Đây là kết luận công trình khoa học mới nhất do các nhà khoa học Anh và Mỹ hợp tác tiến hành, trong đó tập trung nghiên cứu các thói quen hút thuốc lá nhằm phát hiện sự hủy hoại hiện hữu của ADN.
Nghiên cứu trên có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Viện Wellcome Trust Sanger của Anh và Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ và được đăng tải trên tạp chí "Science" số ra ngày 3-11.
Công trình này tập trung phân tích các khối u, qua đó đưa ra phép tính chính xác đầu tiên về những tác động của việc hút thuốc lá đối với gien của tế bào phổi và tế bào của các bộ phận khác của con người không bị phơi nhiễm trực tiếp bởi khói thuốc lá.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích và so sánh hơn 5.000 khối u của cả những người hút thuốc và chưa bao giờ hút thuốc. Sau đó, họ phát hiện một số dấu hiệu của phân tử đột biến trong ADN của người hút thuốc và tính ra số lượng đột biến ở các khối u khác nhau.
Đối với các tế bào phổi, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng hút thuốc lá trung bình 1 bao mỗi ngày trong 1 năm sẽ gây ra 150 đột biến ở trong mỗi tế bào của cơ quan làm nhiệm vụ hô hấp này. Nguy hiểm hơn là mỗi biến đổi này đồng nghĩa với việc người hút thuốc có nguy cơ cao bị ung thư do gien bị hủy hoại.
Trong khi đó, các bộ phận khác của cơ thể cũng chịu hậu quả. Theo đó, thói quen tai hại trên còn khiến người hút thuốc phải hứng chịu mỗi năm trung bình 97 đột biến trong mỗi tế bào thanh quản, 39 đột biến trong bạch hầu, 23 đột biến cho miệng, 18 đột biến bàng quang và 6 đột biến trong mỗi tế bào gan.
Phát hiện mới cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa số điếu thuốc được tiêu thụ trong đời người với số lượng ADN đột biến của các khối u ung thư. Tỷ lệ đột biến cao nhất thường rơi vào các trường hợp bị ung thư phổi, bao gồm bàng quang, gan và cổ họng.
Điều này cũng giải thích tại sao hút thuốc lá còn gây ra nhiều loại ung thư khác ngoài ung thư phổi. Theo các nhà nghiên cứu, mỗi điếu thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học khác nhau, 70 loại trong số này được biết đến là chất gây ung thư.
Nhà nghiên cứu Ludmil Alexandrov thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos cho biết trước đây, đã có nhiều bằng chứng chứng minh mối liên quan giữa hút thuốc lá và ung thư, song nghiên cứu trên đã giúp con người có thể quan sát và xác định số lượng các biến đổi phân tử trong mỗi ADN.
Bên cạnh đó, với nghiên cứu này, các nhà khoa học còn xác định rõ số lượng điếu thuốc có thể gây ra khối u.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá đã cướp đi sinh mạng của khoảng 6 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Nếu thói quen này không được loại bỏ, sẽ có hơn 1 tỷ người chết liên quan đến thuốc lá trong thế kỷ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận