TTCT - “Bộ Ngoại giao Iran hôm chủ nhật (4-3) đã ra một thông cáo cảm ơn dân chúng Iran về việc đi bỏ phiếu đông đảo trong cuộc bầu quốc hội ngày 2-3. Qua tham gia bầu cử ào ạt, dân tộc Iran đã một lần nữa đánh bại các âm mưu của kẻ thù” (1). Phóng to Một người dân Iran xem danh sách các ứng viên bầu cử quốc hội niêm yết tại một thánh đường ở phía bắc Tehran ngày 2-3 - Ảnh: Reuters Tin vắn trên của nhật báo Tehran Times thật hiếm thấy vì thường thì bầu cử và khen ngợi dân chúng đã “đi đông, bầu đúng” là công việc của Bộ Nội vụ hơn là của Bộ Ngoại giao. Giải thích chính xác nhất ngay trong thông cáo của Bộ Ngoại giao: “đi đông, bầu đúng” là để tiếp tục “đánh bại các âm mưu của kẻ thù”. Thật vậy, “kẻ thù” của Iran không ngớt bao vây cấm vận, trừng phạt, thậm chí nay phá hoại tình báo, mai đòi đánh phủ đầu, nhất là trong những tuần lễ trước và trong cuộc bầu cử. Chính trong bối cảnh bị đe dọa chiến tranh hủy diệt đó mà 62,4% cử tri Iran vẫn đi bầu, so với 55,4% của cuộc bầu cử năm 2008, có thể được xem như là thắng lợi. Số học mà nói, con số 62,4% này cũng còn là một con số “nghiêm chỉnh” cho thấy đây là một cuộc bầu cử có thể xem là “trung thực”! Càng “trung thực” khi chính em gái của đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, bà Parvin Ahmadinejad, đã thất cử ngay tại quê nhà là thành phố Gharmsar. Ai đắc cử? Chiều chủ nhật 4-3, Bộ trưởng nội vụ Mostafa Mohammad-Najjar loan báo 119/290 ứng viên chắc chắn đã đắc cử đại biểu quốc hội cho một nhiệm kỳ bốn năm. Trong số các nhân vật đắc cử dẫn đầu tại thủ đô Tehran có các ông Gholam Ali Haddad-Adel, Mohammad Hassan Aboutorabi-Fard, Ali Reza Marandi, Morteza Agha-Tehrani... Google một chút sẽ thấy ông Gholam Ali Haddad-Adel - nguyên là chủ tịch quốc hội khóa trước nữa và là thông gia với đại giáo chủ Khamenei, còn ông Mohammad Hassan Aboutorabi Fard nguyên là phó chủ tịch thứ nhất của quốc hội, từng nổi tiếng với “tuyên xưng đức tin”: “Cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đã giúp Iran tìm thấy vị trí đích thực của mình trong khu vực và châu Á. Cách mạng Hồi giáo đã đem đến cho các nước Hồi giáo và nước khác một bản sắc và tinh thần đối kháng các siêu cường” (2). Ông Massoud Mir-Kazemi là bộ trưởng dầu hỏa, năm ngoái giữ vai trò chủ tịch OPEC, nay sẽ lại đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến chống trừng phạt dầu hỏa của Mỹ và EU. Còn ông Morteza Agha-Tehrani thì nổi tiếng với phát biểu: “Hãy tống bọn cải cách ra ngoài y hệt như vất đi cái tã thay cho em bé!”. Những tên tuổi trên thuộc cánh của đại giáo chủ Khamenei, cùng với những tên tuổi thuộc các cánh được xem là bảo thủ như “Mặt trận thống nhất”, “Mặt trận kháng chiến”, vốn thường chỉ trích Tổng thống Ahmadinejad. Thắng lợi của hai cánh bảo thủ này đồng nghĩa với sự thất thế của cánh ủng hộ Tổng thống Ahmadinejad! Trong bối cảnh đó, cùng với việc ông Ali Larijani, chủ tịch quốc hội vừa mãn nhiệm, một trong những đối thủ chính trị chính của ông Ahmadinejad, hầu như quốc hội khóa mới này trong tay cánh “bảo thủ” ủng hộ đại giáo chủ Khamenei (3). Cánh cải cách sẽ không có chỗ trong quốc hội mới do đã tẩy chay cuộc bầu cử này để phản đối cuộc bầu cử tổng thống năm 2009 cùng những bắt bớ sau đó, nhất là trong những vụ biểu tình phản kháng tháng 2 năm ngoái. Ai là ai ở Iran? Chính trường Iran tuy nhìn vào có vẻ như “nhất thể” song thật ra lại mang dáng dấp đa đảng và phe phái. Ngay cả điều gọi là giới tăng lữ đang thống lĩnh thế quyền từ năm 1979 cũng xa lạ với những gì quen thấy nơi một số tôn giáo khác. Các giáo sĩ không bị câu thúc trong chế độ độc thân, vẫn có gia đình, sinh con đẻ cái, làm ăn buôn bán, và từ đó có những liên kết thông gia, thân tộc, cùng những nhóm lợi ích, những “cánh” trong chính trường, như có thể thấy qua việc con trai đại giáo chủ Khamenei lấy con gái ông Haddad-Adel, nguyên chủ tịch quốc hội... Ali M.Ansari, giáo sư Đại học Scotland, một chuyên gia hàng đầu về Iran, đã tóm tắt như sau về tính dị thường này: “Lịch sử cho thấy rằng không một nhà nước Iran nào tồn tại mà không gieo trồng lòng trung thành nơi giới thương nhân. Sau khi đại giáo chủ Khomeini qua đời năm 1989, Cộng hòa Hồi giáo Iran được “tái xác định” bởi nguyên chủ tịch quốc hội và nay là tân Tổng thống Hashemi Rafsanjani. Rafsanjani là một giáo sĩ song cũng là một chính khách khôn ngoan và một thương gia, không mặn mà lắm với sự khổ hạnh Hồi giáo. Trong suốt quá trình tu trì của mình, Rafsanjani không ngừng tìm cách ổn định Cộng hòa Hồi giáo Iran dựa trên trụ cột là giới thương gia” (4). Tờ New York Times cũng mô tả Tổng thống Rafsanjani (từ 1989-1997) như sau: “Không giống như đại giáo chủ Khomeini và người kế vị ông là đương kim đại giáo chủ Ali Khamenei, ông Rafsanjani xuất thân từ một gia đình buôn bán - nông dân, chứ không từ một gia đình giáo sĩ; thành ra chỉ có thể mặc áo chùng màu trắng chứ không được mặc áo chùng màu đen. Ông Rafsanjani thường minh họa các bài diễn văn và thuyết giáo của mình bằng các con số thống kê, thay cho trích kinh Koran” (5). Người kế vị ông Rafsanjani là Mohamed Khatami càng muốn thúc đẩy cải cách hơn nữa, nhất là khi ông đắc cử với 70% số phiếu. Trong hai nhiệm kỳ của mình (1997-2005), ông Khatami chủ trương tự do ngôn luận, dung thứ và xã hội dân sự, thị trường tự do và mở cửa đầu tư, đối ngoại hòa hoãn với phương Tây. Ông Khatami nổi tiếng với tác phẩm Đối thoại giữa các nền văn minh mà Liên Hiệp Quốc đã dựa vào đó để tuyên cáo năm 2001 là “năm đối thoại giữa các nền văn minh” (6). Tiếc thay vụ khủng bố 11-9 ở Mỹ đã vô hình trung kết liễu xu thế hòa hoãn này của phe cải cách ở Iran sau khi tổng thống Mỹ George W. Bush liệt Iran vào “trục ác ôn”! Trong bối cảnh tái “xung đột giữa các nền văn minh” (tựa đề một luận thuyết của Samuel Huntington, 1996) cuộc bầu cử năm 2005 đã đưa một chính khách kịch liệt chống phương Tây và Israel là Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Bốn năm sau, ông lại chiến thắng trong một cuộc bầu cử bị cánh cải cách tố cáo là gian lận. Những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ thứ nhì và cũng là nhiệm kỳ cuối của ông (kết thúc tháng 8 năm tới), cùng với những mâu thuẫn với đại giáo chủ Khamenei đã khiến cho thanh thế ông Ahmadinejad ngày càng giảm bớt trong quốc hội mới bầu, và thanh thế của đại giáo chủ Khamenei càng tăng. Một bất ngờ trong tương lai? Trong khi ông Ahmadinejad vẫn lớn tiếng thách đố, hôm 22-2 đại giáo chủ Khamenei “bất ngờ” tuyên bố “Iran không có tham vọng sản xuất hạt nhân”. Kết quả là hôm 4-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng: “Gần đây, thiên hạ nói đến chiến tranh quá nhiều và quá dễ dãi... Chính vì sự an nguy của Israel, của Mỹ và của thế giới, mà (tôi bảo): bây giờ không là lúc để hù dọa nữa”! Có vẻ như một khả năng đối thoại đang được để ngỏ, kể cả với Israel, nhất là khi ông Obama đã hé lộ điều kiện tiên quyết là: “Không một Chính phủ Israel nào có thể chấp nhận việc vũ khí hạt nhân trong tay một chế độ đã bác bỏ thảm họa tàn sát dân Do Thái (bởi phát xít Đức), đã đe dọa xóa Israel trên bản đồ thế giới...”, vốn là lập trường của ông Ahmadinejad. Với việc ông Ahmadinejad rời nhiệm sở năm tới và cánh của ông bắt đầu “chìm” sau cuộc bầu cử quốc hội, biết đâu sẽ có một chút hi vọng dẫn đến đối thoại hòa bình? __________ (1) http://www.tehrantimes.com/politics/96074-foreign-ministry-lauds-massive-voter-turnout(2) http://usanewsport.blogspot.com/2011/02/senior-iranian-lawmaker-mohammad-hassan.html(3) http://www.liberation.fr/monde/01012393799-les-conservateurs-se-partagent-les-sieges-au-parlement-iranien(4) Ali M. Ansari, Confronting Iran: The Failure of American Foreign Policy and the Roots of Mistrust (2006), p.119(5) http://topics.nytimes.com/topics/reference/timestopics/people/r/ali_akbar_hashemi_rafsanjani/index.html(6) BBC News, 6 June, 2001 Profile: Mohammad Khatami Tags: Khủng hoảngIranĐắc cửMahmoud AhmadinejadQuốc hội mới
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.