12/06/2015 09:02 GMT+7

Hứng thú với đề thi văn tuyển sinh lớp 10

HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG - VĨNH HÀ
HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG - VĨNH HÀ

TT - Đề thi môn văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.HCM và Hà Nội đã được dư luận và giới chuyên môn hồi hộp chờ đợi.

Thí sinh trao đổi bài thi sau khi thi xong môn tiếng Anh tại hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Thí sinh trao đổi bài thi sau khi thi xong môn tiếng Anh tại hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Hồi hộp vì đây là năm đầu tiên thực hiện đổi mới mạnh mẽ cách ra đề thi môn văn.

Sau giờ thi môn văn sáng 11-6, các thí sinh ở TP.HCM cho biết rất hứng thú và bất ngờ bởi phần nghị luận xã hội dường như “lấn át” phần văn học cùng nhiều câu hỏi có tính gợi mở và những đề tài quen thuộc, gần gũi với lớp trẻ. Đề thi này được ví như “một luồng gió mát” giữa sự căng thẳng, áp lực của ngày đầu tiên diễn ra kỳ tuyển sinh lớp 10.

TP.HCM: nhắc nhở thí sinh về cách sống

Nhiều giáo viên môn văn ở TP.HCM đã nhận xét: “Đề thi văn năm nay thuộc dạng “dễ thở” và mang tính giáo dục cao”. Với câu 1 đề thi ra:

“(1) Đã lâu lắm rồi tôi và cả nhà mới lại cùng nhau xem U-23 Việt Nam thi đấu bóng đá SEA Games. Lúc đội tuyển ra sân, tôi rất xúc động khi quốc ca Việt Nam vang lên. Cả nhà tôi đã cùng hát theo, dù các con tôi chưa thật thuộc nhưng chúng vẫn buộc ba, mẹ phải đặt tay lên ngực cho giống các cầu thủ. Lúc hát quốc ca, tôi có một cảm giác thật khó tả. Một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc đang dâng lên trong lòng tôi. Hát quốc ca làm cho ta có tinh thần mạnh mẽ, truyền cho ta khí thế hừng hực để sẵn sàng bước vào trận đấu.

(2) Khi đi học, tôi đã được hát quốc ca mỗi khi chào cờ. Bây giờ hát lại, trong tôi vẫn dâng trào một cảm xúc mãnh liệt. Đó là niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước. Xem xong trận bóng đá, con tôi lại hỏi: Khi nào Việt Nam đá nữa vậy ba? Để con cùng ba mẹ hát quốc ca”.

Theo cô Huỳnh Thị Kim Cúc, tổ trưởng tổ văn Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM), ngay từ câu hỏi đọc - hiểu này đã cho thấy sự lựa chọn văn bản một cách khôn ngoan của người ra đề. Nội dung văn bản nói về đấu trường SEA Games - vấn đề đang “nóng” và rất thời sự trong những ngày này.

Từ văn bản đó cộng với những yêu cầu của đề thi (Em có nhận xét gì về thực trạng hát quốc ca của các bạn học sinh trong nhà trường hiện nay?) vừa khai thác được khả năng tư duy của học sinh, tạo điều kiện cho các em bộc lộ suy nghĩ cá nhân vừa phản ánh được tình hình thời sự. Hơn thế nữa, câu hỏi về thực trạng hát quốc ca cũng là vấn đề gần gũi với học sinh. Khi làm bài, thí sinh sẽ viết có cảm xúc hơn.

Còn câu 2: “Có những bạn trẻ chỉ biết mải mê dán hình thần tượng khắp nơi; chỉ biết đắm chìm trong sở thích của riêng mình... Họ đâu thấy rằng bên cạnh họ có những người đang vì họ mà vất vả, lo toan; có những người đã dành cho họ bao nhiêu yêu thương, trìu mến...Những bạn trẻ ấy đâu biết rằng họ đang sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình. Viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên”.

Cô Cúc cho rằng câu 2 về nghị luận xã hội chính là một sự thức tỉnh đối với giới trẻ, nhắc nhở các em học sinh cần nhìn lại bản thân, nhìn lại cách sống của mình. Đề thi yêu cầu thí sinh viết về sự vô cảm trong gia đình của giới trẻ - đây là vấn đề không khó nhưng nó phản ánh đúng thực trạng của giới trẻ ngày nay: các em chạy theo sự hào nhoáng bên ngoài mà quên mất sự hi sinh của cha mẹ mình, quên mất giá trị bền vững chính là gia đình.

Tại hội đồng thi THCS Phan Tây Hồ, Q.Gò Vấp, thí sinh Phạm Vũ Thanh cho biết: “Ở câu 2, thật may mắn là cách đây một tháng, trường em đã tổ chức một buổi nói chuyện về chủ đề sự vô cảm, trong đó diễn giả đã chia sẻ nhiều câu chuyện, nhiều khía cạnh của sự vô cảm. Ở đây đề thi đề cập đến sự vô cảm trong gia đình với phần in đậm “sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình”.

Điều này nhắc em nhớ đến những bạn trẻ chỉ biết sở thích của bản thân, mê muội những điều xa lạ mà không biết trân trọng những giá trị mà mình đang có. Đó là hạnh phúc gia đình, là cha mẹ tần tảo lo cho mình ăn học. Thật đáng tiếc cho họ bởi họ không thể hiểu được thế nào là hạnh phúc được sống bên ba mẹ của mình mà cứ chạy theo những giá trị ảo nào đó, và sự vô cảm sẽ đưa đến những hậu quả không nên có”.

Một phụ huynh ôm lấy hai thí sinh sau khi kết thúc môn thi ngữ văn tại Hội đồng thi Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) - Ảnh: N.Khánh
Một phụ huynh ôm lấy hai thí sinh sau khi kết thúc môn thi ngữ văn tại Hội đồng thi Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) - Ảnh: N.Khánh

Hà Nội: chạm đến điều giới trẻ cần quan tâm

Với câu hỏi ở phần 3: “Dưới đây là đoạn trích trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê: “...Vắng lặng đến đáng sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống dòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”; và câu hỏi số 3: “Từ đoạn trích trên và những hiểu biết về xã hội, em hãy viết một đoạn văn (khoảng nửa trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về thái độ của mỗi người trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể” đã làm cho gần 80.000 học sinh sau buổi thi môn văn ngày 11-6 bước ra khỏi phòng thi với tâm lý thoải mái vì “đề không khó như sự hình dung, lo ngại”. Nhưng câu hỏi mở về “mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể” trở thành đề tài bàn luận của nhiều phụ huynh và học sinh tới cuối ngày thi đầu tiên.

“Bọn trẻ thành phố bây giờ quen sống với nhu cầu của bản thân hơn là nghĩ tới những người xung quanh”, một phụ huynh vừa đọc báo vừa bình luận trong khi chờ con ở vỉa hè phố Thụy Khuê, nơi có điểm thi THPT Chu Văn An.

Tiếp lời vị phụ huynh trên, một bà mẹ có con cũng thi hôm nay chia sẻ: “Con gái tôi rất hào hứng với câu hỏi “cá nhân, tập thể” đó. Nghe cháu nói mà tôi không ngờ bọn trẻ cũng thật sự có suy nghĩ nghiêm túc về điều này”.

“Giữa giờ cao điểm, phương tiện giao thông nối đuôi nhau, nhưng bỗng có một người đàn ông bất ngờ quay đầu xe ôtô... Hành động này làm sự ùn tắc càng hỗn loạn hơn. Nhiều người can ngăn thì bị người đàn ông này dùng lời lẽ khó nghe đáp lại. Chiếc ôtô rất xịn, người đàn ông này trông cũng có vẻ có địa vị xã hội nhưng tôi thấy mất cảm tình. Vì ông ta chỉ nghĩ đến việc của mình mà không thấy rằng mình gây nên sự phiền toái cho bao người” - bà mẹ đã thuật lại nội dung bài viết mà con gái đã làm trong môn thi văn buổi sáng.

Cô Phạm Thị Tú Anh, nguyên giáo viên dạy văn Trường THCS Đống Đa, nhận xét: “Câu hỏi nghị luận xã hội có thể nói là câu hay nhất của đề thi văn năm nay. Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là vấn đề rất đáng quan tâm. Nhất là khi nhiều bạn trẻ bây giờ sống bàng quan, ích kỷ, vô cảm và không có ý thức tập thể, không biết chia sẻ với những người xung quanh”.

Đề thi gắn với thực tế báo chí nêu

Sáng nay, vừa đi thi xong môn ngữ văn của kỳ tuyển sinh lớp 10 về, cháu tôi đã hớn hở báo rằng cháu làm bài rất tốt và cảm ơn tôi rối rít.

Bất ngờ trước lời cảm ơn của cháu, tôi hỏi thì được biết trong đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn ở TP.HCM có yêu cầu như sau: “Có những bạn trẻ chỉ biết mải mê dán hình thần tượng khắp nơi; chỉ biết đắm chìm trong sở thích của riêng mình... Họ đâu thấy rằng bên cạnh họ có những người đang vì họ mà vất vả, lo toan; có những người đã dành cho họ bao nhiêu yêu thương, trìu mến... Những bạn trẻ ấy đâu biết rằng họ đang sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình. Viết bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên”.

Thật là một sự ngẫu nhiên. Tôi thường có thói quen khi đọc xong những bài báo hay, có ý nghĩa thì bảo con cháu đọc. Sau đó, tôi và các cháu trao đổi. Tôi thường phân tích thêm để các cháu mở mang tầm hiểu biết, cũng qua đó tôi giáo dục con cháu của mình. Tháng 5 vừa qua, trên trang Nhịp sống trẻ của báo Tuổi Trẻ đã có một loạt bài về “Vô cảm từ trong gia đình”. Những bài báo ấy, tôi và các cháu cùng đọc và thẳng thắn nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình để lớp già và trẻ trong gia đình hiểu nhau hơn.

Cháu cảm ơn tôi, tôi đùa với cháu là phải cảm ơn loạt bài “Vô cảm từ trong gia đình” mà tôi và các cháu có cơ hội nhìn lại một thực trạng đang xảy ra trong cuộc sống. Điều quan trọng nhất không phải là cháu làm tốt bài thi của mình mà là nhận thức của cháu đã thay đổi để không sống vô cảm ngay chính với người thân của mình, với gia đình mình.

LÊ PHƯƠNG TRÍ

Đề thi môn tiếng Anh: quen thuộc nhưng không dễ đạt điểm cao

Theo cô Phạm Thị Xuân Oanh, tổ trưởng tổ Anh văn Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, đề thi môn tiếng Anh kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tại TP.HCM có cấu trúc quen thuộc, nội dung bám sát chương trình lớp 9. Ngay cả hai bài đọc thì học sinh cũng đã được học trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, tôi đoán sẽ có những thí sinh chủ quan, khi nhìn vào đề thi sẽ cho rằng nó quá dễ (vì quá quen thuộc) mà hấp tấp điền kết quả vào bài làm.

Mặc dù đề thi không có câu hỏi thuộc dạng đánh đố thí sinh nhưng vẫn có những câu thuộc dạng phân loại thí sinh. Nếu các em không phân tích kỹ cấu trúc sẽ bị sai những lỗi không ngờ, dẫn đến sai kết quả bài làm.

Vì vậy, có thể kết luận rằng: mới nhìn vào đề thi thì thấy có vẻ dễ nhưng để đạt được điểm cao thì không dễ, phải là những học sinh giỏi, cẩn thận mới đạt được điểm tối đa.

H.HG. ghi

Tuổi Trẻ Online đăng bài giải môn toán

Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục cập nhật nhanh nhất những thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM. Sau giờ làm bài thi môn toán ở TP.HCM (diễn ra sáng 12-6), Tuổi Trẻ Online sẽ đăng tải bài gợi ý giải môn toán tại: tuoitre.vn. Mời bạn đọc đón xem.

HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên