Đó là nội dung theo quyết định số 876 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải.
Khai trương hãng taxi thuần điện
Ngày 14-4, Công ty CP Di chuyển xanh và Thông minh (Công ty Xanh SM) đã khai trương dịch vụ taxi thuần điện đầu tiên ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thanh - giám đốc Công ty Xanh SM - cho biết hãng này sẽ triển khai tại ít nhất năm tỉnh thành lớn ở Việt Nam và đang đàm phán với một số đối tác ở Đông Nam Á để mở rộng dịch vụ với mục tiêu đưa khoảng 10.000 taxi điện ra thị trường. Giai đoạn đầu Xanh SM đưa vào sử dụng 500 xe GreenCar và 100 xe LuxuryCar tại Hà Nội, tiếp đó sẽ đưa mẫu VF 5 Plus vào vận hành.
Theo ông Thanh, lượng xe Xanh SM tham gia thị trường sẽ nâng chất lượng dịch vụ của toàn ngành taxi như Vinbus đã làm trước đây. "Chúng tôi sẽ nâng dịch vụ lên chất lượng cao nhất, khi đó các hãng khác bắt buộc phải nâng cao dịch vụ để cạnh tranh", ông Thanh cho hay.
Ông Thanh cũng cho biết những năm đầu tiên, giá cước đảm bảo cạnh tranh và không cao hơn những hãng taxi khác, thậm chí còn thấp hơn ở một sống quãng đường.
Giá mở cửa cho 1km đầu tiên của GreenCar là 20.000 đồng. Với 24km tiếp theo, giá cước đối với xe VF 5 Plus là 14.000 đồng/km, còn xe VF e34 là 15.500 đồng/km. Từ km thứ 26 trở đi, giá cước lần lượt là 12.000 đồng/km đối với VF 5 Plus và 12.500 đồng/km đối với VF e34. Mức giá dịch vụ xe cao cấp LuxuryCar cố định 21.000 đồng/km cho toàn bộ hành trình.
Tại lễ khai trương, ông Nguyễn Mạnh Quyền - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - khẳng định việc triển khai dịch vụ taxi điện tại Hà Nội là thực hiện cam kết của Việt Nam trong giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. "Taxi điện là một trong những giải pháp tiên tiến, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đồng thời tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí cho người dùng", ông Quyền nêu rõ.
Xu hướng tất yếu
Ông Nguyễn Công Hùng - chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - nhận định với giá xăng dầu ngày càng đắt đỏ, ô tô điện thân thiện với môi trường sẽ trở thành xu thế tất yếu.
Qua nghiên cứu, Hiệp hội Taxi Hà Nội thấy ô tô điện vừa giảm thiểu tác động đến môi trường vừa có ưu thế hơn xe chạy xăng, dầu như: không cần thay nhớt, nước làm mát; không có tiếng ồn động cơ... Nếu dùng ô tô điện, các doanh nghiệp taxi sẽ tiết kiệm được một khoản lớn chi phí vận hành.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang taxi điện sẽ vấp phải hai rào cản chính. Thứ nhất là hạ tầng trạm sạc. Nếu ô tô điện cá nhân thiếu trạm sạc một phần thì doanh nghiệp taxi điện "khát" trạm sạc gấp hàng chục lần. Thời gian hoạt động của taxi điện là 24/7, quãng đường di chuyển dài, phải dừng, đỗ, đón trả khách tại nhiều địa điểm trong một ngày nên cần sạc điện nhiều lần tại nhiều địa điểm.
Rào cản thứ hai là khả năng tài chính của doanh nghiệp khi giá một chiếc ô tô điện cao gấp 1,5 - 3 lần ô tô thông thường. Để sớm chuyển đổi sang taxi điện, Nhà nước cần áp dụng những cơ chế, chính sách ưu đãi doanh nghiệp sử dụng loại xe này.
Cần trợ giá xe buýt cho doanh nghiệp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho rằng việc chuyển đổi xe buýt chạy diesel sang xe buýt điện không khó làm, quan trọng là phải có đủ nguồn lực.
Hiện xe buýt điện loại Vinbus khai thác tại Hà Nội và TP.HCM có giá khoảng 7 tỉ đồng/xe. Trong vòng đời 10 năm hoạt động xe sẽ cần chi phí thay pin khoảng 2 tỉ đồng, tổng cộng cần 9 tỉ trong 10 năm. Trong khi xe buýt diesel sức chứa tương đương có giá hơn 2 tỉ, tính cả chi chi phí bảo dưỡng, sửa chữa trong vòng đời 10 năm là khoảng 3 tỉ đồng. Do xe buýt hiện vẫn là dịch vụ công ích mang tính phục vụ nên lợi nhuận rất ít.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều nước đã trợ giá mua xe cho doanh nghiệp khai thác xe buýt hoặc trợ giá cho nhà sản xuất xe buýt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận