Tấm huy chương vàng bình dị
Từng có một thời, golf bị xem là môn thể thao "chỉ dành cho doanh nhân giàu có". Những năm gần đây tư tưởng này được cởi bỏ khi hệ thống đào tạo golf trẻ dần hình thành. Việc tuyển golf Việt Nam giành đến 3 huy chương ở SEA Games 32 với đội hình gồm toàn các vận động viên 15 - 18 tuổi là ví dụ rõ nét.
Và riêng thành công của Lê Khánh Hưng còn cho thấy một sự thật khác. Không nhất thiết phải tốn rất nhiều tiền để cho con học golf.
"Từ khi Hưng khoảng 7 tuổi là tôi đã dắt cháu theo ra sân để tập golf. Hưng tập cùng với chị (Lê Hà Châu, cũng từng là một golfer có tiếng). Tất nhiên để chơi golf thì không thể nào nghèo được. Nhưng chi phí không tốn kém quá đâu. Không nhất thiết phải là đại gia mới cho con chơi được", ông Lân kể.
Và với riêng Hà Châu, Khánh Hưng, cả hai may mắn vì có ông Lân là golfer có tiếng trong cộng đồng golf Việt Nam. Ngoài thi đấu, ông Lân còn phụ trách huấn luyện cho hội golf Vũng Tàu. Nên việc huấn luyện Hưng và Châu những năm đầu tập tễnh vào con đường golf nằm trong tầm tay ông Lân.
Nhận thấy tiềm năng của con trai và con gái, ông Lân đưa gia nhập SGA sau đó vài năm. Khánh Hưng thậm chí được miễn học phí nhờ tiềm năng của mình. Nhưng phải đến tận năm 2021, ông Lân mới quyết định cho cậu con trai theo đường golf chuyên nghiệp.
"Đó là giữa cao điểm mùa dịch. Tôi đưa con về Vũng Tàu, nơi mình làm việc. Tôi có lắp thảm tập đánh trong nhà. Và ngày nào Khánh Hưng cũng tập rất chăm, chứ không đơn thuần chỉ để giải khuây. Đó là khi tôi nhận ra rõ ràng niềm đam mê của cậu con trai. Trước đó tôi cũng từng hỏi con muốn làm gì, thì Hưng đều trả lời muốn làm golfer. Cân nhắc rất kỹ, cả gia đình quyết định cho Hưng theo đuổi cuộc đời thể thao", ông Lân kể.
Cho con tập golf không quá tốn kém. Nhưng từ "chơi golf" đến con đường golfer chuyên nghiệp là câu chuyện hoàn toàn khác. Giới chuyên môn từng ước tính rằng ở Mỹ chi phí đào tạo nên một golfer chuyên nghiệp vào khoảng 1 triệu USD. Với những golfer nước ngoài có thể còn tốn kém hơn khi phải đi du học.
Gia đình ông Lân buộc phải đứng trước quyết định: chỉ được chọn một trong Hà Châu và Khánh Hưng. Sau cùng, Hà Châu nhường cậu em Khánh Hưng, còn mình tập trung vào việc học. Thế là sau SEA Games, Khánh Hưng sẽ lên đường sang Mỹ du học.
Anh sẽ gia nhập Học viện golf IJGA, đồng thời học văn hóa tại Trường Monverd ở Florida. Học phí nơi đây lên đến 100.000 USD/năm. Nhờ tiềm năng của mình, Khánh Hưng được nhà trường trao học bổng trị giá 100.000 USD cho 3 năm.
Hy sinh vì con
Nhưng tiền bạc chỉ là một phần. Nếu theo dõi kỹ câu chuyện về các vận động viên hàng đầu, người hâm mộ sẽ biết được rằng đằng sau đó luôn là sự hy sinh của cha mẹ.
Cha của Ariya Jutanugarn (golfer Thái Lan từng lên ngôi số một thế giới làng golf đơn nữ) từng phải thay đổi công việc kinh doanh để đưa hai cô con gái tài năng đi thi đấu các giải quốc tế. Với trường hợp của ông Lê Văn Lân, sự hy sinh còn lớn hơn thế.
Phục vụ trong quân đội, ông Lân công tác trực tiếp ở Tổng công ty Trực thăng (ở Vũng Tàu). Vì vậy, đi nước ngoài là chuyện chẳng hề dễ dàng. SEA Games 32 mới là lần đầu tiên ông Lân đưa con ra nước ngoài thi đấu. Và trước đó vài tháng, ông hoàn tất thủ tục xin nghỉ hưu non.
Tất cả là vì tương lai của Lê Khánh Hưng. Kể từ giờ, anh sẽ có một caddie vừa chuyên nghiệp, vừa quan tâm săn sóc mọi việc. Cần biết rằng ở các giải quốc tế, chi phí thuê caddie lên đến 5.000 USD/giải.
Sẵn sàng hy sinh vì con nhưng ông Lê Văn Lân không muốn Khánh Hưng có cảm giác được bảo bọc. "Ở các giải đấu tôi đều để Hưng tự tay giặt đồ. Tôi cũng không cho Hưng được hưởng thụ quá nhiều thứ, và luôn nhắc nhở con rằng cha mẹ đã phải rất vất vả mới có thể cho hai chị em chơi golf. Trên hết, tôi muốn giáo dục con thành một người giàu tính nhân văn", ông Lân nói.
Buộc phải sang Mỹ vì con đường golf chuyên nghiệp, nhưng khi còn ở Việt Nam, Lê Khánh Hưng cũng là một cậu học trò trường công lập như nhiều vận động viên khác. Anh hiện vẫn đang học ở Trường trung học Trần Quốc Toản (thành phố Thủ Đức).
Trước truyền thông, khi nhận được câu hỏi chơi golf với ước mơ gì, Khánh Hưng trả lời thẳng thắn: "Tôi muốn chơi để kiếm tiền, để hỗ trợ cho gia đình sau này".
Nhờ tiềm năng của mình, Hưng đã được tài trợ dụng cụ, trang phục thi đấu những năm qua. Và giờ đây tấm huy hương vàng SEA Games giúp anh chính thức bước vào hành trình của một golfer chuyên nghiệp. Một hành trình của hai cha con.
Cùng Tuổi Trẻ đi tìm "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32"
1. Nội dung:
Trong mọi sự kiện thể thao lớn, luôn có những câu chuyện hay, nhân văn được chuyển tải đến cộng đồng.
Phóng viên và cộng tác viên Tuổi Trẻ tác nghiệp tại SEA Games 32 sẽ phát hiện, ghi nhận và giới thiệu các câu chuyện truyền cảm hứng tại kỳ đại hội này qua các hình thức như bài viết, chùm ảnh hoặc video trên chuyên mục "Nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32", đăng tải trên các ấn phẩm của báo Tuổi Trẻ.
Sau khi kết thúc SEA Games, dựa trên những tác phẩm đã được đăng tải, ban giám khảo sẽ bình chọn ba (03) nhân vật truyền cảm hứng ấn tượng nhất tại SEA Games 32. Số điểm của ban giám khảo sẽ chiếm 70% và lượt like của bạn đọc dành cho nhân vật sẽ chiếm 30% tổng điểm để quyết định chọn ba nhân vật truyền cảm hứng tốt nhất.
2. Đối tượng bình chọn:
Tất cả những VĐV, HLV, tình nguyện viên, khán giả và những người góp mặt tại SEA Games 32 có câu chuyện truyền cảm hứng phù hợp với tinh thần và giá trị của kỳ đại hội này đều là đối tượng hướng tới của chương trình.
Đặc biệt, "Nhân vật truyền cảm hứng SEA Games 32" không chỉ trong phạm vi đoàn thể thao Việt Nam mà sẽ mở rộng nhân vật và câu chuyện ấn tượng của các đoàn thể thao khác tại đại hội.
3. Giải thưởng:
Ba nhân vật đoạt giải truyền cảm hứng sẽ nhận được phần thưởng từ chương trình trị giá 20 triệu đồng/giải thưởng. Nếu nhân vật truyền cảm hứng đến từ các quốc gia khác trong khu vực, ban tổ chức sẽ mời sang Việt Nam để nhận giải và giao lưu tại lễ trao thưởng cuộc thi "SEA Games 32 trong mắt tôi".
.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận