Phóng to |
Ông Lương Tấn Túc (53 tuổi, quê Quảng Ngãi) bỏ than vào lò đốt để giữ nóng cho nồi nước lèo, phía sau là dãy bàn ghế vắng khách - Ảnh: Hữu Khoa |
Tuổi Trẻ Online xin trích đăng.
Khi chúng ta đang ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng thì họ đang chọn những nguyên liệu cho một nồi nước lèo ngon để bán cho khách. Khi chúng ta đang ngồi thảnh thơi chờ đến cuối buổi chiều tan ca thì họ đang lọ mọ với lò than, một thứ mà có bao nhiêu đứa trẻ ngày nay biết đó là gì!
Rồi khi chúng ta về với gia đình trên chiếc xe máy, xe hơi, mua vài cái bánh kem nhỏ cho gia đình, thì họ đang đi khắp ngõ hẻm trên chính đôi chân họ để chỉ mong có thêm vài người khách.
Đến khi chúng ta ngồi ăn trong mái ấm gia đình thì họ đang "sưởi ấm" bên nồi nước lèo với một tô hủ tiếu lót dạ. Và rồi ngày của chúng ta kết thúc với giường êm nệm ấm, họ lại tiếp tục mòn mỏi trong đêm với nồi nước lèo chỉ vơi một nửa.
Công việc không phân sang hèn. Đạo đức ai ai cũng có. Vậy tại sao chúng ta lại nghĩ rằng những người lao động lam lũ lại sẽ làm những việc như chúng ta đang bàn luận mà không phải là những nhà hàng 3, 4, 5 sao làm việc đó? Cuộc sống luôn đầy hi vọng và ý nghĩa. Hãy nhìn đời bằng một niềm tin.
htlu@...
Để thay đổi, hãy bắt đầu từ tô hủ tiếu gõ!
Hàng ngàn xe hủ tiếu gõ không được ai quản lý, không được kiểm tra, không đóng thuế và không phải bị ràng buộc bởi bất kỳ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nào liệu có thực sự an toàn. Ngay khi những cơ sở hàng quán có đăng ký hẳn hoi, có đóng thuế, chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng và bị ràng buộc bởi các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm mà vẫn thường xuyên vi phạm nữa là!
Nếu đánh đồng tất cả các xe hủ tiếu gõ đều như nhau thì có vẻ quá cực đoan, nhưng do các xe hủ tiếu gõ toàn là tự phát chẳng có ai quản lý nên chúng ta không có bất kỳ cơ sở nào để khẳng định xe hủ tiếu gõ này vệ sinh, an toàn hơn xe hủ tiếu gõ kia. Và cũng chẳng có người bán nào tự nhận là mình làm ẩu cả. Liệu với xã hội hiện nay đồng tiền được đặt lên trên tất cả và mọi hoạt động kinh doanh đều nhằm kiếm lợi nhuận, người kinh doanh luôn muốn có lợi nhuận tối đa thì chúng ta có đủ can đảm, có đủ niềm tin vào lời giới thiệu của tất cả những người bán hủ tiếu gõ hay không? Khi không có đủ niềm tin, khi không có cơ sở chắc chắn liệu có đáng để chúng ta liều đánh đổi bằng chính sức khỏe của mình hay không?
Dẹp hết những xe hủ tiếu gõ cũng không thể thay đổi gì được nhiều, cũng không thể làm cuộc sống của chúng ta an toàn hơn bao nhiêu vì vẫn còn rất nhiều thứ khác phải tiếp tục thay đổi. Và khi chúng ta bắt đầu thay đổi thì những người bán hủ tiếu gõ sẽ chết đói chăng? Họ sẽ ra đường ăn xin chăng? Hay họ cũng buộc phải thay đổi cùng chúng ta? Hay họ sẽ phải thay đổi những xe hủ tiếu khác văn minh hơn? Hay hàng triệu con người khác sẽ được ăn những tô hủ tiếu an toàn và vệ sinh hơn? Chúng ta nên ưu ái làm ngơ cho họ hay chúng ta cũng phải bắt họ đi theo quy luật của kinh tế thị trường, những gì lạc hậu yếu kém phải dần dần bị đào thải thông qua cạnh tranh công bằng?
Có nhiều cách để mình thể hiện đạo lý, không phải cứ là cổ vũ cho người nghèo mưu sinh bằng mọi cách. Sao không khuyến khích, hỗ trợ họ mở quán hủ tiếu sạch thay vì cứ để dơ dáy ngoài lề đường?
nguyen quang hiep
Hủ tiếu gõ trong tuổi thơ tôi
Không có nghề nào xấu cả, chỉ có người làm nghề xấu thôi. Về chuyện xác chuột trong xe hủ tiếu cũng như thế!
Hồi còn nhỏ, tuyến huyện lộ 610 ở quê tôi mới vừa làm xong, con đường thông từ ngã 3 Nam Phước lên đến di tích Mỹ Sơn xe cộ được lưu thông. Khu thị trấn nhỏ của tôi bỗng chốc "thay da đổi thịt". Người buôn bán dạo ở khắp nơi đổ về, trong đó có cả xe hủ tiếu gõ. Tiếng gõ của 1 anh đi trước và sau đó là xe hủ tiếu. Hồi đó bọn con nít chúng tôi mê mẩn tiếng gõ tí ta tí tách ấy. Chỉ cần nghe thấy âm thanh ấy văng vẳng đâu cách 4-5 căn nhà là lũ chúng tôi được dịp ùa ra đường, nhảy chân sáo theo vỗ tay như... nhìn thấy máy bay.
Tôi hỏi ngoại mấy chú bán hủ tiếu này ở đâu thì ngoại bảo: "Họ ở Sài Gòn ra đây bán đấy con, hồi còn đi lính trong ấy, ông mê món này lắm". Nhưng thực ra lớn lên tôi mới biết phần lớn những người bán hủ tiếu là ở Quảng Ngãi.
Hồi đó, một tô hủ tiếu chỉ có 5 ngàn, vậy mà với lũ con nít chúng tôi nó thật xa xỉ (mặc dù như thế là rẻ hơn phở). Tụi thằng Xù, thằng Rim mới thường xuyên ăn, còn tôi và vài đứa khác trong xóm chỉ khi được dịp mới ăn mà thôi. Bưng tô hủ tiếu đầy ắp sợi, nước, nhân bốc lên thơm lừng cả mũi như thế mà trong bụng lúc nào cũng nghĩ là ít. Đến khi ăn hết hủ tiếu và chả, húp cạn cái thứ nước ngọt lịm người mà tôi cũng còn xoa xoa bụng tiếc nuối. Nhưng má chỉ cho có 5 ngàn, mà 5 ngàn thì ăn được có 1 tô thôi.
Về sau chúng tôi không còn thấy những xe hủ tiếu gõ như thế nữa. Một thời gian tôi thắc mắc hỏi má, hỏi ngoại, nhưng mọi người đều nói cái gì đó xa xôi quá tôi chẳng để ý. Chỉ tự nhủ rằng Nam Phước không còn hủ tiếu nữa. Tối tối có thích thì cũng chỉ lên chỗ nhà bà Huynh ăn trứng vịt lộn mà thôi...
5 năm trở lại đây hủ tiếu mọc lên nhiều, nhưng không còn tiếng gõ tí ta tí tách như ngày xưa, không còn những xe đẩy theo sau tỏa khói lên khơi gợi, quyến rũ biết bao đứa con nít như tôi thời đó. Thế mà với những cô chú, anh chị bán hủ tiếu, tôi luôn có cái nhìn đầy thiện cảm. Rõ ràng đa số những người bán hủ tiếu là những phận tha hương cầu thực, mà tha hương thì đáng thương lắm.
Một đêm mùa đông, khi không khí keo lại, cái lạnh liếm láp lên da thịt những người làm việc ban đêm, tô hủ tiếu là một điều gì đó thật lớn lao.
Phan Phước Vinh
TTO tổng hợp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận