Trong khi đó nhiều người dân, doanh nghiệp kêu trời vì mệt mỏi, thiệt hại vì bị cắt điện.
EVN "căng thẳng"
Thông tin cho Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tình hình huy động nguồn điện trong tuần qua rất căng thẳng, sản lượng tiêu thụ điện liên tục lập kỷ lục, việc huy động các nguồn điện, cả điện gió, mặt trời cũng đã thiết lập mức kỷ lục vào ngày 19-5 (115 triệu kWh trong tổng số 923 triệu kWh sản lượng điện). Tổng công suất nguồn được huy động lên tới 44.620 MW.
Như vậy, nguồn điện năng lượng tái tạo này đã chiếm tới 12,5% trong tổng sản lượng các nguồn điện được huy động (4 tháng đầu năm thường ở mức trên 11%).
Theo dự báo, nắng nóng tiếp tục trong những ngày đầu tuần này nên dự báo tiêu thụ điện tiếp tục tăng. Do đó, EVN đã triển khai hàng loạt giải pháp cấp bách để huy động tối ưu các nguồn điện hiện có, đàm phán với các bên liên quan gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) để tăng nguồn cung nhiên liệu than, khí.
Theo EVN, tập đoàn này cũng đã đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy thủy điện Sông Lô 7, Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống.
Tại khu vực phía Nam, thời gian qua các nhà máy nhiệt điện chạy dầu (nguồn điện có chi phí đắt đỏ) như Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ, Cà Mau đã phát lên lưới sản lượng lớn. Các dự án năng lượng tái tạo cũng đang cấp tập được đàm phán giá và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để sớm huy động lên lưới.
Hàng ngàn doanh nghiệp điều chỉnh tiêu thụ điện
EVN cho rằng cần nâng cao ý thức về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đến nay, các tổng công ty phân phối điện của EVN đã lập phương án thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR - tức điều chỉnh nhu cầu điện sản xuất, giảm các giờ tiêu thụ điện vào cao điểm để tăng hiệu quả), đẩy mạnh thực hiện DR tự nguyện phi thương mại trong các tháng 5, 6, 7, 8.
Đến ngày 19-5, toàn Tổng công ty Điện lực miền Nam có 6.521 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm đã đăng ký tham gia chương trình DR. Tổng công ty Điện lực miền Bắc, tính tới giữa tháng 5, có hơn 3.700 doanh nghiệp cam kết tiết kiệm điện trong các thời điểm cao điểm, hạn chế sử dụng thiết bị có công suất lớn.
Tăng nhập khẩu điện
EVN cho hay đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), nhận điện từ các nhà máy thủy điện tại Lào gồm: Nhà máy thủy điện Nậm Kông 2 (66MW) và Nhà máy thủy điện Nậm Kông 3 (54MW).
Đến ngày 15-5, cả hai nhà máy này đã hòa lưới điện và đang thực hiện các hạng mục thử nghiệm trên lưới điện Việt Nam, dự kiến vận hành thương mại trong tháng 5-2023. EVN cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát điện lên lưới nhằm giảm bớt khó khăn về cung cấp điện.
Nguồn điện nào đã hỗ trợ hệ thống điện nhiều nhất?
Theo EVN, nguồn điện huy động nhiều nhất trong "ngày kỷ lục" 19-5 vẫn là nhiệt điện than với 457,7 triệu kWh; tiếp đó là thủy điện với 176,4 triệu kWh; nhiệt điện khí huy động 90 triệu kWh và nhiệt điện chạy dầu 47 triệu kWh, năng lượng tái tạo góp 115 triệu kWh, nguồn nhập khẩu đạt 13,6 triệu kWh, các nguồn khác là 4,4 triệu kWh.
Với việc tháo gỡ khó khăn về cấp nhiên liệu than, khí cho điện, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản gửi PVN và EVN đề nghị các bên trong khả năng kỹ thuật cho phép, điều tiết các nguồn khí cho hộ tiêu thụ công nghiệp khác (như đạm) cho sản xuất điện, đặc biệt vào tháng 5...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận