Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu ý kiến này gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.
"Tuần qua, theo dõi báo chí và mạng xã hội, có hai câu chuyện làm tôi suy nghĩ: (1) Chuyện một TikToker "chửi" người miền Trung; (2) Chuyện cô giáo nghi vấn ngoại tình. Cả hai câu chuyện này đều thu hút dư luận với vô số những lời bình phê phán hai nhân vật chính này.
Là một người miền Trung, tôi theo dõi rất nhiều fanpage của quê hương mình. Và ở đó tôi thấy một nghịch lý: Rất nhiều người "chửi lại" TikToker kia và đồng thời lên tiếng "dạy dỗ" cô giáo nghi vấn ngoại tình (một người ở một tỉnh xa lạ).
Chính điều đó dấy lên trong tôi nhiều suy nghĩ: (1) Vì sao chúng ta quan tâm nhiều đến những chuyện "không tích cực" này? (2) Vì sao chúng ta có thể "chửi lại" khi nghe ai đó "chửi" và cả chuyện sẵn sàng đi "chửi thuê" một người rất xa lạ? (3) Liệu có một cách làm nào văn minh hơn giúp chúng ta sống khác, nghĩ và hành động khác thay vì "bức xúc" một cách sai lầm này?
Chúng ta đang bất lực và giả tạo?
Trong câu chuyện TikToker "chửi" người miền Trung, tôi rất buồn khi các fanpage của quê nhà đầy rẫy những bình luận phản cảm. Nói cho đúng, đó là những câu chửi còn khó nghe hơn cả những gì TikToker này đăng lên mạng. Đa số ở đó, mỗi bình luận là một sự hả hê, căm phẫn và đầy kích động.
Còn trong câu chuyện cô giáo nghi vấn ngoại tình, tôi càng thấy buồn hơn, khi nhìn thấy chính những đồng hương, bạn bè lẫn người thân của mình đòi đi "xử đẹp" một người ở tỉnh khác.
Họ là những người vừa mới "lên tiếng" tay đôi với TikToker "chửi" người miền Trung hôm trước, thì hôm sau họ sẵn sàng lao vào "chửi", thậm chí đòi "tát hôi" một người phụ nữ xa lạ. Điều đáng nói, câu chuyện này đang là "nghi vấn" và suy cho cùng chẳng liên quan gì đến mình.
Điều gì đang xảy ra thế này? Tại sao chúng ta luôn cố tỏ ra tốt đẹp bằng những việc thiếu văn minh như thế?
Chúng ta biết rằng TikToker kia "chửi" là sai rồi, thì việc mình "chửi lại" cũng chẳng thể đúng. Và hành động lôi chuyện nhà người khác ra để lên tiếng dạy dỗ các bài học đạo đức khi chưa rõ trắng đen thì càng sai.
Nếu đủ bản lĩnh, chúng ta sẽ thấy rằng việc một người "chửi" người khác trên mạng xã hội hay chuyện ai đó ngoại tình (dù thật hay không) không đáng để chúng ta bận tâm. Hay nói cách khác, cách chúng ta "chửi" lại người "chửi" mình, hoặc việc lên tiếng và phát tán hình ảnh riêng tư người khác cũng làm chúng ta không hơn gì họ.
Một số người cho rằng đó là những việc bất bình, cần lên tiếng, cần phản biện. Nhưng cách họ lên tiếng đang sai, cách chúng ta "bất bình" chỉ khiến chuyện bé xé ra to, chỉ khiến sân hận trong lòng ngày một dày thêm. Và nhìn sâu hơn, thông qua hai câu chuyện này, chúng ta sẽ thấy chính mình đang bất lực và giả tạo.
Vì bất lực nên chúng ta không biết làm gì ngoài "chửi lại". Vì giả tạo nên chúng ta cố gắng lên tiếng chuyện cô giáo kia để hòa chung đám đông đang cố gắng chứng tỏ: mình sống đạo đức, mình sống sạch!
Hãy chậm lại để hành xử văn minh hơn
TikToker "chửi" người miền Trung bị phạt, đó là hình phạt của một hành động sai trái. Nhưng sẽ không thể "triệu tập" hết những người từng "chửi lại" TikToker này, vì… quá nhiều.
Hay kể cả những người từng chửi cô giáo kia, phát tán những hình ảnh riêng tư của họ cũng không thể bị phạt, vì con số lên tới hàng trăm ngàn.
Từ đó chúng ta sẽ nhận thấy một vấn đề: Từ cái sai nhỏ, qua mạng xã hội khiến cái sai lớn hơn. Và từ một người sai, nay qua mạng xã hội khiến hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu người sai cùng.
Bây giờ, lên mạng xã hội, thỉnh thoảng chúng ta sẽ thấy ở đâu đó có những chuyện nhà người khác bị phơi bày.
Và điều đáng nói, không cần biết đúng hay sai, không cần làm người trong cuộc, chúng ta đều sẵn sàng lao vào bình luận, lên tiếng chỉ để thấy thỏa mãn một cảm giác đám đông. Ít ra, khi bình luận chuyện "lòng xào dưa", chúng ta thấy mình không lạc loài trên Facebook. Hay khi "chửi" lại TikToker kia, ít ra chúng ta hả dạ cơn giận đang nuốt trọn tinh thần mình.
Nhưng hậu quả thì vượt xa những gì chúng ta có thể gõ bàn phím. Những lời nói ác ý, những hành động đòi "tát hôi" sẽ lưu lại trên đó mãi mãi, và sang năm Facebook sẽ "nhắc lại". Lúc này không chỉ nạn nhân thấy nhói lòng, mà chúng ta cũng sẽ thấy mình từng "dại dột" như thế nào.
Và nếu không dừng lại, chúng ta sẽ ngày càng bị cuốn theo dòng xoáy này. Lúc đó, hễ mỗi lần lên mạng xã hội, chúng ta lại chực chờ chuyện người khác sai lầm để chửi mắng cho hả dạ. Cứ thế, mỗi ngày chúng ta đang nuôi lớn cơn giận dữ, lòng tham lam, sự ích kỷ trong mình.
Hãy chậm lại một chút, hãy đặt mình vào vị trí người khác, hãy tách khỏi đám đông một chút, để chúng ta hành xử văn minh hơn".
Trước thực trạng ngày càng có nhiều cá nhân lên mạng mạt sát mắng mỏ, chê bai, có hành vi lệch chuẩn..., theo bạn cần làm gì để trả lại môi trường online trong sạch?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn đọc gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận