Trụ sở Hội Quảng Tri bây giờ là UBND P.Phú Hòa, với chiếc cổng tam quan còn nguyên vẹn - Ảnh: An Bang |
Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu đều cho rằng Hội Quảng Trị là một giá trị lịch sử - văn hóa của Huế đã được khẳng định. Hội Quảng Tri thành lập năm 1905, trụ sở đặt tại khu nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng, TP Huế bây giờ.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó báo Tuổi Trẻ đã liên tục phản ánh về việc UBND P.Phú Hòa đề xuất phá dỡ khu nhà vốn là Hội Quảng Tri để xây dựng mới nhà làm việc do xuống cấp nặng nề và để phù hợp với công năng mới. Sau đó đã có nhiều ý kiến phản đối của các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử và người dân Huế. |
Đây là một tổ chức ra đời trong trào lưu duy tân đầu thế kỷ 20, cùng với Hội Trí Tri và trước cả Hội Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội, nhằm quảng bá tri thức, khơi dậy lòng yêu nước, tập hợp hầu hết các nhà trí thức lớn ở miền Trung bấy giờ như: Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh, Phạm Quỳnh, Đạm Phương Nữ Sử, Hải Triều, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu...
Tuy nhiên, tại cuộc tọa đàm có hai quan điểm về việc ứng xử với giá trị này.
Trả Hội Quảng Tri cho hoạt động văn hóa
Lập hồ sơ để công nhận Hội Quảng Tri là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh hoặc có thể là cấp quốc gia, đồng thời di dời UBND P.Phú Hòa đến địa điểm mới, giao Hội Quảng Tri cho một hoạt động văn hóa tương ứng với chức năng vốn có của di tích này.
PGS.TS Đỗ Bang, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế, cho rằng do sau năm 1975 cơ sở này không giao Hội Quảng Tri cho một cơ quan văn hóa (mà giao cho Phòng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp) nên công năng nó không phù hợp, khiến cho nó vừa bị biến dạng do bị cải tạo vừa xuống cấp nặng nề theo thời gian. Vì vậy, nếu tiếp tục sử dụng khu nhà mà nay mai sẽ là di tích này vào công việc hành chính thì sẽ khó lòng mà bảo tồn được nó.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - tổng biên tập tạp chí Sông Hương - đề nghị TP Huế nên sử dụng khu nhà Hội Quảng Tri cho một cơ quan văn hóa, vừa bảo tồn di sản này theo quan điểm “di tích phải sống với con người hôm nay”. Đồng thời, chọn một địa điểm khác để xây mới trụ sở UBND P.Phú Hòa cho phù hợp với các công năng hiện đại của một trung tâm hành chính.
Các nhà nghiên cứu và các cơ quan chuyên môn trao đổi tại cuộc tọa đàm - Ảnh: M.Tự |
Bảo tồn theo hướng thích nghi với thực tế
Ông Nguyễn Văn Quang, nguyên bí thư Thành ủy Huế, cho biết ông rất biết giá trị của Hội Quảng Tri, tuy nhiên giá trị vật chất của hội bây giờ chỉ còn là chiếc cổng tam quan rất đẹp cùng cái hàng rào, còn lại thì đã sửa chữa khác đi hoặc xuống cấp nặng nề quá rồi. Trong khi đó, quỹ đất trên địa bàn phường không còn chỗ để xây mới UBND phường.
Vì vậy, ông Quang cho rằng cần phải xây lại trụ sở của phường ngay tại khu đất này, nhưng phải giữ nguyên trạng chiếc cổng tam quan và hàng rào. Như thế vừa bảo tồn được giá trị cũ vừa đảm bảo cho nhu cầu mới của đời sống hôm nay.
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, phó chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên - Huế, đề nghị sử dụng khu nhà này theo cả hai mục đích: trung tâm hành chính phường đồng thời là di tích Hội Quảng Tri, bằng việc cho xây mới ủy ban phường nhưng kiến trúc phải phù hợp, và đặt tại đây một bia đá ghi đầy đủ nội dung của di tích Hội Quảng Tri.
Ông Cao Huy Huy Hùng, giám đốc Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế, cho hay nơi đây phải được công nhận di tích, nhưng là di tích “Địa điểm Hội Quảng Tri” chứ không phải toàn bộ khu nhà này là di tích.
“Di tích cần phải sống với đời sống hôm nay, vấn đề là UBND P.Phú Hòa đừng làm mất đi giá trị của Hội Quảng Tri” - ông Hùng nói.
Đồng quan điểm này là ý kiến của đại diện Phòng văn hóa thông tin, Phòng quản lý đô thị TP Huế, Sở Văn hóa - thể thao, Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế và một số nhà nghiên cứu khác.
Phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Kết luận cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Văn Thành - chủ tịch UBND TP Huế - quyết định sẽ bảo tồn một cách hài hòa giữa giá trị của Hội Quảng Tri với công năng mới của một trung tâm hành chính phường. Hội Quảng Tri có giá trị lớn về mặt lịch sử, nhưng hiện chỉ còn vài hạng mục có giá trị, còn lại đều đã biến dạng qua nhiều lần cải tạo và xuống cấp nặng.
Trong khi đó, quỹ đất của phường không còn chỗ để xây dựng mới UBND phường. Vì vậy sẽ cho xây dựng lại UBND P.Phú Hòa tại đây, nhưng yêu cầu thiết kế kiến trúc phải phù hợp với lịch sử, nó phải khác với các tòa nhà hành chính thông thường. Sẽ lập hồ sơ di tích “Địa điểm Hội Quảng Tri”, dựng bia đá ghi lại hoạt động một thời, giữ nguyên trạng cổng tam quan và hàng rào, phục hồi lại màu sơn vàng như vốn có.
Trong khu nhà UBND phường sẽ có một phòng truyền thống, trưng bày các hiện vật, tài liệu về Hội Quảng Tri để cho cả cán bộ phường lẫn người dân và du khách biết nơi đây đã từng là Hội Quảng Tri lừng lẫy một thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận