Diễn biến câu chuyện được người viết kể lại như sau: Khoảng 19g ngày 25-7, trên đường Nguyễn Duy Trinh, Q.2, TP.HCM về nhà đoạn từ cầu Giồng Ông Tố hướng ra Đỗ Xuân Hợp, có một em bé khoảng 7-8 tuổi bồng một bé khoảng 2 tuổi đến hỏi xem người viết có đi về hướng nhà sách Nguyễn Văn Cừ (cách đó khoảng 2km) không để xin quá giang. Người viết từ chối vì hai bé không có nón bảo hiểm và sợ mình chạy xe không vững. Sau đó, một người phụ nữ khác đi xe Lead đã đồng ý chở hai bé.
Qua nhà sách Nguyễn Văn Cừ 300m, người viết nhìn thấy người đi xe Lead đó bị hai người đàn ông nắm áo đánh. Người phụ nữ đi cùng hai người đàn ông thì lao vào ôm hai đứa nhỏ gào thét nói chị đi xe Lead cướp xe và bắt cóc mấy đứa nhỏ. Mọi người không biết thực hư ra sao nên chỉ đứng im nhìn. Người viết chưa kịp can thiệp thì một trong hai người đàn ông đã leo lên xe của nạn nhân rồ ga chạy mất. Hai người còn lại và hai đứa nhỏ cũng chạy xe theo ngay sau đó. Câu cuối, tác giả viết: “Với cái trình độ dàn xếp lừa đảo chuyên nghiệp như hiện nay thì từ giờ không có tội nghiệp ai nữa hết, ra đường mà thương người, cả tin là tự hại mình”.
Chỉ trong thời gian ngắn, bài viết này nhận được khoảng 2.000 lượt like (thích), 3.000 lượt chia sẻ và gần 500 lời bình luận trên mạng xã hội. Câu chuyện thật sự gây được sự chú ý của cư dân mạng và lan tỏa ra xã hội thực. Không ít người bàn tán, bình luận về câu chuyện này. Hầu hết các lời bình luận đều khuyên người khác không nên cả tin, động lòng trắc ẩn với những trường hợp nhờ giúp đỡ. Ở một góc nhìn khác, hầu hết những người đã đọc qua, nghe qua đều hoang mang về tình hình an ninh trật tự tồi tệ, đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng tới mức lợi dụng con trẻ, đánh vào lòng trắc ẩn của con người để cướp tài sản theo một kịch bản có thể dùng từ nặng nề, xấu xa nhất để miêu tả.
Khi đọc được câu chuyện này, tôi đã gửi tin nhắn, comment (bình luận) để tìm tác giả hoặc nạn nhân, nhân chứng chứng kiến câu chuyện nhưng không nhận được hồi âm. Trao đổi với Công an phường Bình Trưng Đông, Q.2 - nơi theo lời tác giả bài viết là địa điểm xảy ra vụ cướp, thì được nơi đây cho biết cũng có nghe nói vụ việc và đọc trên mạng. Dù không có nạn nhân trình báo, công an phường vẫn cử cán bộ đi tìm hiểu ở dọc đoạn đường theo tác giả bài viết kể nhưng không tìm ra ai là người chứng kiến vụ việc hay nghe thông tin cụ thể.
Tôi cũng trực tiếp chạy dọc con đường nói trên, hỏi nhiều người dân kinh doanh ven đường, xe ôm, chủ tiệm nhưng hầu hết không ai chứng kiến hay nghe nói về vụ việc. Chỉ có hai người nói có vụ việc, một người bán nước ven đường, một người khác là chủ tiệm. Tuy nhiên, khi được hỏi biết vụ việc như thế nào, người bán nước trả lời nghe người giao hàng nói, còn chị chủ tiệm bán đồ gia dụng cho biết là đọc trên mạng chứ không thấy trực tiếp.
Để chắc chắn hơn, tôi đề nghị lãnh đạo Công an Q.2, Công an Q.9 rà soát lại trên địa bàn có xảy ra vụ việc như tác giả kể hay không, cả hai đơn vị khẳng định không có vụ việc nào tương tự xảy ra trong cả năm qua. Nếu có thật, nạn nhân bị cướp chiếc xe máy trị giá khá lớn, bị đánh đập như vậy liệu có thể từ bỏ quyền, nghĩa vụ trình báo với cơ quan công an để truy tìm băng cướp? Như vậy, chỉ có một lý giải duy nhất là câu chuyện được kể để câu khách, thu hút sự chú ý của cư dân mạng mà thôi!
Dù với mục đích gì, câu chuyện cũng gây nên sự hoang mang, hoài nghi cho ít nhất hàng ngàn người, nếu không muốn nói tới con số lớn hơn bởi sự lan truyền trên thế giới ảo, tràn ra thế giới thực. Nó khiến những người có lòng trắc ẩn, tình yêu thương và hành động nghĩa hiệp phải dè chừng, thậm chí ngừng tay cứu giúp khi gặp người bị nạn vì lo sợ trở thành nạn nhân của một màn kịch như câu chuyện đã nêu. Hậu quả của câu chuyện bịa này có khi còn không dừng lại ở đó. Đây rõ ràng là một kiểu dựng chuyện câu khách hết sức nguy hại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận