Nhà sáng lập Tập đoàn công nghệ Huawei Nhậm Chính Phi - Ảnh: AFP
Nikkei Asia Review ngày 11-9 tung ra bài hồ sơ tìm hiểu đầy đủ kế hoạch Huawei bí mật chuẩn bị để ứng phó với các rào cản thương mại từ Mỹ.
Theo tạp chí này, trong những tuần đầu tiên năm 2019, 20 kỹ sư của Huawei đã được cử đi làm một nhiệm vụ bí mật tại thành phố Giang Âm, Giang Tô, Trung Quốc.
Tại đây, nhóm kỹ sư đã tiếp quản và nâng cấp cơ sở hạ tầng của một số cơ sở thuộc Jiangsu Changjiang Electronics Technology, công ty chuyên đóng gói và thử nghiệm chip điện tử lớn nhất Trung Quốc.
"Những nhân viên Huawei này làm việc gần như cả 7 ngày mỗi tuần, từ sáng đến đêm, chọn lựa và giám sát mọi chi tiết... yêu cầu rất gắt gao rằng công ty địa phương này nhanh chóng đạt chuẩn toàn cầu càng sớm càng tốt", Nikkei dẫn lời một giám đốc trong ngành chip điện tử nắm rõ diễn biến.
"Thật lòng việc họ là như chuẩn bị cho thời chiến", vị giám đốc này nói.
Hứa sử dụng 80% sản lượng trong vòng 2 năm tiếp theo
Theo Nikkei, Huawei đang kêu gọi các doanh nghiệp chip điện tử trên khắp châu Á đẩy mạnh sản xuất để bán hàng cho mình. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc còn đưa ra cam kết khó cưỡng. Ví dụ công ty này sẽ đảm bảo sử dụng 80% sản lượng trong vòng 2 năm tiếp theo cho các nhà cung ứng đang và có tiềm năng hợp tác.
Giám đốc tài chính Huawei, Mạnh Vãn Châu, rời khỏi nhà riêng để đến phiên tòa ngày 8-5, theo giờ địa phương - Ảnh: REUTERS
Bắt đầu cảnh giác từ khi giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada hồi tháng 12-2018, Huawei đã lập tức kích hoạt kế hoạch "chia tay" nhà cung cấp Mỹ.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cùng ngành nhanh chóng theo chân "ông trùm", lên kế hoạch để tách hoàn toàn khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ Mỹ.
Vào tháng 5-2019, Nhà Trắng đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại Entity List, cắt đường làm ăn của doanh nghiệp này cùng với các nhà cung cấp của Mỹ.
Tuy nhiên, Nikkei cho rằng Washington có thể thất bại nếu định dùng đòn này nhằm kiềm hãm quá trình phát triển công nghệ của Huawei.
Tập đoàn của tỉ phú Nhậm Chính Phi đã lường trước được lối chơi của Mỹ. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE từng bị Washington đẩy vào Entity List vào tháng 3-2016 vì cáo buộc làm ăn với Iran, chống lại lệnh cấm vận.
Diễn biến lặp lại với Huawei khi bà Mạnh bị bắt với cáo buộc tương tự.
Theo điều tra của Nikkei, Huawei đã tìm đến các nhà cung ứng tại Đài Loan, Nhật Bản và nơi khác tại châu Á.
Đã bí mật chuẩn bị nhiều năm?
Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất xác nhận Huawei đã bí mật chuẩn bị công nghệ riêng từ nhiều năm trời, nhưng chưa đưa vào sản xuất đại trà.
"Sự thật không giống như đa số những người ngoài cuộc nghĩ, rằng Huawei chỉ mới bắt đầu phát triển các thiết bị sóng vô tuyến sau khi nguồn cung bị cắt đứt. Chất lượng tuy không thể 100% tốt như của Skyworks (nhà cung cấp của Mỹ), nhưng chúng dùng được. Người dùng có thể sẽ không nhận ra sự khác biệt quá lớn", một giám đốc trong ngành cho biết.
Ông Roger Sheng, một chuyên gia công nghệ thuộc Hãng tư vấn Gartner, cho biết nhiều nhà cung cấp hạng 2 và 3 đang nhận được cơ hội có một không hai để làm việc cùng Huawei. Những doanh nghiệp này sẽ không bao giờ có cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng của Huawei nếu trong bối cảnh cũ.
Tuy nhiên, dù chuẩn bị nhiều đến đâu, Huawei vẫn chịu không ít thiệt hại từ các đòn tấn công của Mỹ nhắm vào chuỗi sản xuất của họ.
Washington đã kêu gọi đồng minh của mình cùng giới hạn thị trường của Huawei. Ông Nhậm từng dự đoán doanh thu của hãng sẽ sụt giảm 30 tỉ USD trong năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận