Huawei, Canada và cuộc cờ Trung - Mỹ

TTCT - Tuần qua, thế giới xôn xao, thị trường chứng khoán chao đảo trước tin giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) của Huawei bị bắt khi đang quá cảnh ở Vancouver, Canada.

Cuộc Chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ - Trung đã bắt đầu? Ảnh: wired.com
Cuộc Chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ - Trung đã bắt đầu? Ảnh: wired.com

 

Bà Mạnh, con gái của nhà sáng lập Nhậm Chánh Phi (Ren Zhengfei), cũng là phó chủ tịch hội đồng quản trị Huawei. Vụ Canada bắt bà Mạnh theo yêu cầu của Mỹ là diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung về thương mại nói chung và công nghệ nói riêng.

Bà Mạnh bị bắt vào ngày 1-12, cùng ngày mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp song phương tại Buenos Aires, Argentina, để bắt tay tạm thời hưu chiến thương mại. Đợt hưu chiến này, trong 90 ngày, trở nên mong manh sau sự kiện Huawei.

Thử thách quan hệ Canada - Trung Quốc

Vụ bắt giữ một nhà quản lý doanh nghiệp Trung Quốc có thế lực tài chính và quan hệ chính trị trên lãnh thổ Canada gây thêm một trở ngại nữa cho nỗ lực của Thủ tướng Justin Trudeau nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc, vốn đã căng thẳng do những bất đồng về thương mại và đầu tư. Trung Quốc lập tức phản đối và cảnh báo Canada sẽ trả giá đắt nếu không thả ngay bà Mạnh.

Hôm 6-12, Thủ tướng Trudeau nói ông được thông báo về lệnh bắt vài ngày trước, nhưng không trực tiếp can dự và chưa nói chuyện với giới chức Trung Quốc về vấn đề này.

Ông nói với báo giới tại Montreal: “Chúng tôi là một quốc gia có nền tư pháp độc lập và các cơ quan chức trách đúng chức năng đã đưa ra các quyết định trong vụ này mà không có sự tham gia hoặc can thiệp chính trị nào”.

Áp lực đối với Trudeau sẽ tăng lên. Trung Quốc sẽ bằng mọi giá thể hiện thông điệp đó” - Gordon Houlden, giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học Alberta, nhận định. Ông cho rằng vị trí cao cấp và quan hệ gia đình của bà Mạnh sẽ đổ thêm dầu vào lửa cho phản ứng của phía Trung Quốc, đẩy ông Trudeau vào tình thế khó xử, không biết chọn phương án nào: ủng hộ Mỹ hay Trung Quốc, hoặc cố gắng trung lập trong quá trình chủ yếu thông qua tòa án.

Trudeau ở thế khó vì Mỹ và Canada đã ký hiệp ước dẫn độ, theo Robert Currie, giáo sư chuyên về luật quốc tế và dẫn độ tại Đại học Dalhousie ở Halifax, Nova Scotia. Currie nói từ chối dẫn độ đồng nghĩa “Canada vi phạm luật quốc tế”.

Phải nói thêm, Pierre Trudeau, cha của ông Justin, chính là người thiết lập quan hệ với Trung Quốc khi ông là thủ tướng hồi những năm 1970, một di sản từng được ông Tập Cận Bình ca ngợi. Đương kim thủ tướng cũng đã cố gắng mời mọc Trung Quốc, nhưng không phải lúc nào cũng như ý.

Ý định bắt đầu đàm phán hiệp định thương mại đã bất thành khi Thủ tướng Trudeau có nhiều yêu sách về các điều khoản tiến bộ như tôn trọng quyền phụ nữ và nhiều vấn đề khác. Mới đây, Canada chọc giận Trung Quốc khi không phê duyệt vụ công ty đầu tư vốn quốc tế thuộc Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc định mua Tập đoàn xây dựng Aecon của Canada.

Vụ bắt giữ bà Mạnh càng cho thấy rõ Canada đứng về phía nào trong cuộc đối đầu ngày càng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ.

Mối thâm tình Huawei - Canada

Tuy bắt bà Mạnh, Canada tới nay vẫn chưa cấm cửa Huawei như một số nước phương Tây khác và hãng này vẫn tiếp tục cung cấp thiết bị cho nhiều công ty viễn thông ở Canada. Láng giềng phương Bắc của Mỹ cũng đóng vai trò lớn trong các nỗ lực nghiên cứu và thương mại hóa của Huawei liên quan tới công nghệ 5G tốc độ cao.

Huawei là hãng cung cấp lớn thứ ba cho Telus Corp, công ty có trụ sở ở Vancouver và là một trong ba hãng viễn thông lớn nhất Canada. Huawei và Telus hợp tác trong một dự án thí điểm 5G năm ngoái. Huawei cũng hợp tác với Bell Canada, thuộc BCE Inc., trong một dự án thí điểm “Internet vạn vật” (Internet of Things).

Kể từ khi vào thị trường Canada năm 2008, Huawei đã mở rộng các cơ sở nghiên cứu ở Ottawa, Toronto và Waterloo, Ontario, được chính phủ liên bang và ba tỉnh bang miễn giảm thuế cho các chi phí nghiên cứu và phát triển.

Huawei cũng tài trợ hàng triệu đôla cho các trường đại học hàng đầu Canada thực hiện những nghiên cứu giúp công ty có được nhiều bằng sáng chế và có hơn 500 nhân viên tại Canada. Huawei thậm chí còn tài trợ cho một phần trong “Đêm khúc côn cầu Canada”, một trong những chương trình truyền hình nhiều người xem nhất vào tối thứ bảy hằng tuần ở nước này.

Một số nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi chính phủ Trudeau không cho Huawei tham gia phát triển mạng 5G của Canada, với lý do là các mối quan hệ của Huawei với Nhà nước Trung Quốc có nguy cơ gây phương hại cho an ninh của Canada.

Huawei không phải là một công ty tư nhân bình thường” - hai thượng nghị sĩ Marco Rubio và Mark Warner viết trong một thư gửi Thủ tướng Trudeau hồi tháng 10.

Nhiều đồng minh của Canada đã cấm hoặc gần như cấm Huawei tham gia các mạng tân tiến. Hãng này gặp trở ngại lớn về triển khai công nghệ 5G khi một số thành viên của liên minh chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn, gồm: Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand) bày tỏ lo ngại là các thiết bị Huawei có thể gây rủi ro an ninh quốc gia.

Chính phủ liên bang Canada đang tiến hành một cuộc đánh giá an ninh quốc gia để quyết định liệu Canada có nên noi gương các nước trong nhóm đã cấm Huawei hay không. Tuy nhiên, Canada cũng phải cân nhắc thiệt hại lớn tức thời đối với các công ty viễn thông hàng đầu.

Theo nhật báo The Globe and Mail, hai tập đoàn Telus và BCE có thể tổn thất ít nhất 1 tỉ USD nếu Canada cấm dùng thiết bị 5G của Huawei.

Trung Quốc đã xây dựng riêng cho họ những công ty công nghệ ít chịu sự chi phối từ Mỹ - Ảnh: Techonomy
Trung Quốc đã xây dựng riêng cho họ những công ty công nghệ ít chịu sự chi phối từ Mỹ - Ảnh: Techonomy

 

Ý đồ thực sự của Mỹ?

Một số nhà bình luận cho rằng vụ bắt bà Mạnh bóc trần ý đồ chính của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc: không phải đánh thuế để ngăn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và vực dậy ngành sản xuất chế tạo ở Mỹ, mà là giữ thế mạnh về công nghệ tân tiến.

Huawei là một trong những hãng sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị mạng lớn nhất thế giới. Công ty này đóng vai trò then chốt trong tham vọng của Trung Quốc muốn bớt dựa vào công nghệ nước ngoài và trở thành một cường quốc về sáng tạo.

Trung Quốc đã chi hàng trăm tỉ đôla cho kế hoạch “Sản xuất ở Trung Quốc 2025”, với mục tiêu vươn lên dẫn đầu thế giới trong các ngành như khoa học robot, xe điện và vi mạch máy tính. Một trong những ưu tiên hàng đầu là áp dụng công nghệ di động 5G, mà chủ yếu dựa vào Huawei.

Mỹ thì lâu nay thể hiện rõ ý định chặn đà vươn lên của Trung Quốc và duy trì thế thượng phong của Mỹ trong công nghệ. Một số người trong Chính phủ Trung Quốc nhìn nhận vụ bắt bà Mạnh qua lăng kính này. Một bài xã luận trên Nhân Dân Nhật Báo 6-12 viết: “Mỹ đang cố gắng làm mọi chuyện có thể để ngăn chặn sự mở rộng của Huawei trên thế giới chỉ vì công ty này là điển hình của các công ty có sức cạnh tranh của Trung Quốc”.

Trung Quốc có tham vọng vươn lên thống lĩnh toàn cầu về công nghệ qua những tập đoàn như Huawei. Ảnh: Pinterest
Trung Quốc có tham vọng vươn lên thống lĩnh toàn cầu về công nghệ qua những tập đoàn như Huawei. Ảnh: Pinterest

 

Những tham vọng của Trung Quốc về công nghệ đã gây lo ngại ở Mỹ trong nhiều năm qua, nhất là vì các mục tiêu của Bắc Kinh được xem là dựa vào đánh cắp công nghệ Mỹ. Tổng thống Trump đã tìm cách trực tiếp xử lý những vấn đề này, bao gồm các loại thuế quan hàng trăm tỉ USD với mục đích một phần là ngăn chặn Trung Quốc ăn cắp công nghệ Mỹ.

Cụ thể, Mỹ nhắm trực tiếp tới những công ty công nghệ Trung Quốc cần linh kiện Mỹ. Hồi tháng 4, Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty Mỹ xuất khẩu linh kiện thiết yếu cho ZTE, vì cho rằng ZTE đã vi phạm một thỏa thuận trước đó trừng phạt công ty này do không tuân thủ các biện pháp chế tài Iran và Bắc Triều Tiên. Lệnh cấm này khiến ZTE ngưng gần như toàn bộ hoạt động trong nhiều tháng.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu các ngành công nghệ Trung Quốc bớt dựa vào các nhà cung cấp nước ngoài, và đủ khả năng tự cung tự cấp hơn.

Huawei lâu nay đã đầu tư nhiều cho nghiên cứu, phát triển và tiếp thị các thiết bị 5G. Paul Triolo, trưởng ban chính sách công nghệ toàn cầu tại hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group, nói rằng Huawei là công ty duy nhất trên thế giới hiện có thể sản xuất tất cả mọi thành tố của một mạng 5G, bao gồm trạm gốc, trung tâm dữ liệu, ăngten và điện thoại, kết hợp chúng với quy mô đại trà và chi phí thấp.

Nhưng để thành công trong việc triển khai các mạng 5G, Huawei cần Mỹ. Trong 92 nhà cung cấp chính của Huawei, 33 là các công ty Mỹ, từ các hãng sản xuất vi mạch Intel, Qualcomm và Micron, tới các hãng phần mềm Microsoft và Oracle. Do vậy, vụ Mạnh Vãn Chu sẽ có những hệ lụy lớn.

Chưa rõ chính Huawei có gặp rắc rối pháp lý hay không, nhưng có nhiều suy đoán rằng tương tự như lệnh cấm đối với ZTE, Huawei có thể bị cấm mua hàng/dịch vụ của công ty Mỹ do những vi phạm cấm vận.

Một lệnh cấm như thế sẽ gây tác hại khủng khiếp cho Huawei, và sẽ phá hỏng kế hoạch của Bắc Kinh muốn tung 5G ra thị trường tiêu dùng trên quy mô lớn trước năm 2020.

Vụ việc cũng có thể để lại những hệ quả sâu sắc hơn trong cuộc đua tranh công nghệ Mỹ - Trung về lâu dài. Nhà phân tích Edison Lee cho rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các nỗ lực trở nên độc lập hơn về công nghệ, và tìm cách để có thể gây hại cho Mỹ, như giảm bớt việc mua máy bay Boeing, hoặc bới lông tìm vết để xử lý các công ty Mỹ vi phạm luật Trung Quốc. Ông nói: “Hi vọng của họ là trong vòng 10 năm, họ sẽ chẳng cần Mỹ nữa”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận