Tham gia chiến dịch Mùa hè xanh với các hoạt động có ích cho cộng đồng là cách để các bạn trẻ rèn luyện, trưởng thành và hoàn thiện bản thân - Ảnh: Q.LINH |
Nhiều nhà tâm lý, giáo dục khi tìm cách giải mã cho câu chuyện phạm tội ở lứa tuổi 20 đã nhìn nhận đặc điểm tâm sinh lý của những người trong độ tuổi này là khỏe mạnh, giàu cảm xúc, mạnh mẽ, quyết liệt, nhưng lại xốc nổi thiếu chín chắn, thiếu kinh nghiệm, khả năng làm chủ kém, liều lĩnh, lý trí bị tình cảm lấn át và điều đó dễ dẫn đến những hành vi tàn độc, nguy hiểm. Ở lứa tuổi này cần phải có sự định hướng đúng đắn.
Theo tôi, bên cạnh những giải pháp mang tính gốc rễ thì cần 4 giải pháp trực tiếp có thể làm giảm bớt nguy cơ gây ra hành vi nguy hiểm ở những người trẻ này:
1 Phải ngăn ngừa lối sống thực dụng. Không ít cha mẹ cho rằng độ tuổi 20 có đủ hiểu biết và cách ứng xử với các mối quan hệ bên ngoài nên việc can thiệp cũng không có nhiều tác dụng.
Tuy nhiên, ở lứa tuổi này rất dễ chạy theo lối sống thực dụng, dễ xâm nhập vào các thói hư tật xấu, các tệ nạn xã hội và khi bất lực dễ dẫn đến tâm lý liều mạng, bất chấp mọi thủ đoạn để thực hiện mục đích của mình.
Vì vậy, tuổi 20 dù đang sống cùng cha mẹ hoặc lập gia đình riêng thì nhất thiết cha mẹ - những người có kinh nghiệm - vẫn phải thường xuyên nhắc nhở, giáo dục, uốn nắn, điều chỉnh các em trong lối sống.
2 Tránh sự uất hận, thù hằn.Tuổi 20 cũng là độ tuổi thiết lập nhiều mối quan hệ đa dạng, trong đó có mối quan hệ tình cảm. Với kinh nghiệm còn non nớt, thiếu chín chắn nên những người trẻ này thường theo đuổi đến cùng trong quan hệ tình cảm, nhất là tình yêu nam nữ.
Họ sẵn sàng làm mọi giá để có được người mình yêu, thậm chí khi bị ngăn cản thì sẵn sàng tự tử hoặc sẵn sàng giết chết tình địch mà không lường trước được hậu quả.
Vì vậy, sự hận thù ở lứa tuổi này rất nguy hiểm, nếu như các em không được cha mẹ, nhà trường, xã hội giáo dục, tuyên truyền để hình thành kỹ năng cần thiết nhằm quản lý, kiểm soát cảm xúc và hành vi thì hậu quả đáng tiếc dễ xảy ra.
3 Tránh tạo cảm giác bất lực. Mong muốn nhưng không làm được dẫn đến bất lực thường thấy ở độ tuổi này. Khi bất lực sẽ dẫn đến bất mãn, suy nghĩ nông cạn hoặc luẩn quẩn, liều mạng. Không ít thanh niên độ tuổi này học hành dở dang hoặc thiếu hiểu biết về pháp luật dễ dẫn đến vi phạm một cách không tự giác.
Có những người vì nợ nần, túng thiếu kèm theo không tìm được việc làm, từ đó dễ bị lôi kéo hoặc làm liều (giết người, cướp của) mà vi phạm pháp luật. Do đó, tạo công ăn việc làm cho thanh niên là điều rất cần thiết, nhất là thanh niên nông thôn.
Bên cạnh đó, người lớn cũng như các tổ chức xã hội nên thường xuyên tư vấn, hỗ trợ tâm lý cũng như trang bị cho những người trẻ này các kỹ năng cần thiết khi phải đối mặt với những khó khăn, thất bại trong cuộc sống.
4 Tạo nhiều cơ hội để người trẻ cống hiến. Tuổi 20 được xem là lứa tuổi dám nghĩ dám làm, sẵn sàng xông pha đến những vùng khó khăn gian khổ trên mọi miền đất nước để làm công tác tình nguyện, lên đường nhập ngũ, cống hiến hết mình cho đất nước...
Xã hội, nhà trường, gia đình hãy chung tay tạo cơ hội cho họ cống hiến, góp phần đào tạo nên một thế hệ lứa tuổi 20 với bao hoài bão, lý tưởng, có năng lực và phẩm chất đạo đức - xứng đáng với vị thế làm chủ trong tương lai. Đó chính là cách hướng thiện hiệu quả nhất cho tuổi 20.
Lỗ hổng trong giáo dục người trẻ Trong nỗi xót xa khi chưa đầy một tháng rưỡi đã xảy ra 4 thảm án với 4 gia đình, cướp đi mạng sống 16 con người, mà kẻ thủ ác đều là những thanh niên từ 20 - 27 tuổi, phải nhận rằng có một lỗ hổng lớn trong quản lý, giáo dục, chăm sóc người trẻ - thanh thiếu niên hiện nay. Bao lâu nay, đã có bao nhiêu bậc phụ huynh vì mải miết lo chuyện làm ăn đã phó thác việc răn dạy con em cho nhà trường, trong khi gia đình lại là nơi dạy dỗ, truyền thụ đạo đức, lối sống cho con cái có hiệu quả? Nhà trường - nơi cậy trông của phụ huynh - liệu đã làm tốt việc truyền thụ, bồi dưỡng những bài học về đạo đức, công dân một cách thiết thực, chân thật, sinh động để học sinh tiếp thu làm vốn sống, làm hành trang vào đời? Các tổ chức đoàn thể cũng không thể phủi tay trách nhiệm trước vấn nạn tội phạm gây nên từ một số - dù ít - thành viên trong tổ chức của mình khi mà cơ sở Đoàn thanh niên, hội nông dân “phủ sóng” đến tận các khối phố, thôn bản. Đoàn, Hội ở cơ sở với nội dung sinh hoạt chú trọng đến đời sống, tâm tư, hoàn cảnh của các thành viên là một phần chỗ dựa cho đoàn viên, hội viên, giúp họ khỏi rơi vào hành vi xấu, con đường xấu. Nếu những mâu thuẫn, tranh chấp này nọ trong cuộc sống ở địa phương giữa các thành viên được phát hiện, giải quyết từ đầu, chắc sẽ tránh được nhiều điều đáng tiếc. Tội ác bao giờ cũng mang dấu ấn xã hội. Bởi vậy hậu quả không chỉ có nạn nhân, bị cáo gánh chịu mà cả xã hội cùng gánh. Với những tội nhân trẻ của các trọng án đau lòng này, nỗi đau của xã hội, của cộng đồng càng lớn. Bên cạnh việc xử lý tội nhân, việc làm không kém phần quan trọng là cả xã hội phải cùng chung nhau làm những gì cần làm để những nỗi đau này sớm bị triệt tiêu, không còn tái diễn nữa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận