Phóng viên “Báo Đời” đã có cuộc trao đổi với những “người trong cuộc” về vấn đề được bạn đọc quan tâm này.
PV: - Xin ông cho biết vì sao ngành giáo dục địa phương lại có sáng kiến nổi tiếng kể trên?
- Đại diện lãnh đạo: Hưởng ứng chủ trương giải cứu ngành chăn nuôi lợn, chúng tôi đã vắt óc họp bàn và sau cùng thấy rằng chỉ có biện pháp khoán cho các thầy cô mua thịt lợn là hiệu quả nhất.
* Ông có thể nói rõ hơn? Vì sao lại là thầy cô chứ không phải là các ban ngành khác trong huyện?
- Thứ nhất, thông qua việc này các thầy cô có thể giáo dục cho học sinh hiểu thêm về tinh thần tương thân tương ái trong cuộc sống, thể hiện tinh thần nhân văn và truyền thống tốt đẹp của địa phương và dân tộc. Thứ hai, chỉ có các thầy cô mới có khả năng mua 10 kg thịt lợn trong một tháng…
* Thiết nghĩ thu nhập của nhà giáo không phải là cao, căn cứ vào đâu mà ông nhận định như vậy?
- Đúng là thu nhập không cao, nhưng họ có lợi thế không ngành nào có được. Đó là các thầy cô có thể dựa vào sức mạnh của học sinh và phụ huynh trong mọi vấn đề nan giải (!?). Nhà báo cứ tìm hiểu thực tế sẽ rõ hơn.
Ngay sau đó, phóng viên đã có cuộc trao đổi với một số giáo viên.
* PV: Xin cô cho biết về chủ trương “khoán” mua 10kg thịt lợn một tháng của phòng giáo dục?
- Cô giáo mầm non X.( xin được giấu tên): Chủ trương của trên thì chúng tôi phải chấp hành thôi, dù thấy vô lý.
* Cô đã gặp khó khăn gì khi thực hiện chủ trương này?
- Đương nhiên là mình không thể ăn hết 10kg thịt một tháng, nhất là khi chồng tôi cũng là giáo viên nên số thịt phải mua gấp đôi…
* Vậy thầy cô đã có biện pháp gì ạ?
- À, đành dựa vào phụ huynh thôi. Chúng tôi ngỏ lời với vị hội trưởng phụ huynh lớp về khó khăn của mình. Lập tức họ huy động mỗi người đăng ký mua giúp thầy cô năm lạng, một ký. Vậy là đủ chỉ tiêu.
Tạm biệt cô giáo X., chúng tôi tiếp xúc với một nông dân nuôi lợn tại địa phương để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
* PV: Xin chào bác, nghe nói thời gian qua hộ ta nuôi lợn không tiêu thụ được; nay nhờ chủ trương huy động các thầy cô giáo mua giúp 10 kg/tháng, nên về cơ bản khó khăn đã được giải quyết?
- Đại diện hộ dân: Chẳng giấu gì anh, người dân ở đây ai cũng nuôi lợn và nhà nào cũng có 1-2 con đi học. Vì thế khi có chủ trương nhờ giáo viên mua thịt lợn, thì hội phụ huynh lập tức triệu tập chúng tôi đề nghị mua ủng hộ thầy cô. Chúng tôi bảo, đang bán chưa được còn mua thêm làm gì? Vả lại chủ trương nhờ thầy cô mua là để giải cứu cho chúng tôi, nay lại quay về bảo chúng tôi mua thịt lợn của mình thì… thà đừng giúp còn hơn.
* Vậy cuối cùng vụ việc được giải quyết ra sao ạ?
- À, sau cùng phụ huynh chúng tôi bàn bạc và thống nhất: mỗi người đăng ký mua thịt giúp thầy cô bằng cách trừ vào chỉ tiêu báo cáo số lợn đã bán được của mình…
* ???!!!
- Có nghĩa là từ sự thống nhất của chúng tôi, xã sẽ báo cáo lên huyện rằng: nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của cấp trên, cụ thể là từ phòng giáo dục, số lợn của các hộ trong toàn xã đã được xuất chuồng đáng kể, giúp bà con vượt qua khó khăn, tạo sự phấn khởi và tin tưởng…
* À, ra thế!
Tin giờ chót, khi phóng viên về đến tòa soạn thì được biết công văn kêu gọi giáo viên mua thịt lợn đã bị thu hồi. Dù sao, đây cũng là một cách làm “sáng tạo, thu hút được sức dân và mang tính giáo dục, tính nhân văn cao”, đúng như nhận định ban đầu của lãnh đạo phòng giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận