Trung tâm điều hành thông minh do VNPT xây dựng tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: THANH HÀ
Với khả năng cung cấp thông tin, phân tích dữ liệu..., IOC giúp các nhà lãnh đạo có thể chỉ đạo điều hành trên thiết bị di động ở mọi lúc mọi nơi. Nền tảng quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia này là một sản phẩm hoàn toàn "Make in Vietnam".
Điều hành bằng điện thoại di động
Đầu tháng 3-2021, tỉnh Bắc Kạn đưa vào vận hành trung tâm điều hành thông minh. Đây là 1 trong hơn 30 trung tâm điều hành thông minh do Tập đoàn VNPT triển khai xây dựng tại các tỉnh thành trong cả nước. Lý giải về nỗ lực của tỉnh trong việc sớm xây dựng và đưa IOC vào hoạt động, ông Phạm Duy Hưng - phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn - cho biết tỉnh xác định tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền.
"Việc đưa IOC đi vào hoạt động đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh" - ông Phạm Duy Hưng nói.
Theo các chuyên gia công nghệ, với những giá trị thiết thực mà IOC mang lại, các trung tâm này được ví như "bộ não số" của các địa phương với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh trên mọi lĩnh vực.
"Có thể nói, một trong những đột phá của giải pháp IOC của VNPT là khả năng cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành trên nền tảng thiết bị di động giúp các nhà lãnh đạo có thể dễ dàng quản trị điều hành mọi nơi mọi lúc. Từ đó, việc ra quyết định sẽ nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành quản lý công việc" - ông Phạm Đức Long, chủ tịch Tập đoàn VNPT, nhìn nhận.
Ngoài ra, theo ông Huỳnh Quang Liêm - quyền tổng giám đốc VNPT, với việc tích hợp thông tin, số liệu của nhiều lĩnh vực hoạt động được thể hiện trực quan, sinh động, được kỳ vọng không chỉ hỗ trợ các cấp lãnh đạo chính quyền trong điều hành, IOC sẽ giúp tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền, góp phần tăng cường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.
"Đây thực sự là bước đi quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số theo quyết tâm của Chính phủ" - ông Liêm nhấn mạnh.
Hệ sinh thái chính quyền số
Năm 2020 ghi dấu ấn của Việt Nam trong chiến lược chuyển đổi số. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc trong 193 quốc gia từ năm 2014 - 2020 đã tăng 13 bậc (từ xếp hạng thứ 99 lên 86).
Ông Phạm Đức Long chia sẻ: "Để sẵn sàng đón đầu lộ trình chuyển đổi số quốc gia, VNPT đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp trong hệ sinh thái chính quyền số của mình. Với vai trò tiên phong, dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua Tập đoàn VNPT đã đồng hành cùng Chính phủ và các bộ, ngành trong nhiều hệ thống công nghệ thông tin nền tảng quốc gia quan trọng như Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...".
Đến nay, các sản phẩm công nghệ thông tin, chuyển đổi số của VNPT đã triển khai tại 60/63 tỉnh, thành phố và tham gia tư vấn đô thị thông minh cho trên 40 tỉnh, thành phố...
Doanh nghiệp công nghệ số là chủ lực
Đánh giá về vai trò của các doanh nghiệp công nghệ trong nước trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhìn nhận: "Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó vươn ra thị trường toàn cầu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận