Ghi nhận từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), liên tiếp trong hai ngày 28 và 29-5 vừa qua, tiêu thụ điện cả nước đã thiết lập mức kỷ lục trong lịch sử khi đều vượt mốc 1 tỉ kWh/ngày.
Đến nay, nhu cầu tiêu dùng điện vẫn cơ bản đáp ứng đủ, song việc phải liên tục huy động nguồn nhiệt điện than, khí cũng đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan vận hành, nhất là trong bối cảnh nắng nóng tiếp tục quay trở lại ở các tỉnh miền Bắc và tiêu dùng điện đang tăng trưởng ở mức cao hơn so với dự báo.
Dự phòng điện miền Bắc rất thấp
Theo dự báo của A0, mặc dù việc cung ứng điện cơ bản được đảm bảo song trong những ngày phụ tải tăng cao, hệ thống điện miền Bắc và miền Nam vẫn có nguy cơ thiếu hụt công suất đỉnh vào các giờ cao điểm tối khi không còn khả dụng nguồn điện mặt trời và các nguồn tuốc bin khí không tăng được công suất do thiếu khí.
Đặc biệt là trong trường hợp cực đoan có thể xảy ra các tình huống xếp chồng như phụ tải tăng cao đột biến, tình hình thủy văn kém, nguy cơ suy giảm cấp khí, sự cố tại nhiều tổ máy nhiệt điện lớn, trong khi dự phòng hệ thống điện miền Bắc rất thấp.
Đánh giá về cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô và vận hành hệ thống điện được EVN đưa ra hồi tháng 3 cũng chỉ ra, trong các tháng cao điểm nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 7, nếu xảy ra các tình huống cực đoan thì hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ không còn dự phòng công suất.
Đến tháng 8 và tháng 10 dự phòng cũng tương đối thấp, chỉ đạt từ 360/410MW. Nếu xảy ra tình trạng sự cố tại các nhà máy nhiệt than mang tính xếp chồng hoặc không đủ than, thậm chí miền Bắc có thể phải thực hiện điều hòa, điều tiết phụ tải.
Theo đại diện EVN, cùng với việc huy động tối ưu các nguồn điện thì việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về truyền tải điện có vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, đường dây 500kV mạch 3 sẽ góp phần tăng cường năng lực truyền tải lưới điện 500kV của hệ thống điện quốc gia, giúp giải tỏa công suất các nguồn nhiệt điện và năng lượng tái tạo trong khu vực, đảm bảo cung ứng điện cho các tỉnh có đường dây đi qua (từ Quảng Bình trở ra).
Cụ thể, mức truyền tải liên miền hiện nay chỉ khoảng 2.200 MW sẽ được tăng lên khoảng 5.000 MW nhờ có đường dây này, từ đó góp phần đảm bảo cung ứng điện cho các tỉnh phía Bắc.
Với yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dự án vận hành, đóng điện vào ngày 30-6 đang đặt ra yêu cầu cấp bách cho EVN và chủ đầu tư trong việc triển khai thi công dự án.
Theo đại diện Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) - chủ đầu tư thực hiện dự án, hiện nay EVN và EVNNPT đang đôn đốc các nhà thầu cung cấp cột thép, vật tư thiết bị còn lại khẩn trương cung cấp đến công trường trong tuần đầu tháng 6 để đáp ứng mục tiêu dựng cột, kéo dây và hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng.
"Đặc biệt, theo chỉ đạo của EVN thì đến nay cả 5 tổng công ty điện lực đã huy động hàng nghìn cán bộ công nhân viên tham gia thi công dự án", đại diện EVNNPT chia sẻ.
Huy động thêm 1.500 nhân lực
Là một trong những đơn vị đầu tiên "điều quân" để cung ứng nhân lực cho dự án đường dây 500 kV mạch 3, đại diện của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho hay ngay sau khi có yêu cầu của lãnh đạo EVN, tổng công ty đã huy động gần 200 kỹ sư và công nhân từ 14 đội xung kích, 13 công ty thành viên cùng ra quân đồng loạt vào ngày 29-5 để "chia lửa" với EVNNPT. Từ đó hỗ trợ hoàn thành dự án đúng tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng.
"Chúng tôi đã tính toán rất kỹ bài toán phân chia nhân lực sao cho phù hợp. Nhóm nào ở nhà đảm bảo công tác vận hành lưới điện, nhóm nào đi tăng cường nhưng phải là lính chiến tinh nhuệ vì thời gian không còn nhiều nữa.
Trước khi các cán bộ lên đường làm nhiệm vụ, lãnh đạo và công đoàn công ty cũng đã gặp gỡ động viên anh em đảm bảo an toàn lao động, giữ gìn sức khỏe và phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chúng tôi sẽ đảm bảo điều kiện tốt nhất cho anh em trong đội xung kích yên tâm hoàn thành nhiệm vụ", đại diện EVNCPC chia sẻ.
Ghi nhận đến chiều 30-5, các tổng công ty điện lực đã đăng ký thêm 46 đội, nâng lên tổng cộng 129 tổ đội với tổng số 1.500 cán bộ nhân viên của ngành điện đã được huy động tăng thêm để hỗ trợ thi công dự án.
Theo đại diện EVNNPT, việc huy động thêm nguồn lực nhằm hỗ trợ các nhà thầu trong bối cảnh gặp khó khăn về việc bố trí nhân lực dựng cột, kéo dây. Trong khi đó, thời gian còn lại là rất ngắn (30 ngày) nhưng khối lượng công việc rất lớn, nhiều nhà thầu thi công móng và cung cấp cột thép còn chậm tiến độ so với yêu cầu của chủ đầu tư.
Tại cuộc họp chiều 29-5, Chủ tịch HĐQT EVN Đặng Hoàng An cũng đề nghị các đơn vị rút kinh nghiệm và cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường nhân lực, tăng thời gian thi công để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công việc.
Đặc biệt, trong bối cảnh thời tiết bất thường như hiện nay, cần bố trí phương án thi công một cách hợp lý, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ dựng cột, kéo dây.
"Với tất cả các vị trí, khi cột thép về đến công trường, cần phải có lực lượng để triển khai dựng cột ngay. Lãnh đạo các nhà thầu thi công cần sát sao hơn với công trường, để có sự chỉ đạo kịp thời các lực lượng thi công bám sát tiến độ cam kết với chủ đầu tư", chủ tịch HĐTV EVN yêu cầu.
Cùng với đó, ông An cũng đề nghị các nhà thầu tham gia dự án cần tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ ở tất cả các khâu, từ cung cấp cột thép, thiết bị, phụ kiện đến công tác thi công trên công trường để kiểm soát tiến độ. Trên tất cả là tinh thần trách nhiệm cùng nhau nỗ lực, hợp sức với quyết tâm cao nhất để đưa dự án về đích đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Hà Tĩnh bàn giao tất cả mặt bằng
Dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu qua Hà Tĩnh dài 141,52km với 285 vị trí móng cột thuộc địa bàn của 9 huyện, thị xã. Dự án được khởi công từ tháng 1-2024, tuy nhiên trước đó UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương tập trung giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công dự án.
Đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đã bàn giao toàn bộ mặt bằng 285 vị trí móng cột, đồng thời đã hoàn thành việc cắm mốc hành lang tuyến cũng như đã thực hiện xong kiểm kê và đẩy nhanh việc đền bù tài sản cho người dân bị ảnh hưởng khi triển khai dự án.
Hiện tại, sau 4 tháng thi công, hình hài tuyến đường dây 500kV mạch 3 qua Hà Tĩnh đã dần hình thành, các nhà thầu đã hoàn thành xây dựng 278/285 vị trí móng; đang đúc 7 vị trí móng cột còn lại; hoàn thành lắp 62 vị trí cột, 57 vị trí cột đang dựng.
Ngày 30-5, ông Dương Thanh Hòa - phó giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - cho biết đến thời điểm hiện tại, việc giải phóng mặt bằng tại Hà Tĩnh còn tồn tại một số vướng mắc nhỏ. Đây là những trường hợp có cây cối, hoa màu nằm trong hành lang tuyến khi triển khai dự án, song một số hộ dân chưa thống nhất phương án đền bù hoặc chưa nhận tiền.
"Hiện UBND tỉnh Hà Tĩnh đang yêu cầu ban giải phóng mặt bằng các địa phương giải quyết dứt điểm, hoàn thành chi trả tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng hành lang tuyến cho đơn vị thi công trước ngày 31-5" - ông Hòa thông tin.
Tất cả vì "tiền tuyến"
Hôm nay 31-5, đội xung kích với hơn 150 thành viên, được chia thành 12 tổ thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), sẽ lên đường.
Trong giai đoạn từ 31-5 đến 30-6, cán bộ, kỹ sư, công nhân EVNHCMC sẽ hỗ trợ dựng trụ 500kV mạch 3, đưa vật tư thiết bị vào vị trí đường dây... với 8 trụ, trong đó có 2 trụ néo thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An.
Sẵn sàng cho 30 ngày phía trước
Anh Võ Tấn Nghĩa, công nhân đội quản lý lưới điện Công ty Điện lực Hóc Môn, cho biết bản thân đã sẵn sàng cho 30 ngày phía trước. Anh rất tự hào khi góp sức vào một dự án trọng điểm của quốc gia.
Còn anh Phan Hoàng Nhân (công nhân kỹ thuật Công ty Dịch vụ điện lực) nói: "Ngay khi nhận được thông tin, bản thân tôi đã chủ động đăng ký với ban giám đốc. Bên cạnh đó, tôi cũng vận động anh em trong đội cùng tham gia. Chúng tôi hy vọng sẽ được mang sức trẻ góp phần vào thành công của dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành đúng tiến độ".
Trước ngày xuất quân, ông Nguyễn Văn Thanh, tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đã có buổi gặp gỡ, động viên đội xung kích. Ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ lãnh đạo đơn vị rất vui mừng vì trong thời gian ngắn đã có rất nhiều anh em đăng ký tham gia.
"Chúng tôi cũng đã liên hệ các đơn vị phối hợp tại địa bàn tỉnh Nghệ An để nắm tình hình. Từ đó chuẩn bị các vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ mọi mặt tốt nhất cho đội xung kích. Tôi cũng chỉ đạo công đoàn và lãnh đạo các đơn vị quan tâm, chăm lo và động viên tinh thần cho anh em", ông Thanh chia sẻ.
Còn Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) Nguyễn Phước Đức ví von đợt ra quân này tất cả vì "tiền tuyến". Theo ông Đức, ngay sau cuộc họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (ngày 29-5), lãnh đạo đơn vị đã trao đổi với 21 công ty điện lực trực thuộc tại các tỉnh phía Nam.
Qua rà soát, đơn vị cử 21 đội và một số cán bộ với tổng nhân sự gần 260 người để tăng cường hỗ trợ. Đội sẽ xuất quân trong hai ngày 30 và 31-5. Đến ngày 2-6 sẽ có tiếp đợt 2 bổ sung nhân sự với hơn 100 người.
Mọi đơn vị đều chung hướng
Tại Nghệ An, dự án đường dây 500kV mạch 3 hiện đang triển khai hai dự án với chiều dài gần 100km. Giữa cái nắng cuối tháng 5 như đổ lửa, hơn 1.200 công nhân và kỹ sư hối hả thi công "ba ca, bốn kíp" xuyên ngày đêm.
Ông Lê Hồng Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho hay tỉnh, chủ đầu tư, nhà thầu đã tập trung giải quyết một số vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi rừng và máy móc thi công.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và đồng lòng của người dân, đến nay Nghệ An đã bàn giao 202/202 vị trí cột, 84/87 khoảng néo. Hiện tại còn 3 khoảng néo chưa bàn giao tại huyện Nam Đàn do đang vướng mắc về xác định nguồn gốc đất đai.
Tỉnh đã thống nhất với chủ đầu tư bồi thường tài sản của người dân, đảm bảo thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ. Trước hết, tỉnh sẽ tập trung vận động người dân bàn giao 3 khoảng néo trước ngày 31-5 để đảm bảo mặt bằng thi công.
"Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục tập trung hỗ trợ chủ đầu tư và các nhà thầu trong công tác dựng cột và kéo dây, góp phần đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ", ông Vinh nói.
Là đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị cho dự án, ông Nguyễn Thanh Phương - chuyên viên dự án của Công ty cổ phần Việt Vương - cho hay theo hợp đồng sẽ cung cấp hai gói linh kiện gồm cụm 74 vị trí (tương đương 10.600 tấn) và cụm 120 vị trí với 12.600 tấn. Đến nay, gói 120 vị trí đã cơ bản hoàn thành nên công ty đang dồn lực cho cụm 74 vị trí, đến nay đã sản xuất xong toàn bộ các thiết bị với nguyên liệu 100% trong nước sản xuất.
Để hỗ trợ nhà thầu, ông Phương thông tin đã điều chuyển toàn bộ công nhân sản xuất sang bộ phận đóng gói để tối ưu hóa vận chuyển. Nhờ vậy, trước đây công nhân đóng kiện 250 - 300 tấn/ngày thì giờ tăng lên 500 - 600 tấn/ngày để tăng khối lượng vận chuyển. Công ty cũng phối hợp với nhà thầu thực hiện dứt điểm các vị trí chưa hoàn thiện, ưu tiên các vị trí đảm bảo điều kiện và yêu cầu cần làm nhanh.
Dù chỉ là đơn vị cung ứng vật liệu nhưng Công ty Việt Vương đã thành lập một đơn vị riêng để hỗ trợ nhà thầu. Đơn vị này trực tiếp điều quân đến hiện trường, kết hợp đơn vị xây lắp để hỗ trợ khi có vướng mắc nhằm hoàn thiện lần cuối.
Các nhân công được cử đi trực tiếp tại hiện trường sẽ được phép "quyết ngay" các công việc mà không cần xin ý kiến cấp trên, nhằm ưu tiên tất cả cho dự án. Theo ông Phương, mặc dù mọi chi phí đều tăng lên nhưng công ty chấp nhận chia sẻ với nhà thầu để hoàn thành tiến độ dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận