12/03/2018 15:24 GMT+7

Huyện bảo 'yên tâm công tác', giáo viên mất việc đứng ngồi không yên

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Được mời vào hội trường UBND huyện Krông Pắk để 'thông báo thông tin mới nhất', các giáo viên chỉ nghe đọc công văn hỏa tốc của tỉnh, còn mọi câu hỏi không ai giải đáp.

Huyện bảo yên tâm công tác, giáo viên mất việc đứng ngồi không yên - Ảnh 1.

Nhiều giáo viên chờ trước cổng UBND huyên Krông Pắk, Đắk Lắk mong gặp lãnh đạo - Ảnh: TRUNG TÂN

Liên quan đến vụ hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk có nguy cơ mất việc, sáng 12-3, hàng trăm giáo viên hợp đồng đã tập trung trước cổng UBND huyện để mong gặp được lãnh đạo, chờ giải đáp thắc mắc. 

Tại đây, các giáo viên được UBND huyện này mời vào hội trường gặp để thông báo thông tin mới nhất. 

Sau khoảng 30 phút chờ đợi, phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - bà Ngô Thị Minh Trinh, bước vào, đọc công văn hỏa tốc do UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành chiều tối 11-3.

"Chúng tôi chỉ thông tin như vậy thôi, đây không phải là cuộc đối thoại nên các thầy cô giáo không đặt câu hỏi gì cả", bà Trinh nói và bước ra.

Không sống nổi với lương 1 triệu đồng/tháng

Huyện bảo yên tâm công tác, giáo viên mất việc đứng ngồi không yên - Ảnh 2.

Chờ đợi câu trả lời, các giáo viên chỉ được nghe nội dung công văn hỏa tốc của tỉnh - Ảnh: TRUNG TÂN

Nhiều giáo viên bức xúc: chúng tôi lên đây không phải là để nghe công văn hỏa tốc của tỉnh đã được nhà trường gửi, đọc vào sáng nay. 

"Chúng tôi muốn huyện phải nói rõ số phận của những giáo viên của chúng tôi sẽ như thế nào sau khi tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng", một giáo viên đặt câu hỏi. Nhưng phó chủ tịch huyện trả lời.

Cô giáo Nguyễn Thị Bình (giáo viên môn tiếng Anh, Trường THCS Ea Kly), nói trong nước mắt: "Từ tháng 5-2017 đến nay tôi đã bị cho nghỉ việc, không lương. Nay tôi lên đây để hỏi nhưng lãnh đạo huyện không trả lời mà nói về yên tâm công tác và chờ. Làm sao tôi yên tâm được?".

Theo chị Bình, từ ngày 13-9-2017, chị đã gửi đơn đến các ban ngành, UBND huyện hỏi lý do tại sao vào năm 2011 chị được ký quyết định hợp đồng trong biên chế, mức lương từ 2,4 triệu đồng/tháng, sau đó cứ giảm dần; từ năm ngoái đến năm nay chị không được đi dạy, phải bươn chải kiếm sống bằng nghề khác… 

"Thế nhưng mọi mong mỏi của tôi đều không được trả lời. Nay gặp phó chủ tịch thì lại được nói về yên tâm công tác. Tôi nghe mà đau xót quá", chị Bình nói.

Huyện bảo yên tâm công tác, giáo viên mất việc đứng ngồi không yên - Ảnh 3.

Cô giáo Nguyễn Thị Bình đau khổ cho biết "tôi mất việc vô cớ nhiều tháng nay, sao về yên tâm công tác được" - Ảnh: TRUNG TÂN

Còn cô giáo Nguyễn Thị Nga, giáo viên Trường THCS Vụ Bổn, cho biết hai vợ chồng chị vào trường dạy cùng thời điểm, đến nay đã 8 năm công tác. Thế nhưng mức lương cứ giảm dần, đến đầu năm 2017 mỗi người chỉ còn nhận khoảng 1 triệu đồng/tháng. 

"Thu nhập hai vợ chồng 2 triệu đồng/tháng, nhà không có đất đai, công việc khác, nên tháng 2-2017 chồng tôi đã làm đơn xin nghỉ việc không lương để đi làm thuê. 

Đến tháng 2-2018, tôi cũng không còn cách nào khác nên làm đơn xin nghỉ việc không lương để tay xách tay bế hai con (5 tuổi và 2 tuổi) qua Gia Lai làm thuê cùng chồng. Nghe huyện sẽ gặp gỡ giáo viên, hai vợ chồng chạy xe máy về để hỏi việc của mình. Phó chủ tịch huyện nói như vậy, chúng tôi biết làm sao?", chị Nga chua xót.

Cô giáo Hồ Thị Ngọc Dung ở xã Ea Quang, Krông Pắk cũng trong tình huống tương tự. Chồng làm nông, vợ nhận lương 1 triệu đồng/tháng nên hết sức khó khăn. Vì vậy, mỗi sáng chị Dung nấu nồi cháo dinh dưỡng đưa ra vỉa hè bán kiếm thêm thu nhập để phụ chồng nuôi con, chiều lên lớp dạy. 

"Chưa bao giờ phận giáo viên lại chua xót như vậy, lương giáo viên không bằng người lao công", chị Dung nghẹn ngào.

Các giáo viên kể có người dù đi dạy gần chục năm nhưng do "kinh phí nhà nước không bố trí" nên họ bị cắt lương, chỉ còn nhận tiền theo tiết dạy. Có người mỗi tháng chỉ được mấy trăm ngàn không đủ tiền xăng đến lớp nhưng do nuôi hi vọng mà bám trụ, cũng có người chịu không thấu đã phải nghỉ ngang...

Huyện bảo yên tâm công tác, giáo viên mất việc đứng ngồi không yên - Ảnh 4.

Nhiều giáo viên bức xúc, đứng dậy đặt câu hỏi nhưng đều không được giải đáp - Ảnh: TRUNG TÂN

Huyện đang tìm… giải pháp

Tại buổi gặp gỡ giáo viên, bà Ngô Thị Minh Trinh đã thông báo đến các giáo viên văn bản hỏa tốc của tỉnh. 

Theo đó, để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người lao động theo quy định và để ổn định an ninh trật tự tại địa phương, tỉnh yêu cầu huyện Krông Pắk báo cáo, đề xuất cụ thể với UBND tỉnh để xét tuyển bổ sung với các giáo viên đã có hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không còn vị trí việc làm để tuyển dụng (khoảng 200 giáo viên).

Huyện Krông Pắk phải phối hợp với Sở Nội vụ để chuẩn xác số liệu, tổng hợp, phân loại hợp đồng lao động theo từng nhóm để dự kiến biện pháp giải quyết phù hợp theo quy định và thực tiễn. 

Ngoài ra, huyện cũng phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên để có giải pháp phù hợp, giải quyết căn cơ các vấn đề làm ổn định tình hình địa phương.

Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk yêu cầu UBND huyện Krông Pắk tạm dừng thực hiện chấm dứt hợp đồng tuyển dụng lao động giáo viên ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017. 

Huyện bảo yên tâm công tác, giáo viên mất việc đứng ngồi không yên - Ảnh 5.

Bà Ngô Thị MInh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (trái) trả lời một số câu hỏi của báo chí - Ảnh: TRUNG TÂN

Trao đổi riêng với báo chí sáng cùng ngày, bà Trinh cho biết huyện đang rà soát lại các loại hợp đồng để có văn bản báo cáo, đề xuất tham mưu với tỉnh. 

Theo bà Trinh, đến nay ngoài 83 chỉ tiêu sắp xét tuyển thì huyện còn khoảng 150 biên chế viên chức giáo dục, nhưng theo tinh thần tinh giản nên số này chỉ còn 75 biên chế.

Vì vậy, trong số 208 giáo viên hợp đồng các môn học không có chỉ tiêu xét tuyển đang bức xúc, huyện sẽ rà soát, đề nghị tỉnh tuyển bổ sung, giải quyết phần nào công ăn việc làm cho giáo viên. 

 Việc xét tuyển nếu được phê duyệt cũng làm đúng quy định theo các đối tượng được tuyển đặc cách, đại trà…

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên