Phóng to |
Một người dân tham gia dọn dẹp hậu quả của thảm họa tràn bùn đỏ ở Hungary năm 2010 - Ảnh: EPA |
Bùn đỏ là gì? Bùn đỏ là một phế phẩm chứa nhiều kim loại nặng của quá trình luyện bôxit thành aluminium, nguyên liệu cơ bản để chế tạo nhôm. Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên ở Hungary cho biết mối đe dọa chính từ bùn đỏ là nó có độ kiềm cao với độ pH khoảng 13 và có thể gây phỏng. |
Theo Reuters, hàng chục ngàn người Hungary đã phải rời bỏ nhà cửa và ít nhất hơn chục người đã thiệt mạng vì lũ lụt ở Đức, Áo, Slovakia, Ba Lan và Cộng hòa Czech trong tuần qua.
Sáng 9-6, mực nước trên sông Danube ở Budapest đã đạt mức 8,83m, vượt qua mức lịch sử hồi năm 2006 là 8,6m và được dự đoán sẽ tăng lên mức 8,95m trong đầu tuần này. “Chắc chắn mực nước sẽ không vượt quá 9m ở Budapest. Các chuyên gia nhận định mực nước dâng cao tối đa từ 8,86-9m” - thị trưởng Budapest Istvan Tarlos tuyên bố. Ông cho biết các điểm trọng yếu của thành phố có thể vẫn an toàn với mực nước dâng cao đến 9,3m.
Trận lụt bắt đầu tiến vào Hungary hôm 7-6, chính quyền, quân đội và hàng ngàn tình nguyện viên đang phải vất vả dựng đê ngăn lũ bằng hàng triệu bao cát để bảo vệ các ngôi làng và thị trấn dọc các con sông. Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố Hungary đang phải đối phó với “trận lụt tồi tệ nhất của mọi thời kỳ”. Ông cho biết các con đê trọng yếu ở Budapest đã được gia cố và hai ngày tới sẽ là thời khắc quyết định.
Trong đêm 7 và ngày 8-6, ngôi làng Gyorujfalu với 1.500 dân, nằm cách thủ đô Budapest 115km về phía tây, đã phải di tản sau khi một trận chuồi đất đã làm con đê ngăn nước bị suy yếu. Ba thị trấn ở thượng nguồn của Budapest là Pilismarot, Domos và Kisoroszi đã bị cô lập hoàn toàn trong nước lũ từ ngày 7-6. Hiện ít nhất 1.200 người ở 28 thị trấn và làng mạc ở nước này phải rời bỏ nhà cửa và 44 con đường đã bị phong tỏa.
Nỗi lo “bùn đỏ”
Báo HuLala của Bulgaria ngày 7-6 đã báo động nguy cơ tái hiện bóng ma của một thảm họa môi trường mới ở Hungary. Báo này viết: hồ chứa bùn đỏ lớn nhất của Hungary nằm ở thị trấn nhỏ của Almasfuzito, một trong những khu vực bị đe dọa nghiêm trọng nhất của nước này bởi nước sông Danube dâng cao, đã tràn bờ. Tình hình càng trở nên báo động hơn khi đê ngăn nước sông tràn bờ lại cũng chính là bờ bao của hồ chứa này vốn đang phải gánh chịu sức ép trực tiếp của con sông. Điều này làm sống lại bóng ma của một thảm họa công nghiệp và môi trường mới cùng với thảm họa thiên nhiên hiện nay.
Đặc phái viên báo Le Monde (Pháp) tường thuật từ Almasfuzito như sau: Vào cuối ngày 7-6 đã không thể đến được Almasfuzito. Cảnh sát sắc phục và thường phục ngăn chặn không cho ai đến khu vực này, nơi chỉ còn lại những tòa nhà cũ kỹ của một tổ hợp công nghiệp mà phần lớn đã bị bỏ hoang từ lâu với những bờ dốc cỏ mọc um tùm. Họ cho biết đằng sau những sườn dốc này là một hồ chứa của Tatai Kornyezetvedelmi (công ty môi trường của thành phố Tata), nơi chứa một phần bùn đỏ độc hại được thu gom sau tai nạn công nghiệp vào năm 2010. Nơi đây nước sông tràn bờ đã “liếm” đến gần.
Ngày 4-10-2010, Hungary đã trải qua một thảm họa môi trường tồi tệ nhất của mình. Gần 2 triệu tấn bùn đỏ (tức 700.000m3) từ Nhà máy khai thác bôxit aluminium MAL ở Ajka đã tràn ra và làm ngập bảy ngôi làng xung quanh. Thiệt hại thật bi thảm: bốn người thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em, sáu người mất tích, 123 người bị thương. Một phần của “cơn hồng thủy đỏ” này đã được thu gom và chứa tại Almasfuzito trong một hồ chứa chỉ được che kín 60% và chỉ cách sông Danube một bức tường chắn sơ sài chính là bờ hồ chứa, như Zsolt Szegfalvi, một trong những người lãnh đạo của Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) của Hungary, cho biết.
Từ hai năm qua, Greenpeace đã nhiều lần tố cáo việc quản lý lỏng lẻo ở hồ chứa này. Zsolt Szegfalvi cho biết lượng bùn đỏ trong hồ chứa không hề được xử lý mà chỉ là chứa ở đó. Tệ hơn nữa là bùn đỏ còn được trộn với nhiều chất thải độc hại khác từ khắp cả nước đưa đến. “Chúng tôi không biết có những thứ gì trong đó nữa, bởi có quá nhiều thứ - Zsolt Szegfalvi thú nhận - Nhưng chúng tôi đã có thể đo lường được những độc chất nguy hại thoát ra từ hồ chứa, đặc biết là chất arsenic với khối lượng cao gấp 20 lần khối lượng cho phép”.
Mưa và nước sông dâng cao càng khiến tình hình tồi tệ thêm, bởi ngay lúc bình thường, hồ chứa ở Almasfuzito thường xuyên tạo ra những nguồn ô nhiễm độc hại. “Chúng tôi tin chắc hồ chứa này đang hoạt động bất hợp pháp. Chúng tôi đã tìm cách đưa ông chủ khai thác ở đây ra tòa, nhưng chẳng ai ở Hungary thèm nghe chúng tôi. Chúng tôi đã yêu cầu Ủy ban châu Âu mở một cuộc điều tra, và chúng tôi đang chờ họ trả lời”.
Bóng ma bùn đỏ vẫn còn đó!
Greenpeace cho biết hiện hồ chứa bùn đỏ đang được theo dõi chặt chẽ nhưng Chính phủ Hungary vẫn lo ngại về sự an toàn của nơi này. Fox News dẫn lời ông Zoltan Illes thuộc Bộ Phát triển nông thôn Hungary cho biết chính quyền đang theo dõi 24/24 giờ hồ chứa rộng 74ha này để đảm bảo thảm họa bùn đỏ hồi năm 2010 không lặp lại.
Báo New York Times từng mô tả: trận lụt bùn đỏ này ước chừng 700.000m3 đã quét sạch xe hơi ra khỏi đường sá, phá hủy nhiều cầu và nhà cửa, khiến hàng trăm cư dân phải di tản. Những người tiếp xúc với chất thải này đã bị phỏng.
Những người chứng kiến trận lụt bùn đỏ hồi năm 2010 cho biết nó giống như một cơn sóng thần mini. Khoảng 270 ngôi nhà khi ấy đã bị nhấn chìm nhanh chóng. Bùn đỏ đã lan rộng ra một diện tích khoảng 16 dặm vuông (khoảng 41km2).
Các chuyên gia môi trường Hungary nói rằng vụ tràn bùn đỏ có thể gây ra hậu quả nặng nề đối với môi trường và làm ô nhiễm sông Danube, gây ra thiệt hại lâu dài đối với hệ sinh thái và giết chết hệ động thực vật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận