Phóng to |
"Xin chào Huế một lần anh đến. Để ngàn lần anh nhớ trong mơ" - Ảnh: Thái Lộc |
Trên phố, người ta treo băngrôn quảng bá lễ hội. Chính những băngrôn và bảng quảng bá này khiến phố rộn ràng. Tôi nhận ra điều đó bởi xung quanh tôi, mọi thứ vẫn rất Huế, vẫn đang lặng thầm vào mùa lễ hội.
Cái lặng thầm sâu lắng đầu tiên tôi gặp là dòng Hương. Không ai mang biển quảng bá festival choàng lên sông. Không đèn hoa chăng mắc dọc ngang. Không rộn ràng thuyền rồng thuyền phụng. Dòng Hương vẫn "dùng dằng không chảy" nên vẫn một dòng xanh mát lành như dải lụa mềm mại vắt qua thành phố.
"Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu", đó chính là sông Hương, chính là Huế.
Cái lặng thầm dịu dàng kế tiếp mà tôi gặp là đồi thông Thiên An. Thông vẫn xếp hàng đứng cạnh nhau vi vu hát. Cũng không ai mang băngrôn, biển quảng bá festival choàng ngang qua thông. Vậy nên tôi vẫn có thể lên đồi loăng quăng chụp hình chụp ảnh và thong thả thở. Mặc kệ những lo toan cất lại phía sau lưng.
Ở đồi thông, tôi gặp lại sim của tuổi thơ ba mẹ và cả tuổi thơ tôi. Sim đầu hè nên bung hoa tím ngăn ngắt. Không tìm được trái chín nào nhưng nghe môi vị chát ngọt của sim thuở lên mười. Nghe cả tiếng cười trong veo của mình và bạn bè vọng lại những ngày hè lên đồi tìm sim chín.
Cái lặng thầm trầm mặc không thể không nhắc đến là "Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng". Trong phố, chỉ còn một vài hôm nữa sẽ vào lễ hội. Ngoài phố, lăng tẩm vẫn im lặng giữa cây cối, nắng, gió... Không ai thúc hối phải nhanh nhanh trang trí, tu sửa cho kịp festival. Vậy nên, ở lăng Tự Đức, người thợ vẫn đều tay tu bổ, xây thêm công trình cho lăng. Không ai trang trí kẻ vẽ gì thêm nên tường đá vẫn rêu phong.
Cái lặng thầm kín kẽ giúp Huế không bị lẫn với các thành phố festival khác chính là người Huế. Người ta không dùng sự kiện lễ hội để mua bán vội vàng. Khách sạn không hề tăng giá. Hàng quán không hề tăng giá dù có một khoảng thời gian trước đó, người ta đến Huế và kể rằng nhiều quán hàng của Huế bán cho khách du lịch giá cả trên trời, chỉ cần nghe giọng nói không phải là giọng Huế là giá được tính cao lên gấp đôi, gấp ba.
Nghĩa là người ta đã kịp điều chỉnh mình khi suýt nữa chỉ vì chút lợi nhuận ngắn mà đánh mất chất Huế rất riêng ngàn đời chắt lọc.
Những người tôi gặp, không ai vội vàng vì festival đang rất gần. Họ vẫn ngày ngày quảy gánh bánh canh, chè, cơm hến... rao bán. Họ vẫn ngày ngày đạp xích lô tìm kiếm khách tham quan Huế. Họ vẫn ngày ngày thong thả đi học, đi làm. Với họ, họ luôn là người Huế và Huế luôn là Huế.
Lễ hội sẽ giúp người ta biết đến Huế nhiều hơn, giúp du lịch Huế phát triển hơn, chứ lễ hội không phải là dịp để người ta dựa vào làm ăn bát nháo. Vậy nên, người Huế dù không hẹn nhau nhưng vẫn lặng thầm vào lễ hội theo cái cách kín kẽ của riêng mình.
Nếu cần tìm góc rộn ràng nhất cho mùa lễ hội, bạn hãy vào thành nội, nơi quảng trường mà mỗi ngày người Huế hóng mát, thả diều, đá bóng... giờ người ta dựng sẵn sân khấu với tông màu tím chủ đạo. Hoa văn trang trí trên phông nền và trên các bục sân khấu được cắt tỉa tinh xảo.
Ở đó, người ta đang thử âm thanh, ánh sáng, ráp chương trình nghệ thuật... Chỉ một góc rộn ràng thôi, xung quanh thành quách vẫn uy nghiêm, lối nhỏ vẫn lặng im dưới bóng cây trăm tuổi, sen vẫn đằm thắm tỏa hương...
Thế. Huế vào mùa lễ hội bằng cái cách rất riêng của mình. Cho nên dù chỉ cần xòe tay là sẽ chạm festival nhưng tôi vẫn có thể thong thả dạo giữa lòng Huế để ăn tô bún bò cay cay, cuốn nem lụi nướng thơm lừng, tô cơm hến đậm đà, ly chè bắp dẻo thơm, đĩa bánh cuốn Kim Long với nước chấm thanh tao...
Tôi vẫn có thể thong thả dạo phố mà không sợ đua chen với khách du đến Huế, mà ngâm nga Thu Bồn "Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ. Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu. Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng. Mặt trời vàng và mắt em nâu. Xin chào Huế một lần anh đến. Để ngàn lần anh nhớ trong mơ. Em rất thực mà nắng thì mờ ảo. Xin đừng lầm em với cố đô".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận