Cái áo cái quần cũng tự mua tự giặt, lâu lắm không có bữa ăn với gia đình. Vài lần đạp xe ngang qua cổng trường phổ thông, nhìn thế giới các bạn ở đó cao sang hơn thế giới bạn bè xung quanh mình. Em từng sợ ánh mắt mọi người nhìn mình với ý nghĩ: học sinh GDTX chắc là quậy lắm! Có mấy ai thấu hiểu cảnh ngộ của mình...”.
Đó là tâm sự của bạn Phan La Văn, học sinh lớp 11A1 Trung tâm GDTX Q.3, TP.HCM. Văn là một trong số nhiều nhân vật trong loạt bài ba kỳ “” trên Tuổi Trẻ (số ra từ ngày 30-4 đến 2-5).
Văn tìm được công việc chỉnh nhạc làm từ 13g30-21g30, học bài đến 24g để hôm sau đến lớp. Mỗi tháng Văn được trả công 1,5 triệu đồng. Trong lớp của Văn, một phần tư số bạn vừa học vừa tự kiếm sống như thế. Nhiều trung tâm khác có những bạn bán vé số, chạy bàn, làm công nhân xí nghiệp và cả làm ôsin giúp việc nhà...
Những số phận trẻ và nhỏ nhoi nhưng đầy nghị lực trong “Vươn lên từ lớp học đêm” đã mở cổng trường GDTX, mở ra cho cuộc sống thấy ở trong đó là một thế giới đầy ắp yêu thương và nghị lực từ những bạn trẻ tuổi 13-18, cái tuổi mà với nhiều bạn trẻ khác còn được cha mẹ đón đưa, chăm chút cho bữa ăn trưa, ly nước buổi tối học bài.
Ở đó có những hôm quá nhọc nhằn, suốt ngày đến lớp chỉ với một ổ bánh mì, nhiều bạn nhỏ vì đói, vì thương thân phận mình đã bật khóc. Những bàn tay nhỏ khác đồng cảnh ngộ chìa ra, cùng dìu nhau đứng dậy... Lại ngày đi làm, đêm đi học, lầm lũi thân phận nhưng kiêu hãnh nghị lực.
Đã có nhiều bạn trẻ từ lớp học đêm đi vào đại học. Nhưng có nhiều bạn đành dừng lại trước cổng giảng đường vì trở ngại học phí, tiền nhà trọ. Nhưng họ không dừng lại, họ rẽ sang ngả học nghề, tìm cho mình một nghề nghiệp đủ sống đường hoàng, đĩnh đạc. Ở cái tuổi tưởng chừng ăn chưa no lo chưa tới, các bạn nhỏ đã tự quy hoạch, vẽ bản đồ và kiên cường xây đắp cuộc đời mình bằng những giọt mồ hôi nhọc nhằn đáng kính trọng.
Ở đó, các bạn nhỏ không bỏ cuộc. Nhiều bạn đang học trường phổ thông, chứng kiến cảnh mẹ cha nhọc nhằn đã tự nghỉ học để đi làm ban ngày, học bổ túc ban đêm. Nhiều bạn từng có gia đình khá giả nhưng do biến cố gia đình, vẫn ngoan cường tự đi làm kiếm tiền ăn học...
Câu chuyện của các bạn “Vươn lên từ lớp học đêm” là bài học đẹp cho cuộc sống. Nó giúp những bạn trẻ đang được nuôi dạy và bảo bọc tốt nhìn lại mình. Có quá nhiều bạn trẻ hiện có điều kiện tốt nhưng phung phí tuổi trẻ và tiền bạc vào những trò vô bổ, lơi lỏng học hành.
Hằng năm, ở TP.HCM có hàng chục ngàn sinh viên bỏ học, phần lớn rơi vào chơi game online và cá độ. Rất nhiều bạn khác vẽ ra đủ lý do để moi tiền cha mẹ (mà lắm bậc phụ huynh đầu tắt mặt tối, vay đầu làng cuối xóm). Số khác, dù chưa sa đà, hư hỏng nhưng vẫn thản nhiên nhận đồng tiền mồ hôi nước mắt của mẹ cha mà không thấy được gian nan của đấng sinh thành, nghĩ đó là hiển nhiên, là bổn phận của cha mẹ.
Ông bà ta có câu “hữu khổ thành thân”, có khổ cực mới nên người. Chúng ta đều mong ai ai cũng sung sướng, cũng qua khỏi gian nan. Nhưng cuộc sống trên thế gian này làm gì thôi hết gian nan? Duy chỉ có điều tin chắc: chính những bạn trẻ đầy nghị lực kia sẽ có tương lai tốt đẹp, dù có thể sau này họ chưa giàu có, nhưng chắc chắn họ là người luôn làm chủ được cuộc đời mình một cách tự tin, đĩnh đạc, như cách họ tặng cho cuộc sống câu chuyện “Vươn lên từ lớp học đêm” hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận