Đoàn tàu đánh cá của ngư dân xã Bảo Ninh rẽ sóng ra khơi - Ảnh: L.Giang |
Đại dương vẫy gọi
Đến với những làng chài Quảng Bình trong những ngày này ai cũng sẽ thấy rõ một điều: ngư dân vẫn vững vàng ra khơi xa đánh cá trên ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam.
Họ luôn sẵn sàng ra khơi xa, đúng lịch lại đi, đến hẹn lại về. Họ vẫn tin sau lưng mình là cả dân tộc Việt Nam, là Nhà nước với các lực lượng chức năng bảo vệ ngư dân.
Nói như cựu đại úy, thuyền trưởng Phạm Quốc Hồng, cựu binh đoàn tàu không số ở Cảnh Dương: "Nhà tôi cũng như hầu hết bà con ở đây đều có con em đi biển, ra Hoàng Sa hẳn hoi. Ngư trường của mình cũng như nhà mình, nhà của ngư dân Việt, mình cứ đánh bắt. Việc gì phải sợ, còn kẻ nào đến nhà mình gây rối mình sẽ tìm cách đối phó.
Trước tiên mình phải bình tĩnh mà đứng vững, còn có Nhà nước, có cảnh sát biển, kiểm ngư nữa chứ. Nhà nước chắc chắn sẽ hậu thuẫn và bảo vệ mình, cho ngư dân Việt Nam. Vùng biển của nước mình, nồi cơm của nhà mình mà không bảo vệ được thì nói gì đến những chuyện khác”.
Bảo Ninh là xã (thuộc TP Đồng Hới) có đội thuyền hùng hậu. Toàn xã với 400 tàu thuyền thì có đến một nửa ra vùng biển lớn, trong đó có ngư trường Hoàng Sa. Ngay cả khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào đóng trái phép ở khu vực này với nhiều chiêu thức đe dọa, phá rối thì ngư dân vẫn không hề chùn bước.
Ông Nguyễn Trọng Bằng khi nghe hỏi chuyện Hoàng Sa cả cười mà nói: ”Con tôi, thằng Nguyễn Trọng Hiếu, đánh bắt ngoài Hoàng Sa từ nhiều năm nay. Trung Quốc vào quậy phá nó vẫn ra khơi, lúc nào tình hình căng quá thì tạm thời lánh sang chỗ khác, rồi vẫn bám biển mà đánh cá.
Mình là ngư dân, cứ bám lấy ngư trường của mình, còn những chuyện khác đã có Nhà nước suy tính mà có sách lược đối phó sao cho ổn thỏa. Dân mình cũng muốn yên ổn làm ăn mà thôi. Đương nhiên khi có sự xung đột mình cũng phải biết mà đề phòng.
Nhưng ngoài việc ngư dân chủ động và bình tĩnh thì Nhà nước cũng phải tăng cường biện pháp bảo vệ dân mình. Như vậy dân biển càng yên tâm làm ăn”.
Nếu ngư dân Bảo Ninh ra Hoàng Sa đánh bắt từ lâu thì bà con Cảnh Dương mới ra gần đây, ngay trong năm nay, nhiều người có mặt ở vùng biển nóng khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.
Ông Nguyễn Văn Biểu ở làng Đông Dương, xã Cảnh Dương có hai con trai là Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Anh Đức vượt sóng gió ra khơi xa Hoàng Sa đều ăn nên làm ra.
Khi ngồi chuyện trò với ông Nguyễn Văn Ty (thôn Sa Động, xã Bảo Ninh) tôi nghe được nhiều điều từ một người gắn bó với biển, có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết trong chuyện đóng tàu. Theo ông, việc Nhà nước hỗ trợ ngư dân bám biển cố nhiên là tốt rồi. Nhưng dự án đóng mới tàu sắt nên cân nhắc thận trọng, cũng phải có lộ trình, có cách làm khoa học và hợp lý, và quan trọng nhất - ông nhấn mạnh - là phải tìm hiểu thực tế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của ngư dân. Vì chúng ta đã có bài học đắt giá từ dự án đóng tàu đánh bắt xa bờ năm 1997. Tiền của đổ ra nhiều lắm nhưng hiệu quả hầu như không cao. Nói thẳng ra đó là một dự án thất bại và nhiều ngư dân đổ nợ. Điều này chính những nhà quản lý, những ngư dân đã rõ từ một thực tế chua xót. |
Ông dẫn tôi đi thăm ngôi nhà hai tầng bề thế của một trong hai con trai ông đang đánh cá ở Hoàng Sa. Những đứa trẻ nghỉ hè nô đùa trước biển, phụ nữ vẫn làm những việc nội trợ hằng ngày, không hề thấy vẻ âu lo.
Ông nói: ”Anh thấy đó, con trai tôi đi biển đều đặn, ra tận Hoàng Sa. Nó mới đi năm nay thôi, không bỏ chuyến nào. Con dâu tôi ở nhà vẫn yên tâm việc nhà, chờ chồng về. Đương nhiên chồng đi xa nó cũng chờ, cũng mong và cả lo, nhưng là nỗi lo thường tình. Nhưng không sợ, không lo lắng, hoảng hốt. Ở vùng biển này hầu như ai cũng thế”.
Cũng như cả vùng biển Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình làng nào cũng khí thế ra Hoàng Sa, nhà nào cũng có vài người con đi biển.
Còn ở địa phương này ai cũng biết gia đình ông Nguyễn Văn Võ cả bảy con trai đều có mặt trên vùng biển đang là tâm điểm thời sự biển Đông.
Chọn tàu: tiếng nói ngư dân
Vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở khu vực Hoàng Sa, câu chuyện đóng tàu sắt thay thế tàu gỗ cho ngư dân đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cả một dự án lớn với số tiền lên đến 16.000 tỉ đồng sẽ phục vụ mục tiêu này nhằm giúp ngư dân ra khơi bám biển.
Một số nhà khoa học, nhà quản lý và một vài dân biển đã lên tiếng. Nhưng trong chuyến đi về biển Quảng Bình, chúng tôi muốn lắng nghe và ghi nhận tiếng nói của những ngư dân thực thụ.
Ông Phạm Quốc Hồng ở làng Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) phân tích: “Tôi là dân biển, thời chiến tranh có người nói tôi vào Nam như đi chợ nên cũng hiểu về biển cả. Với lại con tôi đi thuyền đánh bắt xa bờ nên tôi rất quan tâm đến chuyện tàu thuyền.
Gần đây Chính phủ có đưa ra dự án đóng tàu vỏ sắt thay cho tàu gỗ, ngư dân chúng tôi cũng đã ngồi bàn chuyện ưu khuyết của từng loại tàu. Có người còn nói đến cả chuyện tàu nhựa nữa, nhưng phương tiện này có vẻ không thích hợp với dân đánh cá, chỉ còn lại tàu gỗ và tàu sắt.
Theo tôi thấy, tàu sắt tuy vững chắc, an toàn hơn, có thể chịu đựng sự đâm va. Nhưng để đóng kiểu tàu thích hợp với ngư dân ra Hoàng Sa chẳng hạn cũng không phải là chuyện đơn giản, nếu cứ cậy vào lý thuyết mà không sát hợp thực tế thì cũng không xong, lợi bất cập hại.
Hơn nữa tập quán dùng tàu gỗ của dân mình đã có từ lâu, họ đã quá quen với loại tàu này, nay dẫu có đổi cũng không phải dễ, nhất là trong thời gian một sớm một chiều.
Tôi nghĩ về lâu dài có thể tàu sắt sẽ phát huy tác dụng, nhưng trước mắt cũng chỉ nên đầu tư cho tàu gỗ thì thích hợp hơn và hiệu quả kinh tế vẫn đảm bảo”.
Tôi đem câu chuyện này ra nói với ông Nguyễn Trọng Bằng ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới. Ông Bằng cũng cho rằng hiện tại ở đâu không rõ nhưng ở vùng biển Quảng Bình ngư dân vẫn chưa mặn mà với tàu sắt.
Lý do có nhiều nhưng có thể kể ra những điều dễ thấy nhất: đó là tàu sắt kinh phí cao hơn, có thể nói gấp đôi tàu gỗ, kéo dài thời gian trả lãi và thu hồi vốn.
Muốn điều khiển tàu sắt (đương nhiên là hiện đại hơn tàu gỗ) cho tốt tất nhiên ngư dân phải qua đào tạo, đây cũng là một khó khăn, nếu không qua đào tạo hoặc đào tạo không chất lượng thì hậu quả không nói cũng rõ, không chỉ làm ăn không hiệu quả mà còn máy móc hư hỏng nhanh, thậm chí mất an toàn khi đi biển.
Ông Bằng nói: ”Nghe Nhà nước hỗ trợ đóng mới tàu với những ưu đãi ai cũng mừng vì được Chính phủ quan tâm. Nhưng nói thật với anh, làm gì cũng phải tính toán kỹ lưỡng, ngó trước ngó sau, nếu không thất bại như chơi”.
Ông Nguyễn Văn Ty chia sẻ: “Anh muốn tìm hiểu thì tôi nói cho anh hay. Đừng nói chuyện đóng tàu sắt là vì gió cấp bảy, cấp tám vẫn đánh cá được không tìm chỗ trú tránh như tàu gỗ.
Đó là nói chơi. Tôi hỏi anh đã gió cấp bảy, cấp tám thì tàu nào cũng không thể đánh cá. Vì người có đứng vững trước loại gió này đâu mà nói chuyện làm ăn.
Lý do này không thuyết phục. Đóng mới một chiếc tàu gỗ đánh bắt xa bờ, nếu không am hiểu công việc, không biết cách làm ăn, tính toán cũng đã khó nói chuyện thu hồi được vốn. Huống chi đóng mới một chiếc tàu sắt kinh phí phải gấp đôi, thuyền viên cũng phải tăng.
Vì sao người tăng, vì nếu một tay lưới bên tàu gỗ khi đánh bắt ví dụ cần mười người thì khi chuyển qua tàu sắt nhất định phải đông người hơn vì thao tác khó hơn. Rồi nhiên liệu, chi phí cho tàu sắt bao giờ cũng cao hơn tàu gỗ. Nói nôm na là to thuyền to sóng”.
Ông Ty nói tiếp:” Tôi kể chuyện này. Tôi vừa đi miền Bắc về để tham quan mô hình đóng tàu sắt, nói thật tôi chưa ưng ý, cần phải nghiên cứu thích hợp với thực tế hơn nữa. Làm để cho ngư dân ra khơi làm ăn nên không thể nặng về lý thuyết mà xa rời thực tế.
Hơn nữa, ngay cả đóng tàu sắt với cơ chế như hiện nay tôi thấy không ổn. Tại sao vốn đầu tư phải qua cửa này cửa kia. Sao không để cho ngư dân tự đóng tàu theo ý của mình.
Nói tóm lại mọi việc liên quan đến ngư dân phải để chính ngư dân được quyền lựa chọn. Bởi vậy khi triển khai thì cả Nhà nước và ngư dân đều suy tính cẩn thận”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận