Trong đêm nhạc, những bài dân ca và mang âm hưởng dân ca Việt Nam trở nên khác lạ trong điệu nhạc jazz với sự góp mặt của những nhạc sĩ, tay đàn cự phách như Nguyên Lê, Franck Tortiller, Đức Trí, Hải Phượng, Patrice Heral, Kengo Saito, Thanh Tân.
Phiêu cùng nhạc dân tộc trong giai điệu jazz
Nghệ sĩ Hương Thanh sinh ra tại Sài Gòn trong gia đình nghệ sĩ, với người cha là danh ca Hữu Phước nức tiếng giới cải lương và người chị Hương Lan quá nổi tiếng trong dòng nhạc mang âm hưởng dân ca.
8 tuổi, Hương Thanh đã lên sân khấu và được học đủ từ cổ nhạc tới tân nhạc. Sau đó, Hương Thanh theo gia đình sang Pháp định cư và tham gia ca hát ở một số nhóm cộng đồng người Việt tại đây.
Cơ duyên cho Hương Thanh gặp gỡ một số nhạc sĩ nổi tiếng và đã hình thành nên một Hương Thanh thân thuộc với khán giả quốc tế trong những làn điệu dân ca ba miền, nhạc cổ phối khí với nhạc jazz.
Khoảng năm 1995, cô gặp nhạc sĩ Nguyên Lê và tham gia chương trình "Tales from Viet Nam" đi biểu diễn ở nhiều nước châu Âu và nhận được nhiều giải thưởng ở Đức, Thụy Sĩ... Cô đã hợp tác với Nguyên Lê và các nhạc sĩ nổi tiếng quốc tế trong nhiều album nổi tiếng như Dragonfly, Mangustao, Fragile Beauty...
Năm 2007, nghệ sĩ Hương Thanh nhận giải thưởng Prix Musiques du Monde của Pháp. Trong nỗ lực giữ gìn âm nhạc dân tộc Việt, cô đã giới thiệu nhiều chương trình âm nhạc dân tộc đến với người nước ngoài.
Năm 2017, Hương Thanh cộng tác với nhạc sĩ jazz người Pháp làm album Sài Gòn gồm những tác phẩm được sáng tác vào thập niên 1930 - 1950 và những sáng tác mới của Hương Thanh.
Chỉ có âm nhạc níu chân khán giả đến phút cuối
Hương Thanh cho biết bà hay về Việt Nam và tham gia một số chương trình. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bà nhận lời nhạc sĩ Đức Trí làm một chương trình riêng xuyên suốt. Với bà, chương trình này cực kỳ đặc biệt vì được hội ngộ với những người bạn có tâm hồn nghệ thuật, yêu âm nhạc thật sự.
Hương Thanh - Hẹn ở Sài Gòn được chia làm ba phần. Phần đầu là những ca khúc của buổi đầu tân nhạc Việt Nam với những tác phẩm như Làng tôi, Khúc nhạc dưới trăng, Đường lên sơn cước, Hương xuân và bài hát do Hương Thanh tự sáng tác Quê hương là gì? để giải đáp thắc mắc của các con khi được sinh ra và lớn lên tại Pháp. Tất cả các ca khúc này do nhạc sĩ Franck Tortiller phối soạn.
Ở phần hai, Hương Thanh hát những bài dân ca, bài bản Việt Nam trên tiếng đàn tranh của Hải Phượng, Đức Trí đàn tỳ bà. Phần ba là những nhạc phẩm dân ca do Nguyên Lê soạn mà từng thâu âm trước đây như Thỏa nỗi nhớ mong, Trống cơm, Lý ngựa ô, bài Dạ cổ hoài lang…
Sân khấu chương trình được trang trí đơn giản, không múa minh họa, không có kỹ xảo, kỹ thuật hỗ trợ. Chỉ có âm nhạc níu chân khán giả đến phút cuối.
Chương trình cũng không có MC, nhạc sĩ Đức Trí và Hương Thanh thay phiên nhau kể câu chuyện âm nhạc cho khán giả nghe. Đó là cảm giác "sốc" của Đức Trí khi lần đầu nghe đĩa Sài Gòn có cách phối rất lạ với dân ca khác với hình dung của người ta về dân ca lâu nay.
Là cách anh tỉ tê kể chuyện về jazz và về thứ âm nhạc không biên giới, khi bài hát dường như chỉ là cái cớ để những người chơi nhạc được gặp gỡ, được phô ngón đàn với những phần solo cực đã.
Là những bài lý do nhạc sĩ Cao Văn Lý sáng tác như Lý qua cầu, Lý trăng soi... mà lâu nay người ta cứ ngỡ là dân ca... Cũng lâu lắm rồi anh mới có cơ hội "tả xung hữu đột" với những nhạc cụ dân tộc như tỳ bà, kìm, bầu...
Và nhân vật chính, ca sĩ Hương Thanh, dù đã ngoài 60 nhưng trông bà vẫn rất duyên dáng trong bộ áo dài đỏ, mấn đỏ, thắt bím tóc xinh xinh. Hơn 2 giờ bà đứng suốt trên sân khấu hát không ngừng là một điều đáng nể.
Sau đêm diễn, bà xúc động nói: "Một khán giả thích nghe mình đã mừng, đàng này cả rạp hát khán giả ngồi xem đến phút cuối là quá hạnh phúc".
Đến xem chương trình có nhiều nghệ sĩ, ca sĩ như Đoan Trang, Tiêu Châu Như Quỳnh, Hải Yến... Ca sĩ Tiêu Châu Như Quỳnh phấn khích: "Đến đêm nhạc này, tôi cảm thấy như đầu óc mình được khai mở. Lần đầu tiên tôi được nghe âm nhạc truyền thống Việt Nam được hát, được chơi lại bằng những giai điệu quốc tế... Tôi cảm nhận khi người nghệ sĩ tập trung chơi nhạc họ tỏa hào quang rất đẹp!".
Vượt thoát khỏi lối mòn
Nghệ sĩ Hải Phượng cho biết chị từng gặp Hương Thanh khi sang Pháp biểu diễn cùng nhạc sĩ Trần Văn Khê. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chị tham gia chương trình cùng Hương Thanh.
Chị hào hứng cho biết: "Chương trình thu hút tôi vì cách phối mới lạ. Khoan bàn chuyện hay dở (vì đó là gu của mỗi người) nhưng cách phối mới theo cách nhìn, cách xử lý của người nước ngoài với nhạc dân tộc Việt Nam, khiến người hoạt động trong lĩnh vực này như tôi bắt buộc phải thử thách, phải tập trung chăm chú. Nó vượt thoát khỏi lối mòn, kích thích mình và mở ra nhiều điều trong hoạt động nghề nghiệp sau này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận