17/03/2013 12:02 GMT+7

Huấn luyện công an thành thạo võ thuật, bắn súng và giao tiếp

L.KIÊN - M.QUANG thực hiện
L.KIÊN - M.QUANG thực hiện

TT - Bộ Công an đã thay đổi hàng loạt kế hoạch đào tạo về võ thuật, sử dụng công cụ hỗ trợ, bắn súng và đặc biệt là đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử với nhân dân cho cán bộ chiến sĩ để nâng cao chất lượng phục vụ của lực lượng công an.

“Dự thảo nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ” là đề tài được bàn luận rất nhiều trong tuần qua. Tuổi Trẻ tạm khép câu chuyện này bằng cuộc trò chuyện với thiếu tướng Nguyễn Xuân Tư - phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an và một số ý kiến của các luật sư...

Đây cũng là một trong những biện pháp để xử lý đối với tình trạng chống người thi hành công vụ.

Mcz6n3JW.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tư

Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tư - phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an:

"Trong thực tế, số chống người thi hành công vụ quyết liệt phần lớn là số côn đồ, manh động chứ không phải là những người dân bình thường"

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tư

* Thưa ông, nổ súng chỉ là biện pháp cuối cùng, việc bắn bị thương hoặc tiêu diệt một người chỉ là vạn bất đắc dĩ, khi người thi hành công vụ đã làm hết tất cả các cách khác có thể. Một trong những vấn đề đặt ra là đào tạo như thế nào để có những chiến sĩ công an mưu trí, bản lĩnh thuyết phục đối tượng, cũng như giỏi võ thuật để khống chế đối tượng khi cần thiết...

- Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tư: Trước đây, trong hệ thống đào tạo của mình, phải nói rằng công tác huấn luyện võ thuật, bắn súng chưa thật sự được coi trọng, khi ra trường làm nhiệm vụ thì cũng không được huấn luyện, bổ túc thường xuyên nên khi giáp mặt với tội phạm còn có những trường hợp lúng túng, bị động, dễ bị đối tượng tấn công gây thương tích, hi sinh.

Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng đề án nâng cao chất lượng đào tạo quân sự, võ thuật, bắn súng cho các trường trong lực lượng; tập trung nâng cao thời lượng, đổi mới chương trình đào tạo, huấn luyện võ thuật. Trước đây chúng ta gọi là võ thuật chung chung, nhưng hiện nay phân định và biên soạn lại hệ thống chương trình huấn luyện. Theo đó, sẽ có môn võ thuật phòng vệ vì đã là chiến sĩ công an thì phải thành thạo chuyện phòng vệ để bảo vệ tính mạng của mình, sau đó mới học đến chương trình thứ hai là võ thuật tấn công tội phạm. Anh biết tự vệ rồi thì anh phải biết tấn công để khống chế, bắt tội phạm. Chương trình này không chỉ huấn luyện một thời gian mà sẽ được duy trì trong suốt quá trình học tập.

Thứ hai là Bộ Công an có chỉ thị tăng cường huấn luyện võ thuật cho lực lượng công an nhân dân. Hằng năm các địa phương phải tập huấn, ôn luyện lại, nhất là với cán bộ chiến sĩ trực tiếp chiến đấu thì phải thường xuyên được huấn luyện. Ngay đến việc đào tạo bắn súng, trước kia chỉ có mấy bài bắn cố định, bắn di động bằng các loại súng ngắn, súng AK nhưng bây giờ chúng tôi đã thiết kế lại chương trình. Ngoài việc bắn cố định ngắn, dài, bắn di động thì đã xây dựng các bài tập bắn theo các tình huống (có các phần mềm).

Tuy nhiên, muốn bắn theo các tình huống thì phải có các trường bắn rất hiện đại, nhưng hiện nay các trường của chúng ta chưa có điều kiện xây dựng được trường như vậy (trừ Đại học An ninh có trường bắn đạt chuẩn quốc gia). Để khắc phục, bộ cũng đã có đề án xây dựng các trung tâm huấn luyện, trường bắn hiện đại như Công an TP.HCM, Công an Bắc Ninh đã được đầu tư thí điểm.

* Bên cạnh đào tạo võ thuật thì chúng ta có chú ý phải đào tạo nhiều kỹ năng khác, ví dụ như trong tình huống nào thì ứng xử để thuyết phục, vận động, tình huống nào thì sử dụng võ thuật, tình huống nào thì sử dụng công cụ hỗ trợ khác?

- Hiện nay, trong các trường đào tạo lực lượng công an nhân dân, chúng tôi đã đưa vào chương trình đào tạo thời lượng 75 tiết học, ngoài ra còn có chương trình ngoại khóa là kỹ năng giao tiếp, ứng xử với nhân dân. Đặc biệt, vừa rồi Bộ trưởng Trần Đại Quang đã trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài cấp bộ về văn hóa ứng xử đối với nhân dân của lực lượng công an nhân dân. Chúng tôi mong muốn sẽ đưa ra một hệ thống lý luận chính xác để đưa vào giảng dạy văn hóa giao tiếp của từng lực lượng, từng bộ phận. Ví dụ, vừa rồi chúng tôi phải gửi một số đồng chí đi học ở nước ngoài về kỹ năng đàm phán với bọn khủng bố, bắt cóc con tin.

Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận rằng trong thực tiễn, hiện nay báo chí, nhân dân vẫn còn những phàn nàn, bức xúc trước những biểu hiện không đúng mực về văn hóa giao tiếp của lực lượng công an với nhân dân, đặc biệt là trong một số lực lượng trực tiếp tiếp xúc với nhân dân như cảnh sát quản lý hành chính, cảnh sát giao thông...

Ngay đầu năm nay, bộ trưởng đã có chỉ thị là phải rà soát lại và có cách phân loại, phát hiện cán bộ chiến sĩ vi phạm các quy định về ứng xử, để cho nhân dân bức xúc, phản ảnh. Chúng tôi cũng kêu gọi báo chí, người dân nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ vi phạm thì thông báo cho chúng tôi qua đường dây nóng, thông báo cho thanh tra bộ hoặc lực lượng thanh tra chuyên ngành để chúng tôi xử lý.

* Ông có cho rằng có những tình huống mà người vi phạm đáng ra có thể chấp hành, nhưng vì thái độ của cán bộ, chiến sĩ của mình dẫn đến phản ứng không đáng có, có thể dẫn đến chống người thi hành công vụ?

- Nếu người thực thi công vụ mà có cách ứng xử tốt sẽ hạn chế tối đa trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nhưng chúng ta không phải đổ hết lỗi cho người thi hành công vụ. Ví dụ, với một người dân tốt bình thường thì không bao giờ có phản ứng tiêu cực, có thể họ không bằng lòng nhưng không đến mức chống đối quyết liệt. Trong thực tế, số chống người thi hành công vụ quyết liệt phần lớn là số côn đồ, manh động chứ không phải là những người dân bình thường.

Vừa rồi, Bộ Công an đang nhân rộng mô hình 141 của Hà Nội thì tình hình giao thông, an ninh trật tự mới ổn định, chứ thực tế có nhiều đối tượng khi bị dừng xe thì sẵn sàng dùng các loại vũ khí tấn công lực lượng chức năng. Hay vừa qua tình hình tội phạm ở TP.HCM rất phức tạp, buộc Bộ Công an phải điều trung đoàn cảnh sát cơ động của bộ vào để trấn áp thì các đối tượng ngổ ngáo, cướp giật cũng phải chùn tay. Tuy nhiên, như trên tôi đã nói, một bộ phận chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ có những hành vi không đúng mực, thậm chí là tiêu cực thì chúng tôi đã và đang quyết liệt chấn chỉnh, xử lý. Tất cả đều là vì mục tiêu đảm bảo an toàn, bình yên cho cuộc sống của nhân dân.

Luật sư Nguyễn Tiến Tài:

Giảm thiểu thấp nhất hậu quả tiêu cực

9dORIk43.jpg
Luật sư Nguyễn Tiến Tài - Ảnh: T.T.
Quyền nổ súng khi thi hành công vụ thật ra đã được quy định khá chặt chẽ trong pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bằng sự cẩn trọng cần thiết, việc nổ súng, theo pháp lệnh, chỉ được áp dụng trong bảy trường hợp với những điều kiện và quy trình hết sức khắt khe (khi không còn biện pháp nào khác; đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo; đối tượng sử dụng vũ lực, vũ khí, chất nổ...). Trong khi đó, tất cả những quy định nghiêm ngặt nói trên lại bị bỏ qua trong đề xuất “cho nổ súng” của Bộ Công an.

Nếu tuân thủ nguyên tắc phục vụ, Nhà nước buộc phải luôn cân nhắc, đo lường thật kỹ những tác động bất lợi cho một chủ thể nào đó, đặc biệt là những đối tượng trực tiếp bị tác động trước khi ban hành. Từ đó, đưa ra các phương án để chọn lựa. Phương án được chọn lựa có thể không ban hành hoặc ban hành nhưng luôn phải dựa trên cơ sở mang lại cho xã hội lợi ích cao nhất mà chi phí, trong đó có hậu quả tiêu cực của sự tác động, lại được giảm thiểu thấp nhất.

Đây chính là khâu đánh giá tác động pháp luật (regulatory impact assessment - RIA) đã được áp dụng tại 60 quốc gia trên thế giới và tại VN lần đầu tiên được quy định bởi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào năm 2008. Theo đó, RIA trở thành khâu bắt buộc trong toàn bộ quy trình hình thành, soạn thảo và thực thi pháp luật (đánh giá tác động sơ bộ văn bản khi chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định; đánh giá tác động trong quá trình soạn thảo văn bản và đánh giá tác động sau khi thi hành văn bản). Ngoài ra, cùng với dự thảo văn bản và các tài liệu khác báo cáo RIA bắt buộc phải được đăng tải công khai trên website của cơ quan soạn thảo hoặc cơ quan ban hành văn bản.

Nhiều người ví RIA như một “bộ lọc” có tác dụng loại bỏ những chính sách kém và tạo nên những văn bản pháp luật có chất lượng cao. Trở lại dự thảo nghị định nói trên, cũng chưa thấy có báo cáo RIA đăng tải trên website của Bộ Công an hoặc của Chính phủ. Ngay dự thảo tờ trình của Bộ Công an cũng sơ sài và thiếu thuyết phục. Chẳng hạn phần giải thích về “sự cần thiết ban hành nghị định”, hầu hết chỉ nêu chung chung rằng “tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn biến rất phức tạp, với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao”, “ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ, tài sản của Nhà nước”... Đưa ra mệnh đề mà không chứng minh một cách cụ thể thì làm sao thuyết phục được?

GSceImEG.jpgPhóng to
Luật sư Trần Đình Triển - Ảnh: H.Đ.

Tiến sĩ, luật sư Trần Đình Triển (trưởng văn phòng luật sư Vì Dân):

Nhiều lực lượng là “người thi hành công vụ”

Nếu nghị định cho phép người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí trong trường hợp có “dấu hiệu gây nguy hiểm đến tính mạng cho người thi hành công vụ” thì vấn đề sẽ đặt ra là tất cả những người thi hành công vụ đều phải được trang bị vũ khí: cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, công chức, cán bộ các cơ quan nhà nước, giải phóng mặt bằng, cán bộ phường... Như vậy là trái pháp lệnh quản lý và sử dụng vũ khí.

Hơn nữa trong quá trình thi hành công vụ, việc cho phép sử dụng vũ khí ở nơi công cộng đông người thì không chỉ nguy hiểm cho người chống đối mà những người xung quanh có thể bị trúng đạn.

Ý kiến của các nhà trí thức, các ban ngành, đoàn thể, dân chúng và đặc biệt là cơ quan thông tin, báo chí đã đăng tải là thiện chí, hết lòng hết dạ, nhằm đóng góp ý kiến vào khung pháp lý, vừa bảo vệ quyền con người, vừa đảm bảo được trật tự an toàn xã hội. Đó là những ý kiến hết sức có trách nhiệm.

Ông Phạm Công Hùng (thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM):

Tôi tin vào sự sáng suốt của Bộ Tư pháp

Vụ Pháp chế Bộ Công an có soạn thảo lại nghị định này thì cũng phải tuân theo một nguyên tắc mà lãnh đạo Bộ Tư pháp đã nhấn mạnh: “Nội dung nghị định của Chính phủ phải phù hợp với quy định của pháp lệnh, nghị định nhằm hướng dẫn thực hiện chứ không phải là mở rộng hoặc quy định thêm nội dung của pháp lệnh”. Trong trường hợp pháp lệnh có vấn đề cần bổ sung sửa đổi thì đề nghị để Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi chứ không được quyền làm khác.

Bởi vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng nếu dự thảo đó không chuẩn thì còn có bước thẩm định của Bộ Tư pháp.

HOÀNG ĐIỆP ghi

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

L.KIÊN - M.QUANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên