Bà Huyền (trái) cùng con dâu là chị D. đang nỗ lực trên hành trình khó khăn để lấy lại tinh trùng của anh T., nhằm tìm kiếm một đứa trẻ nối dõi tông đường - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Câu chuyện người mẹ và "con dâu" xin được sử dụng tinh trùng của người con đã qua đời nhưng chưa được Bệnh viện Từ Dũ giải quyết đã gợi mở nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến việc cho, nhận tinh trùng, noãn, phôi của người chết.
Qua theo dõi thông tin trên Tuổi Trẻ, người viết cho rằng Bệnh viện Từ Dũ làm không sai, nhưng không phải là mọi thứ đã chấm dứt với người mẹ và người vợ chưa kịp đăng ký kết hôn về việc thực hiện di nguyện của người xấu số.
Tinh trùng không thuộc trường hợp được thừa kế
Mấy ngày qua, báo chí đăng tải thông tin về việc bà Vòng Ngọc Huyền (trú quận Phú Nhuận, TP.HCM) muốn nhận lại tinh trùng của con trai (tên T.Đ.T., đã mất) để cho con dâu (chị V.T.B.D) thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM (nơi nhận giữ tinh trùng của anh T. khi anh còn sống) chưa chấp thuận vì cho rằng pháp luật hiện hành chưa có quy định.
Theo thông tin từ báo chí, luật sư của bà Huyền cho rằng tinh trùng là tài sản và thuộc trường hợp được thừa kế theo pháp luật dân sự. Nếu bệnh viện không trao trả sẽ khởi kiện ra tòa để giải quyết về thừa kế.
Ảnh cưới của vợ chồng T. và D., nhưng vì không có hôn thú nên D. ko thể lấy lại tinh trùng đã gởi của chồng - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Theo quan điểm người viết, việc tiếp cận vấn đề ở góc độ "tinh trùng là tài sản và thuộc trường hợp được thừa kế" là rất khó được chấp nhận. Bởi lẽ, pháp luật hiện hành không quy định tinh trùng là một loại tài sản hoặc quyền về tài sản. Tinh trùng là một phần của một bộ phận cơ thể người nên được xác định là đối tượng của quyền nhân thân của cá nhân, gắn liền với con người.
Tinh trùng không phải là tài sản nên không được xem là di sản thừa kế theo điều 612 Bộ luật Dân sự. Vì vậy, việc bà Huyền đòi khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu được "hưởng" di sản thừa kế là 3 mẫu tinh trùng của con trai đang lưu giữ ở đây, khả năng thành công là rất thấp. Theo người viết, bà Huyền cần cân nhắc về phương án khởi kiện ra tòa.
Ngoài việc bà Huyền xin được "thừa kế" 3 mẫu tinh trùng, trong vụ việc này còn liên quan đến chị D., người được bà Huyền xác định là con dâu - vợ anh T. Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: "Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý".
Theo bà Huyền, giữa chị D. và anh T. có làm đám cưới, nhưng chưa đăng ký kết hôn nên pháp luật về hôn nhân và gia đình không công nhận họ vợ chồng hợp pháp.
Bệnh viện Từ Dũ không sai
Theo Nghị định 10/2015/NĐ-CP ngày 28-1-2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo khoản 1 điều 3 nghị định này: Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tại khoản 1, điều 5: Người nhận tinh trùng phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng hoặc là phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con và noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai.
Khoản 2 điều 21 quy định: Trường hợp người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi bị chết mà cơ sở lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi nhận được thông báo kèm theo bản sao giấy khai tử hợp pháp từ phía gia đình người gửi, thì phải hủy số tinh trùng, noãn, phôi của người đó, trừ trường hợp vợ hoặc chồng của người đó có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản.
Với các quy định này, khi anh T. chết, về nguyên tắc Bệnh viện Từ Dũ phải hủy bỏ 3 mẫu tinh trùng của anh T.. Do chị D. không phải là vợ hợp pháp của anh T. nên không có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến 3 mẫu tinh trùng này.
Còn bà Huyền dù là mẹ ruột của anh T. cũng không có quyền yêu cầu bệnh viện cho sử dụng 3 mẫu tinh trùng của anh T. do không thuộc đối tượng có quyền theo quy định pháp luật. Việc Bệnh viện Từ Dũ từ chối, không cho chị D. và bà Huyền có quyền sử dụng 3 mẫu tinh trùng là đúng chứ không sai.
Không phải mọi việc đã khép lại
Về lý, trường hợp xin sử dụng tinh trùng của chị D. và bà Huyền là khó, nhưng không phải mọi thứ đã khép lại.
Dù chị D. chưa phải là vợ chồng hợp pháp theo quy định pháp luật nhưng với những giấy tờ xác nhận hai người từng làm đám cưới, đã có thời gian dài chung sống và yêu thương nhau thực lòng… ít nhiều có cơ sở để xác định đây không thuộc trường hợp nhận tinh trùng vì mục đích lợi nhuận - nên không thuộc trường hợp bị cấm.
Mặt khác, theo bà Huyền và chị D., trước khi qua đời, anh T. có nguyện vọng được có đứa con nối dõi. Anh T. là con duy nhất của bà Huyền nên nguyện vọng này là chính đáng. Chị D. thể hiện sự tự nguyện sinh con cho anh T. là vấn đề mang tính nhân đạo, phù hợp với nguyên tắc cho và nhận tinh trùng được quy định tại khoản 3 điều 3 Nghị định 10.
Do vấn đề của chị D. pháp luật chưa quy định nên để giải quyết nguyện vọng chính đáng và nhân đạo, chị D. và bà Huyền cần có đơn gửi Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp để nhờ xem xét, giúp đỡ, tháo gỡ những vướng mắc trên.
Người viết tin rằng, vì lý do nhân đạo, Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp sẽ có những xem xét thấu đáo. Đồng thời, do việc này phát sinh các mối quan hệ về thừa kế, hộ tịch, công nhận cha cho con nên bà Huyền và chị D. cần có những văn bản thỏa thuận giữa các bên, tránh phát sinh những tranh chấp về sau nếu được cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho chị D. nhận tinh trùng để sinh con cho anh T.
Về lâu dài, do đây là vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống nên cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 10 theo hướng mở hơn, cho cả những trường hợp sống chung nhưng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn. Việc cho nhận tinh trùng, noãn trong trường hợp này nên ràng buộc thêm điều kiện là gia đình người đã chết đồng ý, người chết là con duy nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận