Phóng to |
Ông Nguyễn Văn Quyền tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27-5 - Ảnh: Nguyên Linh |
Hội đồng xét xử tòa phúc thẩm TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế chuyển hồ sơ cho VKSND thị xã Hương Trà điều tra lại vụ án theo đúng quy định pháp luật.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 20-3-2013, ông Nguyễn Văn Quyền (54 tuổi, trú tại tổ 8, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế, kỹ sư lâm nghiệp) gọi điện cho anh Nguyễn Văn Toàn (làm nghề khai thác rừng) thuê khai thác rừng thông tại tiểu khu 113 núi Kỳ Nam (Hương Hồ). Sau khi thỏa thuận về thời gian và tiền công, ngày hôm sau, Toàn gọi thêm người và thuê xe ôtô tải vào núi Kỳ Nam khai thác, cưa được 60 cây thông, cắt thành khúc. Khi xe chở số gỗ này tập kết ở bãi đất dưới chân núi thì lực lượng chức trách phường Hương Hồ đến lập biên bản, thu giữ tang vật.
Diện tích đất rừng ở tiểu khu 113 được thị xã Hương Trà giao cho vợ chồng ông Bùi Văn Thuận sử dụng từ năm 2008, còn số cây trên đất là tài sản nhà nước do Hợp tác xã nông nghiệp Hương Hồ 2 quản lý. Qua trưng cầu giám định, khối lượng gỗ thông bị cưa trộm là 8,125m3, có giá trị 12.187.000 đồng. TAND thị xã Hương Trà đã tuyên phạt ông Quyền 9 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”.
Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Nguyễn Văn Quyền nhiều lần gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng. Theo ông Quyền, năm 2006, ông nhận chuyển nhượng ba lô đất rừng tại tiểu khu 113 và tiến hành trồng cây. Do đồi núi dốc nên ông chỉ trồng cây đến độ cao 200m trở xuống, phần trên cao để hoang hóa. Đến năm 2012, ông Quyền tiếp tục thuê người khai hoang phần phía trên đỉnh núi.
Thấy phía trên đỉnh đồi (cạnh khu đất mình) có một ít diện tích đất bị bỏ hoang nên sáng 21-3-2013 ông Quyền thuê người vào phát quang, cưa một số cây thông mọc hoang trên đó đưa xuống tập kết dưới chân núi. Ông Quyền cho rằng ông phát quang để trồng rừng cũng giống rất nhiều người dân khác ở địa phương, việc làm công khai không hề lén lút. Thời gian làm đường, cưa cây gần một năm trời nhưng không hề gặp bất cứ một sự cản trở nào, đến khi ông chuẩn bị trồng cây trên đất khai hoang thì bị kết tội trộm cắp tài sản.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Quyền kêu oan. Luật sư Võ Công Hạnh (Công ty luật hợp danh FDVN, thuộc Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) bào chữa cho ông Quyền đã đưa ra các hợp đồng phát quang, trồng rừng và chứng minh ông Quyền không có ý định trộm cắp tài sản. Theo luật sư Hạnh thì đây chỉ thuần túy là một vụ tranh chấp đất đai, vụ việc dân sự đã bị hình sự hóa.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Uẩn, chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hương Hồ 2 (đại diện cho người bị hại) nói rằng HTX Nông nghiệp Hương Hồ được UBND phường giao quản lý diện tích và tài sản mà ông Quyền tự ý phát quang, tuy nhiên không có bất cứ giấy tờ hồ sơ, giao đất giao rừng nào chứng minh việc này. HTX Hương Hồ không có cán bộ bảo vệ rừng, không thường xuyên kiểm tra rừng, Ban quản lý HTX cũng không biết diện tích đất rừng đã cấp cho vợ chồng ông Thuận. Sau khi được cấp đất, vợ chồng ông Thuận cũng bỏ hoang, do đó ông Quyền đã nhầm tưởng rằng đó là đất hoang nên thuê người phát quang trồng rừng và bị truy tố tội trộm cắp tài sản.
Đại diện VKSND tỉnh cho rằng cấp sơ thẩm chưa làm rõ những vấn đề như nguồn gốc đất và cây thông bị chặt phá do ai quản lý? Việc cấp quyền sử dụng đất rừng cho vợ chồng ông Bùi Văn Thuận mục đích gì, trên đất có những tài sản gì, do ai quản lý. Việc bị cáo Quyền thuê người làm đường, chặt cây chính quyền có biết không? Vì sao bị cáo Quyền có đơn khiếu nại kết quả định giá tài sản nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng thị xã Hương Trà không giải quyết theo đúng luật định. Đại diện VKSND tỉnh đề nghị tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.
Theo hội đồng xét xử phúc thẩm, tòa cấp sơ thẩm chưa định giá để xác định tổng thiệt hại; việc điều tra xác minh loại rừng bị thiệt hại chưa rõ, xác định tư cách tham gia tố tụng (người bị thiệt hại trong vụ án) chưa có căn cứ; các tài liệu quan trọng liên quan đến vụ án chỉ là tài liệu photo, không có công chứng chứng thức của cơ quan có thẩm quyền, việc thu thập các tài liệu trên của cấp sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và việc điều tra không đầy đủ.
Tốt nghiệp ngành kỹ sư lâm nghiệp, Đại học Nông lâm Huế, ông Nguyễn Văn Quyền được bố trí làm việc tại Lâm trường Tiền Phong (Thừa Thiên - Huế). Làm việc được hơn 10 năm, ông xin nghỉ việc trở về quê trồng rừng. Đến nay ông đã trồng được hơn 30ha rừng để phục vụ sinh kế, phủ xanh đất bạc màu và đồi trọc. Ông Quyền từng nhiều lần tố cáo những tiêu cực của cán bộ ở địa phương, trong đó năm 2010 ông đã tố cáo những sai phạm ở dự án thủy lợi tây nam Hương Trà. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận