Một bộ sưu tập áo dài được trưng bày tại hội thảo “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam” chiều 8-7 - Ảnh: NHẬT LINH
Đó là lời khẳng định của TS Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, tại hội thảo khoa học “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam” tổ chức chiều 8-7 tại TP Huế.
Tại hội thảo, nhiều tham luận đã được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và cả những nhà thiết kế áo dài trình bày để đưa ra dẫn chứng Huế chính là cái nôi của áo dài Việt Nam.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa trích dẫn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi rằng vào năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ra lệnh "Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở".
Công lao chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng
"Cũng trong Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục có ghi trang phục dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát được quy định "nam nữ sĩ thứ trong nước đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi là quần áo chít từ đây".
Từ đó, áo dài được ra đời, trở thành trang phục chính thức của cả đàn ông và nữ giới ở vùng đất Đàng Trong" - ông Hoa nói.
Dưới thời vua Minh Mạng, vua đã ra chiếu yêu cầu dùng trang phục áo dài được sản sinh ở vùng kinh thành Phú Xuân thay thế các dạng trang phục cổ truyền của Đàng Ngoài, từng bước điều chỉnh trở thành trang phục chung cho cả đàn ông và phụ nữ Việt Nam. Về việc này, ông Hoa lấy dẫn chứng trong kho tàng ca dao Việt Nam có câu "Tháng tám có chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy người ta hãi hùng" nhằm chỉ việc vua Minh Mạng ban chiếu thay thế các trang phục cổ truyền như váy ở miền Bắc thành áo dài có quần hai ống.
Theo TS Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Thừa Thiên Huế, chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng đã có công lao rất lớn trong việc đề xuất chủ trương và thực thi cải tổ triều phục, cải cách trang phục ở vùng đất Đàng Trong và toàn bộ nước Đại Nam trong lịch sử.
"Nếu như chúa Nguyễn Phúc Khoát có công khai sinh ra chiếc áo dài thì vua Minh Mạng có công đưa chiếc áo dài trở thành trang phục sử dụng phổ biến từ Bắc đến Nam, trong đó Huế giữ vị thế là kinh đô áo dài.
Vấn đề cải cách trang phục dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng không chỉ dừng lại ở hình thức mà còn phản ánh tinh thần thống nhất, tự chủ về văn hóa" - ông Hải nói.
Áo dài phải là quốc phục
GS.TS triết học Thái Kim Lan cho biết từ khi áo dài xuất hiện, chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng đã ban bố bắt buộc mọi người phải mặc thì áo dài đã có một ý nghĩa lịch sử rất lớn: áo dài là quốc phục, đại diện cho cả một dân tộc về vẻ bề ngoài.
Trước thực trạng hình ảnh áo dài không còn được phổ biến trong đời sống cộng đồng, GS.TS Lan cho rằng đó chủ yếu là do vấn đề tâm lý của con người chứ không phải do chiếc áo dài.
Đồng tình với ý kiến của bà Lan, ông Nguyễn Xuân Hoa nói rằng dù chưa ai công nhận áo dài là quốc phục nhưng gần đây người dân vẫn xem nó là quốc phục. "Tại hội nghị APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã mặc áo dài và tặng cho các nguyên thủ của các nền kinh tế trong APEC mỗi người một bộ áo dài cả nam lẫn nữ" - ông Hoa nói.
Theo ông Hoa, có nhiều hình thức để quảng bá áo dài và chúng ta có thể tiến tới công nhận áo dài là quốc phục thể hiện rất rõ bản sắc văn hóa của Việt Nam.
Lần đầu tiên tổ chức lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát
Cũng trong dịp này, lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát - người có công khai sinh ra áo dài Việt Nam - nhân kỷ niệm 255 năm ngày mất của ông (1765-2020).
Lễ tri ân sẽ diễn ra sáng 9-7 tại khu vực lăng Trường Thái (làng La Khê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế). Sau lễ tri ân tại lăng mộ chúa sẽ là lễ dâng hoa tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát cũng sẽ diễn ra tại Triệu Tổ miếu, Đại nội Huế.
Một đoàn khoảng 300 người, bao gồm lãnh đạo tỉnh, các nhà thiết kế áo dài, đội nghi thức và người mẫu mang áo dài sẽ đi bộ từ bên ngoài vào trong Đại nội đến Thế Tổ miếu để làm lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận