Sáng 3-5, Thường trực UBND TP.HCM nghe báo cáo quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.
Thành phố biển hay thành phố hướng biển
Báo cáo về quy hoạch TP.HCM, đại diện liên danh tư vấn cho rằng dự kiến mục tiêu phát triển tổng quát của TP.HCM đến năm 2030 là trở thành thành phố biển, đô thị toàn cầu, bền vững, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo.
Thành phố biển ở đây là thành phố hình thành và phát triển gắn với vùng biển và vùng duyên hải, có mối quan hệ mật thiết với biển cả, là thành phố được xây dựng, phát triển dọc theo bờ biển và có sự tương tác sôi nổi với nguồn tài nguyên, môi trường biển và cơ cấu kinh tế gắn với kinh tế biển.
Đồng thời, TP.HCM là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh và số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội của khu vực Đông Nam Á.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước.
TP.HCM là thành phố có chất lượng sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Góp ý tại hội nghị, các chuyên gia đều cho rằng cần xem xét lại tầm nhìn TP.HCM là thành phố biển. TS Trần Du Lịch cho rằng từ trước đến nay, không ai nói TP.HCM là thành phố biển.
Còn theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, điều kiện tự nhiên về biển của TP.HCM không đủ tính cạnh tranh với các địa phương. TS Nguyễn Thị Hậu cũng cho rằng nên điều chỉnh tầm nhìn từ "thành phố biển" thành "thành phố hướng biển".
Quan tâm vùng kinh tế biển
Phân tích sâu hơn, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận TP.HCM có khát vọng hướng về phía biển nhưng nên phát triển theo hướng kinh tế biển hơn là đô thị biển.
Theo ông, đô thị biển không phải là thế mạnh của TP.HCM nếu cạnh tranh với các địa phương.
Trong phát triển kinh tế biển, TP.HCM nên phát triển theo hướng mở, quan tâm quy hoạch vùng kinh tế biển.
Hiện động lực quan trọng của vùng là trục kết nối 4 tỉnh thành gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là vùng có nhiều tiềm năng nhưng chưa mang lại hiệu quả, logistics phát triển kém.
Ông cho rằng phải kết nối giao thông đa phương tiện từ trục trung tâm công nghiệp của Bình Dương với Đồng Nai, TP Thủ Đức (TP.HCM), Bà Rịa - Vũng Tàu nối đến các cụm cảng, sân bay Long Thành và đường sắt. Trong phát triển cảng phải quan tâm phát triển cụm Thị Vải - Cái Mép, cảng Cần Giờ.
"Cần có công nghiệp vận chuyển đường sắt đến thẳng cảng. Tức là đường sắt đến tận cảng, bốc hàng lên tàu. Đây là mô hình tiên tiến của thế giới, nhưng quy hoạch vùng hiện nay không nói lên được, còn quy hoạch TP lại chưa tác động được", ông Ngô Viết Nam Sơn nói.
Phát biểu cuối hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị tiếp thu đầy đủ ý kiến các chuyên gia để hoàn thành các đồ án quy hoạch chặt chẽ, hợp lý.
Ông Mãi cũng đề nghị Thường trực UBND TP, các thành viên UBND, sở ban ngành, quận huyện, liên danh tư vấn, tổ chuyên gia xác định đây là giai đoạn về đích, tập trung thời gian, nhân lực để hoàn thiện các đồ án quy hoạch.
Không gian đô thị: 1 đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc
Theo dự thảo quy hoạch TP.HCM, đến năm 2030, tăng trưởng GRDP của TP.HCM đạt từ 8,5 - 9%, GRDP đầu người từ 14.700 - 15.400 USD, dân số khoảng 11 triệu người…
Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn, theo liên danh tư vấn, trong thời kỳ quy hoạch, TP.HCM gồm đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc. Trong 6 đô thị trực thuộc, TP Thủ Đức là đô thị trực thuộc loại I và 5 đô thị loại III là vệ tinh kiểu mới gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ.
Sau thời kỳ quy hoạch, TP.HCM sẽ gồm đô thị trung tâm và 4 đô thị trực thuộc. Trong đó TP Thủ Đức là đô thị loại I; 3 đô thị vệ tinh đạt chuẩn loại II hoặc III gồm đô thị phía Bắc (gồm Hóc Môn - Củ Chi), đô thị phía Tây (Bình Chánh), đô thị phía Nam (Nhà Bè, Cần Giờ, quận 7).
Về mạng lưới giao thông, TP.HCM định hướng có 4 tuyến cao tốc dài 121km gồm CT01, CT30, CT31, CT33; 3 đường vành đai gồm vành đai 3, vành đai 4, khép kín vành đai 2; 5 tuyến quốc lộ gồm 4 tuyến hiện hữu QL1, QL13, QL22, QL50 và 1 tuyến mới QL50B.
TP.HCM nghiên cứu phát triển và tích hợp vào quy hoạch vùng Đông Nam Bộ tuyến đường ven biển mới phía Nam để phát triển kinh tế biển từ Gò Công, Tiền Giang qua Cần Giờ đến cảng Phước An, cao tốc Bến Lức - Long Thành (CT.01).
Ngoài ra, định hướng phát triển 22 tuyến đường sắt, 88 tuyến đường thủy nội địa, 6 luồng hàng hải, 7 khu bến cảng biển, 7 cảng cạn, 10 trung tâm logistics…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận