Văn phòng của Công ty Futurewei tại Thung lũng Silicon ở Santa Clara, bang California - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Sputnik (Nga), ngày 5-12, phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Công ty Huawei ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), ông Song Liuping - giám đốc pháp lý của Huawei - cho biết Huawei đã nộp đơn kiện lên tòa phúc thẩm số 5 tại New Orleans để phản đối lệnh cấm của FCC với sản phẩm của họ.
Tháng trước, Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ (FCC) ban hành quy định cấm các nhà mạng ở nông thôn của Mỹ sử dụng tiền ngân sách liên bang (lên đến 8,5 tỉ USD mỗi năm) để mua các thiết bị, dịch vụ viễn thông từ những công ty tiềm ẩn "nguy cơ an ninh quốc gia".
FCC đã nêu rõ các công ty Trung Quốc gồm Huawei và ZTE là những công ty thuộc đối tượng bị nhắm tới của lệnh cấm này vì cả hai đều có quan hệ mật thiết với chính phủ, quân đội Trung Quốc, họ cũng buộc phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc.
Trong đơn kiện, Huawei yêu cầu tòa phúc thẩm số 5 bãi bỏ quyết định đó của FCC. Công ty này cho rằng FCC đã không cung cấp được chứng cứ nào để chứng minh cho những cáo buộc của họ với Huawei.
"Việc cấm một công ty như Huawei chỉ vì chúng tôi hoạt động tại Trung Quốc không giúp giải quyết được bất cứ thách thức an ninh nào", ông Song Liuping nói.
"Nếu FCC thực sự lo ngại về sự an toàn của chuỗi cung cấp viễn thông thì họ cũng nên hiểu rằng mọi thiết bị được làm tại Trung Quốc của các nhà cung cấp khác cũng có những nguy cơ tương tự", ông Song Liuping tiếp.
"Do đó không chỉ là Huawei và ZTE, mà cả Nokia và Ericsson cũng đều sản xuất tại Trung Quốc", vị giám đốc pháp lý của Huawei lập luận.
Trong đơn kiện mới vừa đệ trình, Huawei cho rằng lệnh cấm của FCC đã vi phạm hiến pháp cũng như quy trình xét xử công bằng, đồng thời đã vượt quá thẩm quyền theo quy định của FCC.
Huawei và ZTE, hai hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, lần đầu tiên bị Ủy ban tình báo Hạ viện gắn nhãn là mối nguy với an ninh quốc gia ở Mỹ vào năm 2012.
Tuy nhiên chỉ dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington mới triển khai chiến dịch ngăn chặn mạnh mẽ và toàn diện hơn với hoạt động kinh doanh của hai công ty này tại Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận