoại đã ra đi”, như thể nhân vật này đã... rời trần thế, chứ không phải là chỉ nghỉ làm, dù đó là nơi ông đã gắn bó gần 30 năm qua. Giá cổ phiếu Apple giảm hơn 1%, khiến giá trị vốn hóa của công ty công nghệ Mỹ có lúc bốc hơi ít nhất 9 tỉ USD, trước khi hồi phục lại vào cuối ngày 27-6, ngày “Táo khuyết” công bố thông tin Jonathan Ive, hay Jony Ive, sẽ nghỉ việc ở Apple - với dự định thành lập công ty riêng LoveFrom vào năm sau. 52 tuổi, người Anh. Được phong tước Hiệp sĩ Hoàng gia Anh năm 2013 “vì phụng sự cho thiết kế và doanh nghiệp”. Có 5.000 bằng sáng chế. Làm việc tại Apple từ 1992. Là người thiết kế iPod, iPhone, iPad, MacBook Air, và Apple Watch. Giả thử Ive là đáp án của một trò đố vui, đây sẽ là các gợi ý để người chơi đoán. Bản thân các mảnh ghép này cũng đủ để hình dung chân dung về huyền thoại thiết kế của Apple. Jonathan Ive Ảnh: modernissta.com Còn trên trang web của Apple, chức vụ của Ive là giám đốc thiết kế (Chief Designer Officer), báo cáo trực tiếp cho CEO Tim Cook. Kể từ khi làm trưởng bộ phận thiết kế năm 1996, Ive chịu trách nhiệm “cho toàn bộ các thiết kế tại Apple, gồm giao diện và trải nghiệm phần cứng, giao diện người dùng, bao bì, các dự án kiến trúc lớn như Apple Park và cửa hàng bán lẻ Apple, cũng như các ý tưởng và sáng kiến trong tương lai”. Nicole Lee của Engadget mô tả Ive “không phải là một nhân sự bình thường của Apple”, mà là người đứng sau nhiều thiết kế mang tính biểu tượng trong lịch sử Apple và góp phần đưa công ty trở thành một trong những doanh nghiệp thành công nhất hành tinh. Bộ đôi thần thánh Apple đã bắt đầu kỷ nguyên hậu Steve Jobs sau khi thiên tài công nghệ tuyên bố từ chức CEO hồi tháng 8-2011, không lâu trước khi ông qua đời. Giờ đây, chỉ còn nửa năm để Apple lại một lần nữa chuyển sang thời kỳ hậu Jony Ive, và đó hẳn sẽ là một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho hãng công nghệ này, khi không còn bộ đôi đã đưa Apple lên đỉnh thành công. “Nếu Steve Jobs là người có tầm nhìn với những ý tưởng làm thay đổi thế giới máy tính, thì Ive là người đã khoác cho chúng những chiếc áo mà người tiêu dùng không thể cưỡng lại” - The Verge bình luận về vai trò của “bộ đôi thần thánh”. Jony Ive (phải) và CEO Apple, Tim Cook. Ảnh: Reuters Jobs thành lập Apple Computer Inc (cùng với Steve Wozniak) năm 1976, rồi từ chức chủ tịch và rời công ty vào năm 1985. 12 năm sau, Jobs quay lại khi Apple đang trên bờ vực phá sản và cùng làm việc với Ive, người mà ông thích gọi là “cộng sự tinh thần”. Sự đồng điệu về tư duy mỹ học giúp “bộ đôi thần thánh” cho ra mắt hàng loạt sản phẩm mang tính cách mạng. Trong giai đoạn 1992-1995, Ive làm việc tại Apple mà chưa có Jobs. Một trong các thiết kế đầu tiên của Ive cho Apple là chiếc máy nhắn tin Lindy MessagePad 110, với chiếc bút điện tử gắn ở phần trên thiết bị. Chiếc máy giành nhiều giải thưởng và thậm chí còn được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại San Francisco, dù là một sản phẩm thất bại về mặt thương mại. Chiếc máy nhắn tin Lindy MessagePad 110 Chỉ khi Jobs trở lại Apple, Ive mới phát huy thế mạnh về thiết kế tối giản, phá cách, nhờ chia sẻ triết lý “đơn giản chứ không phải sơ sài” trong thiết kế với Jobs. Đơn giản trong tư duy của Jobs, và được Ive chia sẻ, đến từ việc thấu hiểu bản chất từng sản phẩm cũng như tất cả những phức tạp về máy móc kỹ thuật và chức năng của từng thành phần cấu tạo nên nó. “Việc tạo ra một sản phẩm đơn giản thật ra đòi hỏi rất nhiều nỗ lực vì ta phải thực sự hiểu hết mọi thách thức và tìm ra các giải pháp tinh tế để giải quyết chúng” - Jobs từng nói trong quyển tiểu sử do Walter Isaacson chấp bút. Quan điểm này đã được Jobs thể hiện từ năm 1977, khi ra ấn phẩm tiếp thị cho máy tính Apple II với khẩu hiệu: “Đơn giản chính là tận cùng phức tạp” (Simplicity is the ultimate sophistication). Dấu ấn Ive Năm 1998, chiếc iMac G3 ra đời, đánh dấu khoảnh khắc Ive bắt đầu tỏa sáng. Trong khi các máy tính cá nhân lúc bấy giờ chỉ mang thiết kế dạng hộp và màu xám tro, Ive tạo ra iMac G3 với thiết kế cong và nhiều màu sắc. “Vào thời điểm đó Apple không biết rằng chiếc máy vui nhộn nhiều màu sắc iMac sẽ giúp công ty xoay ngược thế cờ, đặt nền móng cho việc trở lại huy hoàng như ta biết ngày nay” - Engadget bình luận. Năm 2001, iPod ra mắt với thiết kế toàn trắng, ngay cả tai nghe và cục sạc cũng màu trắng, thêm một bước đi táo bạo nữa vào thời mà đa số thiết bị điện tử đều màu đen và bạc. Với chiếc iPhone đầu tiên năm 2007, Ive lại dẫn bước tiên phong trong thiết kế một chiếc điện thoại không có bàn phím vật lý, tối giản nhưng tinh tế, với màn hình cảm ứng là giao diện sử dụng chính. Chiếc Iphone đầu tiên. Từ đó, Ive tiếp tục để lại dấu ấn với các thiết bị điện tử mang tính cách mạng, thể hiện sự phát triển ngày càng cao trong tư duy thẩm mỹ, tương ứng với các đột phá về công nghệ của Apple: máy tính bảng iPad, máy tính xách tay MacBook Air, đồng hồ Apple Watch và tai nghe AirPods. Microsoft và nhiều công ty đã cố làm máy tính bảng (tablet) phổ biến, nhưng không sản phẩm nào thành công như iPad. Những thứ ta làm hằng ngày như lướt web, xem video, xem ảnh trên thiết bị màn hình lớn là chuyện bình thường, nhưng vào năm 2010, đó là “phép thuật” thật sự. MacBook Air đặt ra chuẩn mới về mỏng, nhẹ nhưng phải mạnh mẽ cho máy tính xách tay, khi Jobs rút nó ra từ một chiếc phong bì cỡ lớn tại buổi ra mắt năm 2008, kích thước mà không laptop nào có thể đạt được vào thời đó. Tương tự, đồng hồ thông minh Apple Watch và tai nghe không dây AirPods khi mới ra mắt đều bị chê là ý tưởng phù phiếm, khó thành công nhưng thực tế chứng minh cả hai đều thành công và là sản phẩm chứng tỏ đẳng cấp của Apple. Từ năm 2012, Ive cũng phụ trách luôn phần thiết kế giao diện cho hệ điều hành iOS, thay cho Scott Forstall. Việc đầu tiên Ive làm với phiên bản iOS 7 là thay toàn bộ phần biểu tượng các app, chuyển từ thiết kế mô phỏng đời thật với nhiều chi tiết, đường nét 3D sang thiết kế đơn giản hóa, phẳng và đúng nghĩa biểu tượng hơn. Không khó để chỉ ra tầm ảnh hưởng của các thiết kế của Ive. Đúng như The Verge mô tả, Ive là “người độc nhất có thể làm thay đổi thiết kế không chỉ của các sản phẩm Apple mà còn cả ngành công nghiệp thiết kế sản phẩm”. Các smartphone ngày nay đều “lấy cảm hứng” từ thiết kế màn hình cảm ứng là chủ đạo, còn laptop thì theo xu hướng mỏng nhẹ của MacBook Air. Màn hình cảm ứng, nút “home”, thiết kế khung của iPhone, tất cả đều là ý tưởng của Ive. Và hơn 10 năm từ chiếc iPhone đầu tiên, smartphone dường như vẫn chưa vượt qua được thiết kế chuẩn này, ngay cả với các thế hệ iPhone tiếp theo. Di sản và tương lai Khi nói kết thúc một thời đại của Apple cũng đồng nghĩa nhắc đến di sản của Ive và tương lai của Apple không có Ive lẫn Jobs, mà chỉ còn đương kim CEO Tim Cook. Engadget cho rằng Ive “để lại di sản khổng lồ mà sẽ vô cùng khó khăn cho những người nối tiếp ông sánh được”. Còn Daniel Ives, chuyên gia phân tích của Hãng Wedbush, cho rằng khoảng trống của Ive ở Apple “rõ ràng là không thể nào khỏa lấp”. Sẽ có rất nhiều phỏng đoán về tương lai của Apple sắp tới. CNET cho rằng Ive đã thông tin sẽ ra đi từ nhiều năm trước, và với truyền thống nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới trong nhiều năm trước khi chúng chính thức ra mắt, có thể nói rằng các mẫu iPhone, iPad sắp tới sẽ vẫn có dấu ấn của Ive, vì chúng được thực hiện trước khi ông rời Apple. Ngoài ra, biết đâu sự ra đi của Ive cũng là “tái ông thất mã” cho Apple. Hãng sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào thiết kế phần cứng của Ive, trong thời điểm mà phần cứng cũng không còn thắng thế và mang tiền về cho Apple. Một loạt các dịch vụ thu tiền đang và sẽ được Apple triển khai mới là nồi cơm chính. Vậy thì sự ra đi của Ive cũng vừa vặn khép lại giai đoạn rực rỡ với các sản phẩm cách mạng hóa lĩnh vực mà chúng nhảy vào, để Apple yên tâm chuyển mình sang làm nhà cung cấp dịch vụ số.■ Cuộc đời không thể chỉ có thăng mà không có trầm. Xen giữa những sản phẩm thăng hoa iPhone, iPod và iMac là những cú hụt chân của Ive, như con chuột Magic Mouse 2 không dùng pin AA, nhưng muốn sạc thì phải “lật ngửa” lên mới có chỗ cắm cáp. Con chuột Magic Mouse 2 với thiết kế bất lợi cho việc sạc. Hay bút cảm ứng Apple Pencil thế hệ đầu tiên, chỉ có thể cắm thẳng vào cạnh dưới của iPad để sạc. Việc theo đuổi “mỏng, mỏng nữa, mỏng mãi” đến mức gần như ám ảnh của Ive cũng là nguyên nhân khiến iPhone phải hi sinh dung lượng pin và dòng MacBook Pro gặp vấn đề về bàn phím. Tags: AppleIPhoneIPodJonathan IveIMacThiết kế công nghệ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...