Có ích từ khi được… xoá án tử
Trong suốt nhiều năm trước, con voi được gọi là Moorthy đã từng làm chết 21 người và khủng bố hầu hết các làng ở miền Nam Ấn Độ.
Dễ dàng nhận ra những đốm sáng màu hồng trên mặt nó, con “quái vật” ấy đã nhận một bản án tử hình sau khi chà đạp gần chục người ở bang Kerala. Bất chấp lệnh bắn chết, Moorthy đã trốn thoát qua bang Tamil Nadu láng giềng, nơi nó tiếp tục giết thêm 10 người khác.
Tuy vậy, chính quyền bang Tamil Nadu lại "cấm làm hại voi". Năm 1998, Moorthy bị bắt và đưa vô trại voi Theppakadu để thuần hoá. "Từ khi tôi huấn luyện Moorthy, trong suốt nhiều năm, nó vẫn như một đứa trẻ ngây thơ, không làm tổn thương bất kỳ ai" - ông Kirumaran M., 55 tuổi, người nài voi, nói với AFP.
"Moorthy bình tĩnh tới mức ngay cả khi có bất kỳ một em bé nào tới chơi hoặc ôm nó. Nó không hề làm tổn thương các bé" - ông Kirumaran M. kể.
Được bàn tay con người chăm sóc, voi Moorthy là một trong những con voi được gọi là "Kumki" ở Theppakadu - trại voi lớn nhất của Ấn Độ, thành lập từ năm 1927.
Làm việc "sát cánh" với các nài voi, đàn voi của trại Theppakadu được huấn luyện để đối đầu và xua đuổi voi hoang dã ra khỏi các ngôi làng. Chúng giúp ngăn chặn các cuộc xâm lấn thường xuyên và hung hãn của những con voi hoang dã tìm vào các khu dân cư để kiếm thức ăn.
"Lũ voi hoang dã xộc vô làng, và con cái của chúng tôi rất dễ bị tổn thương. Vì trẻ con phải ra khỏi nhà để tới trường, khiến chúng tôi luôn lo sợ rằng chúng có thể bị lũ voi hoang dã tấn công" - bà Shanti Ganesh, một người dân sống gần trại voi Theppakadu cho biết.
Đôi khi các voi Kumki cũng giúp bao vây và bắt những “kẻ xâm nhập” để đưa chúng vô trại và huấn luyện phục vụ cộng đồng xung quanh.
"Voi Sankar ở đây đã từng tấn công và giết ít nhất 3 người trong làng, vì vậy chúng tôi được lệnh bắt giữ nó, với sự giúp đỡ của các Kumki. Bây giờ, tụi tôi cũng đang huấn luyện Sankar." - Vikram, một người nài voi của trại Theppakadu, kể.
Vì đói mà chúng trở nên hung dữ…
Ấn Độ là quê hương của khoảng 25.000 con voi, theo tổ chức Worldwide Fund for Nature, chiếm khoảng 60% dân số voi hoang dã ở châu Á.
Tuy vậy, Ấn Độ cũng là nơi xảy ra những cuộc xung đột căng thẳng giữa voi với người, do sự xâm phạm không ngừng của con người đối với môi trường sinh sống của voi trong các khu rừng.
Theo số liệu do chính phủ Ấn Độ cung cấp, tới năm 2019 đã có hơn 2.300 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công của voi trong 5 năm liền. Trong cùng thời gian đó, đã có hơn 500 con voi bị chết, trong đó có 333 con chết vì bị điện giật và khoảng 100 con chết vì bị săn trộm, đầu độc.
“Chỉ vì mất môi trường sống mà voi tấn công người, hoặc tàn phá tài sản của người. Tất cả các khu rừng nơi chúng từng sống nay đã biến thành các thị trấn hoặc làng mạc của con người. Chúng tấn công vì bị đói.” - Kirumaran, một người nài voi, chia sẻ.
Theo Ananda Kumar thuộc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên của Ấn Độ: Bất kỳ con voi nào tham gia vào những vụ giẫm đạp chết người đều có thể bị kích động bởi những cuộc đối đầu bạo lực từ những người cố gắng xua đuổi chúng.
“Những con voi đó có thể đã bị săn đuổi trong nhiều tháng. Đó là một kiểu tra tấn mà voi phải trải qua, và chúng ta phải chấm dứt là hành vi đó." - ông Ananda Kumar nói.
Theo Ananda Kumar, ông đã tận mắt chứng kiến một con voi bị bắn nhiều lần, tới nỗi bác sĩ thú y đã lấy ra gần 100 viên đạn từ xác của nó.
Việc ngăn chặn xung đột giữa voi với người phụ thuộc vào việc bảo vệ và mở rộng môi trường sống của voi. Bên cạnh đó, các chuyên gia đề nghị cần liên kết các khoảnh rừng biệt lập, để tạo ra những hành lang giúp voi hoang dã có nhiều không gian hơn cho việc đi lang thang kiếm ăn và sống còn.
Voi Kumki: Từ sát thủ trở thành trợ thủ Từ "Kumki" bắt nguồn từ tiếng Ba Tư "Kumak", có nghĩa là “sự giúp đỡ”. Những người nài voi ở các bang Bengal, Tamil Nadu bên Ấn Độ đã sử dụng rộng rãi từ Kumki để chỉ những con voi châu Á đã được thuần hoá và trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu nhằm ứng phó với voi hoang dã. Kumki nhiều khi là những… voi cái được huấn luyện để làm "mồi nhử" các voi đực hoang dã. Voi Kumki được dùng để bắt voi hoang dã, đôi khi để giải cứu hoặc xoa dịu, điều trị y tế đối với một con voi hoang dã bị thương, hoặc bị sụp bẫy. Voi Kumki còn có khả năng “chăn dắt”, hoặc dẫn những con voi hoang dã rời đi trong các tình huống xung đột với con người, theo The Wealth of India. Volume III (New Delhi, 1952). Nhiều bộ phim điện ảnh liên quan tới voi Kumki đã được phát hành ở Ấn Độ. Tuy vậy, không ít nhà hoạt động vì phúc lợi động vật đã phản đối hệ thống đào tạo voi Kumki. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận