Giữa đường kẹt xe, một người hút thuốc, hàng chục người hứng khói (ảnh chụp trên đường Hoàng Văn Thụ, TP.HCM) - Ảnh: Q.Đ.
Đi khắp Việt Nam, nơi nào cũng rất dễ bắt gặp một ai đó đang hút thuốc. Phong trào không hút thuốc nơi công sở, bệnh viện... đã được phát động rồi tái khởi động bao lần. Thế nhưng đâu vẫn hoàn đấy, ai sặc khói thuốc cứ sặc, ai thèm thuốc cứ rít.
Một người hút, bao người chịu đựng
Đang lái xe cũng hút thuốc, ngồi quán ăn uống, đưa con cháu đi dạo công viên hay nhà sách... cũng hút thuốc. Một mình hút thuốc, ngồi cùng phụ nữ, trẻ em, người già... cũng với điếu thuốc trên tay và nhả khói, vứt tàn thuốc mọi lúc, mọi nơi.
Theo Trung tâm Giáo dục và truyền thông y tế (Bộ Y tế), khoảng 50% nam giới, 5% phụ nữ sử dụng thuốc lá (tương đương 18 triệu người).
Cứ hai người trên 15 tuổi thì có một người hút thuốc lá, 8 triệu người hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, 47 triệu người không hút thuốc ở Việt Nam thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá tại những khu vực khác như tại nhà, hàng quán... Hằng năm có 40.000 người chết có nguyên nhân hàng đầu và thứ nhì vì hút thuốc lá.
Dù theo Luật phòng chống tác hại thuốc lá năm 2012, công dân đủ 18 tuổi mới được mua thuốc lá nhưng người trẻ hơn mua và hút thuốc ngày càng nhiều.
Được biết ngành thuốc lá đóng góp 3% trong GDP mỗi năm, thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá tăng từ 75-80-85% từ năm 2019 đến 2021, nhưng lượng người tiêu thụ mỗi ngày không vì thế mà giảm đi. Giá thuốc lá bán lẻ vẫn rẻ hơn so với các nước.
Sự ra đời của điều luật cấm quảng cáo thuốc lá và nhiều kiểu tuyên truyền hầu như không tạo nên bất cứ ảnh hưởng nào đến ý thức của những người hút thuốc. Bạn tôi nói rằng chị giận run người khi một người đàn ông phà khói thuốc lên đầu tóc và người chị khi lướt qua chỗ gia đình chị đang ngồi trong quán ăn.
Hành động này phổ biến đến mức khó giải thích được vì sao người hút thuốc lá lại tự nhiên phun khói vào người khác như thế! Nhiều người vừa chạy xe máy vừa ngậm điếu thuốc đang cháy, ngã tư đường, dừng đèn đỏ, một người phì phèo thuốc, hàng chục người hứng khói.
Pháp luật: như chưa từng có
Công sở, bệnh viện, trường học... là những nơi cấm hút thuốc lá nhưng có mấy nơi giữ nghiêm được chuyện này?! Ngay cả quy định một nơi riêng phù hợp cho người hút thuốc (ít ảnh hưởng người khác) cũng không có.
Mùi thuốc lá len lỏi ở công sở. Tại bệnh viện cũng không khó tìm thấy người hút thuốc. Tàn thuốc bỏ vào chậu cây, thùng rác, miệng cống, trên đường... lắm khi còn chưa kịp dụi tắt.
Các hình thức phạt tài chính hiện ở mức 100.000 - 300.000 đồng cho việc vi phạm khi hút thuốc ở những nơi cấm hút thuốc (*). Mức phạt này chẳng đủ để khiến ai ngừng lại một giây đắn đo trước khi đốt thuốc nơi công cộng.
Giá mà chế tài của nước ta rạch ròi, mạnh tay như ở Singapore, Úc, Đài Loan, Anh... Vì sao công dân các nước khác chấp hành nghiêm chỉnh các điều luật? Bởi họ nhẩm tính số tiền phải nộp phạt lên đến vài ngàn/triệu đồng (đơn vị tiền tệ của nước sở tại), vài tháng lao động công ích, lý lịch xấu... thì không đáng để thỏa mãn cơn thèm thuốc ở chốn bị cấm.
Bao nhiêu người tuyệt đối tuân thủ không hút thuốc trong nhà, ngoài vườn và cả những nơi có trẻ con, phụ nữ, người già ở nơi công cộng? Bao nhiêu người đang phải chịu đựng trước hành vi coi thường sức khỏe người khác? Luật đã có rồi sao nữa?
Nếu cho rằng "không có người xử phạt" thì bao giờ giảm độc hại từ khói thuốc? Chấp hành luật pháp, trước tiên, từng công sở, bệnh viện, trường học có nội quy "không hút thuốc" và thực hiện nghiêm. Từng người hút thuốc phải hiểu mình chỉ được phép hút ở những nơi không cấm và không làm phiền người khác.
Thật đáng buồn, người hút thuốc vẫn đang được tạo thuận lợi để nhả khói mọi lúc mọi nơi, trong khi số đông người khác phải chịu tổn hại vì họ. Và pháp luật liên quan đến hành vi mua - bán và hút thuốc lá vẫn bị xem như... chưa từng có!
(*) Theo Luật phòng chống tác hại thuốc lá, những nơi không được hút thuốc lá gồm:
- Trong nhà và phạm vi khuôn viên: bệnh viện, trạm y tế, trường học, nơi chăm sóc, vui chơi dành riêng cho trẻ em, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao.
- Trong nhà tại cơ quan, công sở, nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng: công viên, sân bay.
Sao bắt người khác chịu đựng?
Hàng triệu người vẫn vô tư nhả khói ở bất kể chốn nào. Họ có thể biết mình đang phạm luật hay không? Và họ cũng chẳng quan tâm mấy về việc mình đang đầu độc người khác. Nhiều người khi bị yêu cầu tắt thuốc lá hoặc bị nhắc nhở khi nhả khói vào người khác còn tỏ thái độ gây hấn, thách thức. Vì sao?
Làn khói trắng có thể tản đi rất nhanh, song mùi và hơn 60 loại chất độc khác thì không dễ biến mất. Chúng bám vào quần áo, tóc, mặt mũi... của người đi lướt qua hành lang, khẽ chạm vào khóm cây và dĩ nhiên ám vào phổi.
Nguy hại của thuốc lá ai cũng biết nhưng mặc kệ. Người hút thuốc vẫn nghĩ đó là chuyện của riêng mình, ai làm nấy chịu. Nhưng còn những người hút thuốc lá thụ động thì sao? Sao họ phải mắc bệnh vì những cơn nghiện thuốc lá của người khác?
Và vì sao cộng đồng vẫn cứ im lặng chịu tổn hại sức khỏe từng giờ, từng ngày vì khói thuốc lá?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận