08/03/2019 11:39 GMT+7

Huawei và trận 'chung kết' với Mỹ

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Cuộc đối đầu giữa Huawei và chính quyền Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết định, khi nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc tiến hành hàng loạt động thái đáp trả gần đây.

Huawei và trận chung kết với Mỹ - Ảnh 1.

Bên ngoài một cửa hàng Huawei ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Trong một tuyên bố hôm 7-3, Huawei cho biết đã kiện chính quyền Mỹ lên tòa án quận ở Plano (bang Texas), xung quanh một lệnh cấm liên bang đối với việc mua thiết bị và sử dụng dịch vụ của công ty Trung Quốc này.

"Phương kế sau cùng"

Tháng 8-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA), trong đó cấm các cơ quan chính phủ sử dụng thiết bị và dịch vụ do Huawei cung cấp.

Đơn kiện của Huawei vừa qua kêu gọi đảo ngược những điều khoản trong NDAA, khẳng định lệnh cấm trên vi hiến vì "trừng phạt" Huawei không cần xét xử. Guo Ping, chủ tịch luân phiên của Huawei, nói: "Lệnh cấm này không chỉ phi pháp mà còn ngăn không cho Huawei tham gia cạnh tranh công bằng, và sau cùng chỉ làm tổn hại lợi ích người dùng Mỹ".

Ngôn từ của Guo Ping cũng na ná lời của chính quyền Trung Quốc khi đề cập tới việc Mỹ yêu cầu Canada bắt nữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei cuối năm ngoái. 

Trong đó, Guo Ping cáo buộc rằng với việc ban hành NDAA, Quốc hội Mỹ đã "vừa đá bóng vừa thổi còi" khi sắm một lúc cả ba vai: thẩm phán, bồi thẩm đoàn và người thực thi pháp luật. Ngoài ra, vị chủ tịch Huawei còn tố cáo chính quyền Mỹ tấn công hệ thống máy chủ, email cũng như mã nguồn của công ty này.

Truyền thông Mỹ nhận định động thái vừa qua là những nỗ lực phản ứng gay gắt nhất của Huawei từ trước tới nay đối với các cáo buộc nhắm vào họ. 

Nói như tờ New York Times thì Huawei đang triển khai "phương kế cuối cùng" để chống lại lệnh cấm. 

Đài CNN trong khi đó cho biết với việc khởi kiện lên tòa án tại Texas, Huawei có thể buộc chính quyền Mỹ phải xử kiện công khai.

Huawei không bị Chính phủ Trung Quốc sở hữu, kiểm soát hay tác động. Hơn nữa, Huawei có một chương trình và hồ sơ an ninh xuất sắc

SONG LIUPING (trưởng bộ phận pháp lý của Huawei)

"Chiến trường" châu Âu

Đến nay, Huawei vẫn bác bỏ mọi nghi án cho rằng họ tiềm ẩn nguy cơ an ninh cho Mỹ, đặc biệt là khẳng định không hề liên quan trực tiếp tới các hoạt động do thám của chính quyền Trung Quốc. 

Nói cách khác, Huawei muốn nhấn mạnh rằng tất cả những gì Washington đang làm chẳng qua muốn truất công ty này khỏi vị trí dẫn đầu công nghệ thế hệ mạng không dây thứ 5 (5G), hoặc biến gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc thành nạn nhân của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Thực tế chính quyền Tổng thống Trump đã liên tục hối thúc các đồng minh tiến hành cấm hoặc hạn chế sử dụng sản phẩm cung cấp hạ tầng 5G của Huawei với lý do an ninh, nhưng chưa đưa ra bằng chứng rõ ràng. Điều này giúp Huawei vẫn có cớ để phản bác.

Trong một diễn biến có phần hài hước, Huawei ở giai đoạn bị cáo buộc tạo nguy cơ an ninh mạng đã khai trương một trung tâm... an ninh mạng ở châu Âu. Trung tâm này có tên Trung tâm Minh bạch an ninh mạng, đặt trụ sở ngay tại Brussels - trái tim của Liên minh châu Âu (EU).

Châu Âu đang trở thành tâm điểm, một "chiến trường" trong cuộc đấu 5G giữa Trung Quốc và Mỹ. Và mọi chuyện đang không hề đơn giản cho Mỹ, bất kể các nước lớn tại châu Âu đều là đồng minh của Washington.

Hồi tháng 2, Đức nối gót Anh trở thành nước gần đây thể hiện sự hoài nghi với lời kêu gọi của Mỹ về việc cấm dùng thiết bị hạ tầng 5G của Huawei. Bản thân Đức cũng chia rẽ nội bộ về câu chuyện này, khi hôm 5-3 có tin tình báo Đức vẫn cố gắng đẩy Huawei ra khỏi các gói thầu thiết bị 5G.

Nói cách khác, châu Âu vẫn đấu tranh lựa chọn giữa đồng minh Mỹ và nhu cầu phát triển hạ tầng 5G của riêng mình. "Trận địa" căng thẳng nhất dường như đang nằm ở Trung Âu, theo tạp chí Atlantic (Mỹ) ngày 6-3.

Cộng hòa Czech là ví dụ điển hình trong sự lựa chọn ở ngã ba đường vừa nêu. Trong khi Thủ tướng Andrej Babis sắp gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng trong tuần này, thì Tổng thống Milos Zeman lại sắp đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Chính ông Zeman và ông Tập trong một cuộc gặp gỡ năm 2016 tại Prague đã cam kết rằng Trung Quốc sẽ đầu tư hàng tỉ USD vào Czech, đổi lại ông Zeman sẽ ủng hộ Trung Quốc trở thành đối tác kinh doanh tại châu Âu.

Martin Hala - giám đốc Cơ quan nghiên cứu Project Sinopsis tại Prague, chuyên gia về quan hệ với Trung Quốc - nhận định: "Cộng hòa Czech và nhiều nước khác đang ngồi trên hai chiếc ghế vốn đang dần tách lìa nhau. Vị trí đôi bờ này, với nguyên tắc vừa hướng đông vừa hướng tây... sau cùng sẽ cần phải có một giải pháp nhất quán".

Giám đốc tài chính Huawei kiện chính quyền Canada

TTO - Các luật sư của bà Mạnh Vãn Chu đã kiện chính phủ Canada, cơ quan biên phòng và cảnh sát liên bang nước này vì cho rằng thân chủ của họ đã bị thẩm vấn, lục soát đồ đạc bất hợp pháp.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên