Lớp dạy nấu ăn của Betoaji tại Tokyo được tổ chức ngày 11-2-2019 (mùng 6 Tết Kỷ Hợi) - Ảnh: H.H.
Điều lớn lao mà dự án mang lại cho tôi chính là sự động viên và truyền cảm hứng từ các anh chị du học sinh, giúp tôi quyết chí phải học thành tài
Sinh viên MÃ VĂN SÒNG
"Betoaji" là viết tắt của cụm từ tiếng Nhật "Betonamu-no-aji" nghĩa là "Hương vị Việt". "Sống để chia sẻ, sống để yêu thương" là khẩu hiệu và cũng là phương châm hoạt động của tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận này.
Dạy món Việt trên đất Nhật
Là một trong những người khởi xướng chương trình, chị Nguyễn Thu Hồng cho biết: "Một lần, nhìn thấy trẻ em Tây Bắc thiếu quần áo mặc trong cái giá rét của mùa đông, tôi nghĩ cần có cách nào đóng góp cho các em". Sau đó khi du học ở Nhật, hình ảnh trẻ thiếu áo ấm vẫn theo đuổi Thu Hồng và cô nảy ra ý tưởng gây quỹ.
Cách tạo quỹ ban đầu là hằng tháng tổ chức chương trình dạy nấu món ăn tết cho các bạn Việt Nam tại Tokyo. Thu Hồng có thêm sự trợ lực của em gái Nguyễn Thu Hoài, cũng đang du học tại Nhật và anh Quý - một người bạn. Tất cả lợi nhuận từ lớp học được gửi về Việt Nam hỗ trợ trẻ em nghèo.
"Sau những chương trình bước đầu đó, trong một bữa sinh hoạt của nhóm học thuật y sinh tại Nhật, mình tiếp tục trình bày dự án và hướng làm trong tương lai. Không hiểu tại sao tôi lại khóc òa. Chắc vì thương mà rất nhiều bạn cùng tham gia với chúng tôi" - Hồng chia sẻ.
Từ đó, mỗi tháng các bạn có một chuyên đề dạy hai món ẩm thực Việt Nam như phở, nem rán, bún chả, bún bò Huế, bánh bột lọc, bánh bèo, chè đậu xanh... với học viên là người Nhật và người nước ngoài đang học tập, sinh sống tại Nhật.
Các du học sinh Việt Nam ở những tỉnh thành khác tại Nhật cũng đã tiếp nối, mở thêm chi nhánh tại nơi các bạn đang theo học. Đến nay, Betoaji đã có 10 chi nhánh, cùng kết nối giao lưu văn hóa và gây quỹ. Từ đó, nhiều dự án chăm lo cho các học sinh khó khăn đã được thực hiện tại Việt Nam.
Bạn Nguyễn Phương Hồng Hạnh, học thạc sĩ, ra trường và ở lại làm việc cho một doanh nghiệp tại Nhật, là thành viên ban đối nội của Betoaji, kết nối và hỗ trợ các chi nhánh, cho biết qua bảy năm đã có hơn 550 tình nguyện viên tham gia chương trình này.
Một thành viên khác, bạn Hải Ly, từng du học thạc sĩ chuyên ngành toán tài chính tại Đại học Tokyo, nói: "Tại Nhật, Betoaji góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, ẩm thực và con người Việt Nam tới bạn bè Nhật Bản và quốc tế. Còn tại Việt Nam, Betoaji hỗ trợ về mặt tinh thần và cuộc sống để các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục tới trường".
Truyền cảm hứng
Trung bình một lớp học có 17-20 người, có cả những bà mẹ dẫn theo con nhỏ để cả hai hiểu thêm văn hóa ẩm thực Việt Nam. Trong quá trình chế biến món ăn ở vùng đất không phải nguyên liệu Việt nào cũng có, các tình nguyện viên đã suy nghĩ và sáng tạo. Như làm món bánh bèo Huế, các bạn đã luộc bánh phồng tôm cho rã ra để lấy bột chia vào các chén nhỏ rồi mới cho nhân vào. "Có những loại nguyên liệu không có sẵn tại Nhật, do vậy chúng tôi chế cho phù hợp. Cái khó ló cái khôn là vậy" - bạn Mai Ngọc Anh Vũ, thành viên của dự án, dí dỏm nói.
Mỗi năm dự án trích ra vài trăm triệu đồng để thực hiện các hoạt động xã hội tại Việt Nam. Các bạn chia sẻ với các dự án cơm có thịt, chữa răng, hỗ trợ sách giáo khoa và trao học bổng cho học sinh nghèo các vùng miền. Đặc biệt, các bạn thành lập "Quỹ khuyến học" cho các học sinh huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Sau gần bảy năm, nhiều học sinh nay đã là sinh viên, có bạn đã đi làm, lập gia đình...
Bạn Mã Văn Sòng, sinh viên ngành quản trị kinh doanh ĐH Tây Nguyên, được hỗ trợ từ khi còn là học sinh lớp 8. Nhà Sòng có năm anh em, Sòng lớn nhất nên muốn học để làm gương cho các em, ba mẹ làm rẫy nên cuộc sống khá chật vật.
"Từ khi được dự án hỗ trợ học phí cho đến tận bây giờ, điều lớn lao hơn nữa với tôi chính là sự động viên và truyền cảm hứng từ các anh chị du học sinh, giúp tôi quyết chí phải học thành tài. Chỉ có học tốt mới đổi thay cuộc đời mình và giúp các em mình tiến lên" - Sòng nói.
Còn Trần Thị Huyền Trang, ba mất do tai nạn giao thông, mẹ phụ sửa quần áo nuôi hai chị em ăn học vất vả, nhờ sự trợ sức của dự án, Trang đã học xong chương trình CĐ dược ở Đà Nẵng và hiện đã đi làm ở một phòng khám. "Cuộc sống của mình ổn định rồi. Giờ mình sẽ giúp mẹ nuôi em gái ăn học, dần thoát cảnh khó nghèo" - Trang chia sẻ.
Tết Nguyên đán vừa qua, các chi nhánh của Betoaji mở khóa dạy nấu ăn và trang trí mâm ngũ quả, giới thiệu bánh chưng cùng các món ăn truyền thống của tết Việt đến bè bạn quốc tế.
Đến nay, Betoaji đã mở được hơn 200 lớp học nấu ăn, thu hút hơn 5.000 khách là người Nhật và các nước khác tham gia. Hơn 100 món ăn, thức uống của người Việt thường dùng ngày lễ, tết và bữa cơm gia đình đã được giới thiệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận