Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã liên tục chịu áp lực ngày một tăng từ phía Mỹ - Ảnh: AFP
Dù đã có thể tự chủ tốt hơn trong nhiều lĩnh vực công nghệ chiến lược, mảng thiết kế và sản xuất chip điện tử vẫn là một thách thức lớn đối với Trung Quốc. Đây là một ngành công nghiệp phức tạp, đòi hỏi nhiều thập kỷ nghiên cứu và phát triển.
Trong khi đó, Mỹ liên tục gia tăng áp lực đối với các hãng công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là Huawei.
Vào tháng 5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các nhà sản xuất chip nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ phải đăng ký giấy phép nếu muốn bán hàng cho Huawei. Đây được xem là cách Mỹ gia tăng mức trừng phạt đối với hãng công nghệ Trung Quốc này.
"Huawei không có nguồn sản xuất chip thay thế tại nội địa trong ngắn hạn. Điều này không chỉ đòi hỏi tiền bạc, mà còn nỗ lực chung từ nhiều thế hệ kỹ sư và nhà khoa học - những người đã bỏ qua các nghiên cứu khoa học cơ bản để đạt được tiến bộ trong lĩnh vực bán dẫn", một chuyên gia kinh tế tại Thượng Hải giải thích với báo South China Morning Post.
Theo một số chuyên gia khác, cơ sở tại Thâm Quyến của Huawei đang tập trung phần lớn thời gian từ nay cho đến tháng 9 để xây dựng nguồn dự trữ chiến lược. Huawei từng thực hiện động thái tương tự sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại hồi tháng 5-2019.
Ông Eric Tseng, giám đốc điều hành hãng nghiên cứu vật liệu bán dẫn Isaiah Capital & Research, nhận định có nhiều dấu hiệu cho thấy Huawei đã dự trữ đủ chip cho các trạm 5G của mình đến hết nửa đầu năm 2021.
Ông Tseng cũng cho rằng kế hoạch trong ngắn hạn và trung hạn của Huawei là chuyển đổi nguồn cung chip phân khúc thấp từ hãng sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan TSMC sang Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) của đại lục.
"Về chip cho điện thoại thông minh và mạng 5G thuộc phân khúc cao, các nhà cung cấp nội địa khó lòng cung cấp sự hỗ trợ đắc lực nào cho đến năm 2023", ông Tseng nói.
Dù vậy, South China Morning Post cho rằng vẫn quá sớm để kết luận về khả năng của Trung Quốc.
Tuy đổ tiền vào ngành vật liệu bán dẫn tại quê nhà không phải giải pháp hoàn hảo, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn có thể tạo nên thay đổi.
"Tài năng và con người đóng vai trò chủ chốt trong ngành này", theo ông Chai Jie, quản lý của Ultra Pure Applied Materials - một nhà cung vật liệu cho TSMC.
Ông Jie cho rằng một hoặc hai "thiên tài có thể tạo ra đột phá". "Vì vậy các khoản đầu tư của chính phủ rất quan trọng trong việc phát triển ngành", ông Jie khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận