Hướng Dương kể chuyện "Con đường sách nói" cùng tác giả - anh lính hải quân Mai Thắng- Ảnh: NGỌC QUÝ
Trưa 26-4 được một đồng nghiệp thông báo "Hướng Dương đã mất rồi" và dẫn đường link từ báo Tuổi Trẻ Online có nhan đề "Nguyễn Hướng Dương đã về với mặt trời", tự dưng nước mắt tôi trào ra.
Mới ngày nào, tôi gặp em và trò chuyện với tư cách "người lính biển hâm mộ", vậy mà em đã ra đi.
Tôi nhắn tin cho trung tá Phạm Ngọc Quí - trưởng ban tuyên huấn Vùng 2 Hải quân: "Quí ơi, em Hướng Dương mất rồi". Quí nhắn lại: "Em cũng mới đọc báo. Tội nghiệp cô ấy quá".
Trung tá Quí rưng rưng, anh kể về hai lần gặp Hướng Dương ở Vũng Tàu trong chương trình "Thắp sáng niềm tin cùng biển đảo quê hương", đều hai lần đong đầy cảm xúc.
"Từ một nữ sinh bị tàu hỏa cán đứt hai chân, em đã đứng lên vượt qua bóng tối của số phận để đem ánh sáng tri thức cho hàng ngàn người khiếm thị trên mọi miền đất nước. 20 năm ấy, điều hạnh phúc nhất của em không phải là những tấm bằng khen, hay những lần vinh danh trước ánh đèn sân khấu mà là sự truyền trao tri thức từ trái tim người khuyết tật cho người khuyết tật. Em là Nguyễn Hướng Dương - em đã đã vĩnh biệt chúng ta về với ánh sáng mặt trời" - Quí viết trên facebook.
Bốn năm trước, đó là ngày 27-9-2014, tôi gặp em lần dẫn theo 630 học sinh khiếm thị của bốn tỉnh thành đến Vũng Tàu tắm biển, vui chơi và giao lưu với các chiến sĩ hải quân lữ đoàn 171 Vùng 2 trong chương trình "Thắp sáng niềm tin cùng biển đảo quê hương".
Hướng Dương cùng các em khiếm thị trong ngày hội "Thắp sáng niềm tin cùng biển đảo quê hương" - Ảnh: MAI THẮNG
Trong niềm vui của người 16 năm làm cô giáo dạy học bằng sách nói cho hàng ngàn đứa trẻ mù, em không nói về những thành tích của bản thân, mà lại kể về những ngày đau khổ nhất của cuộc đời.
"Trời cướp mất của tôi đôi chân, nhưng cho tôi nghị lực sống. Từ khi tôi đứng trên đôi chân giả, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đầu hàng số phận. Chính khát vọng sống của các em mù, đã tiếp cho tôi sức mạnh để sống và cống hiến" - lời nói ấy đã khiến nhiều trái tim người lính có mặt hôm ấy xúc động, rưng rưng.
Tập tễnh trên đôi chân nhựa, Hướng Dương đến từng bàn choàng tay trên vai các em học sinh. "Chào các em, các em biết ai không?".
Những đứa trẻ mù đã đồng thanh nói "Chị Hướng Dương". Đứa này bảo "Em nghe chị đọc chuyện hay lắm", đứa kia khen: "Giọng chị rất ấm". Một học sinh khác thưa: "Cô ơi, ngày nào em cũng nghe cô nói. Cô đã giúp em nhìn thấy ánh sáng cuộc đời".
Lúc đó Hướng Dương rơi nước mắt. Hướng Dương khóc không phải lần đầu tiên nghe những lời nói ấy, mà Dương cảm nhận được tình yêu các em giành cho cô giáo mù.
Lần thứ hai tôi gặp Hướng Dương tại khu du lịch Hồ Tràm (Xuyên Mộc Bà Rịa Vũng Tàu) với vai trò "văn công lính biển", giao lưu với các em học sinh.
Đó là tháng 4-2016. Chị xúc động nắm tay tôi tự hào: "Có các anh bộ đội là yên tâm. Các bé thích hát cùng với lính biển lắm"…
Mới đó mà sao xa cách. Mới đó mà giờ đã lìa xa. Em ra đi, song những cuốn sách nói của em còn lưu hành mãi mãi. Hàng ngàn học sinh khiếm thị trên mọi miền Tổ quốc mãi mãi tri ân em.
Em đã thắp sáng trong tim hàng ngàn đứa trẻ khiếm thị ánh sáng tri thức, ánh sáng vào niềm tin của sự sống làm người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận