02/10/2022 09:50 GMT+7

Hướng nghiệp cho con: Đồng hành chứ đừng làm thay

HUỲNH THANH BÌNH
HUỲNH THANH BÌNH

TTO - Nhiều sĩ tử đến lúc làm thủ tục nhập học vẫn còn băn khoăn và muốn thay đổi khi chọn ngành, chọn nghề.

Hướng nghiệp cho con: Đồng hành chứ đừng làm thay - Ảnh 1.

Phụ huynh cùng con nộp hồ sơ nhập học tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Vì vậy không chỉ dựa vào hướng nghiệp của nhà trường và xã hội mà cha mẹ rất cần "ra tay", bởi chính cha mẹ có nhiều lợi thế trong việc hướng dẫn và đồng hành với con.

Hướng nghiệp cho con trẻ là một trong những việc quan trọng hàng đầu trong "sự nghiệp" làm cha mẹ, nhưng cần trong tâm thế "đồng hành chứ đừng làm thay".

Việc hướng nghiệp cho con cần được quan tâm từ rất sớm. Dĩ nhiên lúc con còn nhỏ thì chưa định hướng cụ thể ngành nghề nào mà là tạo điều kiện cho con bộc lộ khả năng. Nên để con học tự nhiên theo sức của mình và yêu cầu con trung thực trong học tập để điểm số phản ánh đúng sở trường của con.

TS NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG

Chưa biết sẽ làm gì

Học hết lớp 12, N. (quận 7, TP.HCM) được cha mẹ cho du học Mỹ ngành quản trị kinh doanh để về kế nghiệp gia đình. Lúc đầu N. phản đối vì không thích ngành này, nhưng rồi đành thúc thủ trước áp lực của cha mẹ. 

Những tháng ngày sau đó trở thành ác mộng khi N. phải vật vã với những khái niệm, lý thuyết kinh tế "nuốt không vô"... Bảng điểm quá thê thảm, nợ môn quá nửa, bản thân cũng mắc trầm cảm nên N. buộc phải về nước. Còn giờ đây, N. đang rất vui khi sắp trở thành tân cử nhân ngành công nghệ thông tin mà cậu yêu thích.

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm tại một trường ở TP Thủ Đức (TP.HCM) mới đây, tôi thử đặt câu hỏi sau cho 44 phụ huynh lớp 11: Con của anh/chị thích công việc gì và năm tới định ứng tuyển vào ngành nào, trường nào chưa? 

Kết quả thật bất ngờ: không cánh tay nào giơ lên, tất cả nhìn nhau lắc đầu. Một người mẹ phát biểu: "Tôi có hỏi nhưng con nói chẳng biết thích gì. Có lẽ đậu trường nào thì học trường đó thôi".

Tình trạng này không chỉ có ở lớp 11 nói trên. Khảo sát 400 học sinh tại Hà Nội và TP.HCM, dự án "Hành vi tuổi teen đô thị" (do Công ty Nghiên cứu thị trường TITA thực hiện) cho kết quả: 46% học sinh chưa có ước muốn nghề nghiệp. 

Còn theo thống kê gần đây của ngành chức năng, hiện có khoảng 38% sinh viên mới ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, 60% làm trái ngành.

Giúp con bộc lộ từ sớm

Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, cha mẹ có lợi thế "vô địch" trong việc hướng nghiệp cho con bởi vì họ có quá trình đồng hành "trọn gói" cùng con trên nhiều chặng đường đời, có cơ hội theo dõi sâu sát và hiểu được sở thích, tính cách, năng lực của con. 

Bà Hồng chia sẻ: Việc hướng nghiệp cho con cần được quan tâm từ rất sớm. Dĩ nhiên lúc con còn nhỏ thì chưa định hướng cụ thể ngành nghề nào mà là tạo điều kiện cho con bộc lộ khả năng. 

Nên để con học tự nhiên theo sức của mình và yêu cầu con trung thực trong học tập để điểm số phản ánh đúng sở trường của con. 

Ngoài học tập, cần cho con bộc lộ trong nhiều hoạt động sống khác để xem con có khéo tay, sáng tạo, tư duy logic... không.

* Theo bà, cha mẹ nên dựa vào các tiêu chí nào để hướng nghiệp cho con?

tien si Bich HOng

TS NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG

- Đầu tiên là năng lực, thứ hai là sở thích, thứ ba là sự phù hợp của con với ngành nghề đó. Cần giúp con có đủ thông tin về nghề, mô tả công việc thế nào và có yêu cầu đòi hỏi gì đối với người lao động. 

Sẽ hiệu quả hơn nếu cha mẹ cho con tiếp cận với những địa chỉ, những người đang hành nghề đó để giúp con có cơ sở chọn lựa tốt hơn, mà quá trình đó cũng giúp con khám phá sở thích của mình.

Cha mẹ nên "đẩy" trách nhiệm chọn nghề cho con. Từ lớp 10, cha mẹ nên tuyên bố là "con phải quan tâm để xem sau này làm công việc gì, chứ đừng chờ đợi mai mốt ba mẹ tính cho". 

Nói vậy nhưng cha mẹ lúc nào cũng phải sâu sát con, để khi con tính toán lựa chọn thì mình cùng trao đổi bàn bạc với con. Cha mẹ chỉ đồng hành với con chứ đừng làm thay con, bởi vì mình không hiểu con bằng chính con đâu.

Có thể nói không phải cha mẹ nào cũng đủ kiến thức, thông tin để tư vấn cho con nên họ cần "nạp năng lượng" thì mới có thể giúp con. Ngoài ra, cha mẹ còn có thể dựa vào hệ thống tư vấn tuyển sinh trên báo đài, ngày hội tư vấn tuyển sinh. 

Hoặc cha mẹ có thể phối hợp với nhà trường, thầy cô trao đổi thêm với con hoặc đưa con đến gặp chuyên viên tư vấn.

* Và đâu là những việc không nên làm, thưa bà?

- Vì muốn con "sướng cái thân" mà nhiều cha mẹ thường nhắm tới những nghề thời thượng, dễ tìm việc, ít cực khổ, có thu nhập cao... và chính lối nghĩ đó đã cản trở cha mẹ trong hướng nghiệp đúng đắn cho con. 

Thêm nữa, cha mẹ không nên chọn nghề cho con theo mong muốn của mình về tương lai rỡ ràng mà không cần biết con có đáp ứng nổi hay không.

Cha mẹ đừng tâm niệm rằng phải thế này thế kia mới là tốt đẹp, mà quan trọng là con có được niềm vui và hứng thú với công việc của mình, tức là con đam mê và có năng lực phù hợp với nghề mình làm. Nghề gì cũng đem lại hạnh phúc cho người lao động yêu nghề hết cả.

Hướng nghiệp cho con, dẫn đường hay cầm tay? Hướng nghiệp cho con, dẫn đường hay cầm tay?

TTO - Ngày chủ nhật 20-3 tới, các bậc phụ huynh có thể trải lòng với các chuyên gia tâm lý ở ĐH Sư phạm TP.HCM trong lớp học miễn phí, chia sẻ về tâm sinh lý con mình trên bước đường chọn nghề.

HUỲNH THANH BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên