Phóng to |
Từ ngày có thông tin hủ tiếu gõ nấu bằng thịt chuột cống, người bán hủ tiếu này đành ăn hủ tiếu thay cơm vì ế ẩm - Ảnh tư liệu |
Ngày bé ở ngoài Bắc chỉ khi nào ốm tôi mới được mẹ cho ăn mì tôm, những ngày mưa lụt, nấu một nồi cơm trắng pha loãng một gói mì tôm với nước sôi để chan cơm thay canh vẫn đánh bay mấy bát. Những ngày đi học dấm dúi bẻ vụng một góc gói mì tôm trần của mẹ mang vào lớp là đã xôn xao cả đám con gái giờ ra chơi.
Đám trẻ con quê nghèo chưa bao giờ dám mơ đến phở. Lớn lên khi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, tôi chưa biết hủ tiếu gõ là gì cả. Các chị trong phòng rủ đi ăn cũng không dám đi dù hủ tiếu ngày ấy 2.000 đồng một tô, mà để dành tiền đi xe buýt. Một lần, theo các chị đi mặc áo thú quảng cáo cho sữa chua, lãnh 200.000 đồng tiền công tôi cùng các chị đi “ ăn chơi xả láng” ở quán hủ tiếu đầu hẻm.
Hôm ấy mưa, nước ngập đến mắt cá chân, mấy chị em hai tay cầm hai chiếc đũa gõ gõ vào nhau háo hức chờ chị chủ bưng tô hủ tiếu thơm phức, thịt trắng nõn, lá hành lá hẹ thơm lừng. Ngồi trên mấy chiếc ghế nhựa vuông, chân đặt trên mấy hòn gạch chỉ hít hà hương thơm lựng từ tô hủ tiếu, tóp mỡ giòn giòn, nước ngọt lịm tê người đi, quên cả đôi chân đang mấp mé trên những viên gạch nhỏ. Ăn xong tô đầu tiên vẫn thòm thèm, gọi ngay tô nữa. Đó là lần đầu tiên tôi tự cho phép mình xa xỉ. Ăn xong, mấy chị em khoác vai nhau về, tô hủ tiếu trở thành món tủ khi một người trong phòng vừa lãnh lương gia sư, nhận tiền phát tờ rơi quảng cáo hay vừa được lãnh nhuận bút xong.
Những hôm lành lạnh, ngồi ở lề đường hít hà mùi nước lèo quyến rũ, dưới ánh đèn vàng vọt của con hẻm nhỏ thấy cuộc sống sao mà bình yên. Người bán cũng nhẹ nhàng, dễ mến bởi quanh co mấy con hẻm nhỏ, hẻm nào cũng có xe hủ tiếu. Phải giữ khách bằng nụ cười niềm nở chứ. Dù khách hàng hầu như toàn là sinh viên, những người lao động nghèo, dù tô hủ tiếu chỉ có ngàn đồng thì vẫn đầy đủ chanh, tương, khăn giấy…
Tốt nghiệp ra trường, đi làm tôi biết thêm hủ tiếu Nam Vang, đắt gấp năm lần, biết Phở 24, biết bánh canh Trảng Bàng, bánh canh ghẹ Cầu Bông, nhưng cái vị ngọt của hủ tiếu gõ thì vẫn chưa quên được. Có những sáng ngủ lười không kịp đi chợ, tối đi làm về trễ vẫn ghé qua xe hủ tiếu đánh bay cả hai tô.
Chị hủ tiếu nhớ mặt còn hỏi: "Sao mấy bữa nay không thấy?" hay "Hôm này ra muộn thế, nước đáy nồi hơi mặn, em có ăn không?". Tôi gật đầu, chị làm cho tôi một tô nhiều mì cho đỡ mặn rồi cũng dùng cái vá nhôm vét nốt chút nước còn sót lại vào tô xì xụp húp…
Thi thoảng đi chợ vẫn gặp chị lúi húi lựa xương heo, vẫn nụ cười hiền khô giọng nói chân phương xứ Quảng, chợt thương sao những con người bé nhỏ đêm đêm luồn lách vào từng con phố nhỏ, những xóm trọ sinh viên nghèo vừa gõ lách tách vừa í ới “hủ tiếu đê”, thương những tấm lưng cong cặm cụi đẩy chiếc xe lóc cóc bàn ghế, bát đũa đêm đêm tất tả đi về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận